Theo các chuyên gia, nếu TP HCM được quyền tự quyết khi thực hiện các dự án metro thì tiến độ sẽ được đẩy nhanh, việc đội vốn cũng được hạn chế
UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam. Trong đó, UBND TP kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh - thành trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.
Lập luận của TP HCM
Theo UBND TP, kiến nghị trên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị (metro) trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng đối với các dự án metro, thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ - ngành trước khi trình thủ tướng còn khá chậm. Thời gian chuẩn bị các dự án mất khoảng 2-3 năm nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, các dự án metro với đặc thù vốn đầu tư lớn (hàng tỉ USD), thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Do đó, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.
Nhìn lại tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) mà TP đang triển khai xây dựng mới thấy gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuyến metro số 1 bắt đầu thực hiện vào tháng 3-2007, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2020. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị (BQL ĐSĐT) TP, dự án metro số 1 được UBND TP phê duyệt lần đầu với tổng mức đầu tư 126.582 triệu yen Nhật (tương đương 17.388 tỉ đồng). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu bổ sung làm rõ thiết kế cơ sở và rà soát, cập nhật, tính toán lại tổng mức đầu tư vào thời điểm giữa năm 2009, tổng mức đầu tư được UBND TP tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh là 236.626 triệu yen Nhật (tương đương 47.325 tỉ đồng).
Sau nhiều lần điều chỉnh, tuyến metro số 1 đã tăng tổng vốn từ 17.388 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng Ảnh: GIA MINH
Tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng 87% (tính theo ngoại tệ) là do sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định trong hơn 3 năm qua làm chi phí tăng khoảng 45.894 triệu yen Nhật. Nguyên nhân thứ 2 là tăng khối lượng xây dựng khi điều chỉnh thiết kế cơ sở, làm chi phí tăng khoảng 33.795 triệu yen.
Ngoài ra, việc thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư như tỉ giá và các chi phí dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019 đã góp phần làm tăng tổng mức đầu tư. Trong báo cáo giữa kỳ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, BQL ĐSĐT TP cho biết một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện dự án là khi thay đổi quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán phải xin ý kiến các bộ - ngành, Thủ tướng cho cơ chế riêng.
Ngoài metro số 1 thì TP cũng đang triển khai thực hiện tuyến metro Bến Thành – Tham Lương (metro số 2). Vào năm 2010, tổng mức đầu tư tuyến này là hơn 26.100 tỉ đồng. Đến nay, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên khoảng 48.000 tỉ đồng. Dự án hiện mới xây dựng tòa nhà điều hành.
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án metro, BQL ĐSĐT TP cho rằng thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan thẩm quyền (sở - ngành TP, bộ - ngành trung ương) thường mất nhiều thời gian.
Đừng để "tắc" một bộ phận
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn đánh giá nếu TP được giao quyền tự quyết khi thực hiện các dự án metro thì sẽ đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1 và tạo tiền đề cho các tuyến tiếp theo.
Ông Sơn cho rằng dự án metro nằm trên địa bàn TP và TP có đủ nhân lực, tài lực để thực hiện thì không nhất thiết phải giao cho các bộ - ngành ở trung ương. Bởi chỉ cần một bộ - ngành tắc là "cỗ máy" sẽ ngừng hoạt động và tuyến metro số 1 đang bị tắc là vì lý do đó. Cụ thể, khi nguồn vốn trung ương gặp khó khăn thì dự án không được triển khai tiếp trong khi nếu để tự chủ thì TP hoàn toàn có thể chủ động tiếp ứng nguồn vốn để dự án đúng tiến độ. Hậu quả của việc dự án chậm tiến độ là vốn đầu tư bị đội lên.
"Điểm thuận lợi của TP hiện nay đó là vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù, TP sẽ có nhiều quyền hơn và đi cùng là trách nhiệm cũng nặng hơn. Để đáp ứng cơ chế này thì bộ máy nhà nước cũng cần phải thay đổi cách làm cho phù hợp" - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, khi có cơ chế đặc thù thì cách quản lý cũng phải theo hướng mở đó là tăng quyền lợi cho những lãnh đạo dấn thân, có khát vọng thể hiện dấu ấn cá nhân.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP, đánh giá TP được trung ương cho cơ chế đặc thù và đây là một thuận lợi lớn. Tuy nhiên, ông Cương nhìn nhận hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như một số dự án ở địa phương nhưng các bộ - ngành trung ương lại là nơi kiểm soát hồ sơ, các trình tự, thủ tục..., gây khó cho địa phương trong thực hiện.
Vì vậy, theo ông Cương, với những dự án này, trung ương chỉ nên định hướng và đưa ra các chiến lược lớn, còn chi tiết giao cho địa phương thực hiện với cơ chế riêng vì sẽ được chủ động và sát với đặc thù của địa phương nhiều hơn. Trung ương hoàn toàn kiểm soát được như có thể thành lập các cơ quan phối hợp, giám sát việc thực hiện theo đúng định hướng, chiến lược trước đó.
Bỏ lỡ nhiều nguồn vốn quan trọng
Về cách làm metro mà TP đang thực hiện, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP chỉ đầu tư metro mà không tính đến bài toán kinh tế đã bỏ lỡ mất nhiều nguồn vốn quan trọng. Điển hình như tuyến metro số 1, các dự án nhà cao tầng mọc bên cạnh metro với giá trị tăng lên cả chục lần mà TP không thu được đồng nào. Rõ ràng, nếu TP không làm thì tư nhân, doanh nghiệp bất động sản sẽ nhảy vào và đạt lợi nhuận cao.
Do đó, trong các tuyến tiếp theo TP cần tính đến việc thu hồi vốn qua những dự án bất động sản mà metro làm tăng giá trị. TP hoàn toàn có thể mở biên thu hồi đất của người dân và đền bù ngang giá thị trường để người dân không bị thiệt mà TP lại có quỹ đất để sinh lời trong tương lai. Đây là cách làm của những TP lớn ở các nước phương Tây hay gần hơn là Thái Lan, Singapore,… Khi mở biên thu hồi đất thì số tiền bồi thường sẽ lớn hơn nhưng không phải không có cách huy động nguồn vốn thực hiện.
Cũng theo ông Sơn, các nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng TP, chấp nhận bỏ ra số tiền ban đầu để được hưởng ưu đãi về thuế quan, hay được chọn vị trí những khu đất đẹp, có giá trị cao. Một cách khác là TP phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng để người dân mua. Nếu TP tính toán và thuyết minh được hiệu suất sinh lời của trái phiếu mang lại lợi nhuận cao thì người dân sẽ bỏ tiền ra mua thay vì gửi ngân hàng.
Muốn tự chủ, phải điều chỉnh Luật Đầu tư công Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho biết theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 17 Luật Đầu tư công 2014, dự án giao thông (đường sắt) có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của Thủ tướng Chính phủ. Pháp luật hiện hành không có quy định cho phép UBND cấp tỉnh - thành được quyền quyết định đối với loại dự án này. Theo đó, muốn tự chủ thì phải điều chỉnh. Còn theo TS Phạm Sanh, để có thể xin tự quyết thì TP HCM phải nêu rõ vướng mắc ở những khâu nào và tác động đến quá trình thực hiện dự án ra sao thì mới thuyết phục. Ông Sanh cũng nêu vấn đề các dự án metro có đặc thù chi phí đầu tư lớn, vì vậy, nếu được quyết định phê duyệt thì đầu tiên TP phải có định hướng rõ trong việc huy động nguồn vốn, các phương án thẩm định, dự toán đầu tư. |
Tuyến metro hơn 1 tỷ USD ở thủ đô có thể lùi tiến độ đến năm 2023
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đặt kế hoạch hoàn thành xây dựng vào quý IV/2022, nhưng có thể bị lùi vào quý I/2023. |
Nhà ga ngầm tuyến Metro TPHCM: Khẩn trương thi công, vượt khó
Mới đây, UBND TPHCM đã có báo cáo trình Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc của Dự án xây dựng tuyến đường sắt ... |
Ngày đăng: 09:33 | 14/06/2018
/ nld.com.vn