Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu bơm tín dụng ra nhanh mà không tính toán, không kiểm soát kỹ thì hậu quả sẽ khó lường.
Liên quan đến việc đẩy chỉ tiêu tín dụng lên 22% so với mục tiêu đầu năm là 18%, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã tính toán khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng cần phải xem xét kỹ tăng trưởng tín dụng cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng gì. Bởi nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không dễ kỳ vọng, do sự hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay còn yếu, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn nhất định.
"Về dài hạn, nền kinh tế vĩ mô còn yếu, nợ xấu chưa xử lý được, nợ công tăng. Những vấn đề này làm cho rủi ro kinh tế vĩ mô tăng lên, khiến lạm phát tăng, nhất là khi cung tiền được bơm ra nhiều so với trước đây.
Nói cách khác, tín dụng tăng cao khó có thể tránh được “bẫy” nợ xấu đã từng xảy ra như trước. Do đó, thay vì đẩy mạnh vốn vay, nên xem xét các giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn giảm lãi vay, giảm chi phí vận tải, cắt bỏ các chi phí gián tiếp, bỏ các giấy phép con... Nếu làm được như vậy thì hiệu quả doanh nghiệp thu về cao hơn so với việc bơm mạnh vốn ra thị trường hỗ trợ", báo Đầu tư dẫn lời ông nói.
Chuyên gia lo ngại tăng trưởng tín dụng cuối năm sẽ đổ vào các lĩnh vực "mỳ ăn liền" như chứng khoán, bất động sản mà không đi vào sản xuất |
Phân tích kỹ hơn về những rủi ro, vị chuyên gia chỉ ra rằng: "Theo tính toán, 1% tăng trưởng tín dụng sẽ tác động đến lạm phát nhiều hơn so với tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng chưa hẳn đã thúc đẩy được tăng trưởng GDP, mà hậu quả để lại là khó tránh rủi ro nợ xấu.
Bên cạnh đó, nếu quyết định tăng thêm tín dụng thì hiệu ứng của việc đẩy mạnh tăng trưởng vào những tháng cuối năm sẽ không tác động đến tăng trưởng kinh tế, mà kéo dài sang các tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, năm 2018, chúng ta cần các giải pháp tăng trưởng khác, chứ không hẳn là tín dụng. Theo tôi, cố tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ gây ra rủi ro đáng kể".
Ông cảnh báo, nếu đẩy tín dụng tăng lên hiện nay thì rong những tháng tới sẽ rất nguy hiểm, vốn chảy vào bất động sản và rủi ro nợ xấu tái tăng là khó lường. Như vậy, vốn tín dụng tăng chưa hẳn chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mà tiếp tục chảy vào lĩnh vực nhạy cảm, nhất là khi bất động sản đang ấm lên.
Cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản trước đây đã để lại hậu quả nợ xấu cao và hiện nay chúng ta vẫn đang phải nỗ lực giải quyết. Nếu đẩy mạnh tăng trưởng, mà không kiểm soát kỹ, tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản thì rủi ro nợ xấu khó có thể lường trước.
Bởi thế, TS Trần Đình Thiên nhận định, nếu tăng thêm khoảng 2% tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh mục tiêu tăng trưởng lên 22%, thì lượng vốn bơm ra nền kinh tế khá lớn, nhưng cũng không đến nỗi gây ra căng thẳng về thanh khoản và tăng lãi suất huy động.
Những phân tích của TS Trần Đình Thiên cho thấy ông cùng chung nỗi lo với các chuyên gia kinh tế khác khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng được tăng lên mức 22% thay vì 18% như đầu năm.
Từng trao đổi với Đất Việt, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lo ngại, yêu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn đang có nguy cơ làm méo mó nền kinh tế thị trường khi việc tăng hay giảm tăng trưởng tín dụng là do khả năng hấp thu của nền kinh tế, do doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hay không, do ngân hàng có nhìn nhận, đánh giá được rằng có an toàn, hiệu quả, khả thi không để cho vay.
"Thực ra, tâm lý của các ngân hàng cũng muốn tăng. Ngân hàng tốt thì không dại gì tăng vì họ rất thận trọng, tính toán an toàn, hiệu quả. Nhưng ngân hàng nào kém, nếu được mở cửa sẽ lập tức tăng vô tội vạ, chụp giật và muốn đạt thành tích ăn xổi ở thì, chẳng hạn tăng được như thế thì mới tính được lợi nhuận, doanh số, giá cổ phiếu... Nhưng chỉ cần 1, 2 năm sau, cái giá phải trả mới kinh khủng.
Khi ấy, thảm họa nợ xấu một lần nữa có thể tái diễn và lúc đó đừng có đổ tội cho ngành ngân hàng", LS Trương Thanh Đức cảnh báo.
Còn TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, lo rằng, khi cung tiền tăng mà để nền kinh tế hấp thụ nhanh thì người ta sẽ đổ vốn vào những lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán..., những lĩnh vực được coi như mỳ ăn liền. Nguy cơ trở lại thời kỳ bong bóng bất động sản 2006-2008 phải được tính đến.
Trong khi đó, khi dòng tiền đổ vào kinh tế phải cho nó thời gian để hấp thụ. Nếu đầu tư vào sản xuất đòi hỏi phải có vòng quay vốn với thời gian trung bình từ 3-6 tháng, nhiều khi chưa hết một vòng quay, phải chạy qua năm sau.
Chính vì thế, bài toán tiếp tục tăng cung tiền để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% cần phải được nghiên cứu và đánh giá toàn diện hơn nữa.
(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ts-tran-dinh-thien-co-tang-tin-dung-se-gay-rui-ro-3343004/)
Chính sách tiền tệ ở thế khó
Phải đồng thời thực hiện nhiều mục tiêu khiến điều hành CSTT sẽ gặp khó khăn |
Mổ xẻ mỏ vàng tín dụng BOT: Lo lợi ích nhóm
Nhiều dự án BOT, BT được chỉ định thầu dẫn đến rủi ro về tính minh bạch, công khai, đặc biệt nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước và ... |
Núi nợ dâng cao của Trung Quốc: Bơm tín dụng ra nhiều...
Theo chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nên dù quy mô nợ lớn nhưng chưa đến mức nguy cấp. |
Bơm tiền kích cầu kinh tế: Nhiều nỗi lo
Chuyên gia cảnh báo nhiều vấn đề trước khả năng bơm thêm gần 700.000 tỷ đồng vào nền kinh tế để nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín ... |
Ngày đăng: 18:24 | 13/09/2017
/ Theo Minh Thái/Báo Đất việt (Tổng hợp)