Truyền hình nhà nước khẳng định tên lửa siêu vượt âm Nga đang phát triển có thể tấn công các mục tiêu tại Mỹ trong vòng chưa đầy 5 phút. 

truyen hinh nga liet ke cac muc tieu tan cong hat nhan o my
Đồ họa tên lửa siêu vượt âm Tsirkon mà Nga đang phát triển. Ảnh: RBTH.

Trong bản tin phát sóng tối 24/2, người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov của kênh truyền hình nhà nước Nga Vesti Nedeli chỉ vào bản đồ nước Mỹ và xác định một số mục tiêu mà ông nói rằng Moskva muốn tấn công trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Các mục tiêu mà Kiselyov mô tả bao gồm trụ sở Lầu Năm Góc, khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ ở doanh trại David, bang Maryland. Trung tâm huấn luyện quân sự Fort Ritchie ở Maryland đóng cửa năm 1998, căn cứ không quân McClellan ở California đóng cửa năm 2001, và căn cứ liên lạc Jim Creek của hải quân ở bang Washington cũng là các mục tiêu được nhắm đến.

Kiselyov khẳng định tên lửa siêu vượt âm Tsirkon (Zircon) mà Nga đang phát triển có thể tấn công các mục tiêu nói trên trong vòng chưa đầy 5 phút nếu được phóng từ tàu ngầm Nga. Các tên lửa siêu vượt âm có thể đi qua bầu khí quyển với tốc độ gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh.

Bản tin trên Vesti Nedeli được phát sóng vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moskva sẽ sẵn sàng về mặt quân sự cho một "cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Cuba" nếu Mỹ muốn. Căng thẳng gia tăng sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) được Mỹ - Nga ký năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km.

Nga lo ngại Mỹ có thể triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu sau khi Mỹ rút khỏi INF. Putin cho biết Nga sẽ buộc phải đáp trả bằng cách phóng tên lửa hạt nhân siêu âm từ các tàu ngầm gần vùng biển của Mỹ.

"Bây giờ chúng tôi không đe dọa ai, nhưng nếu việc triển khai như vậy diễn ra, chúng tôi sẽ phản ứng ngay lập tức", Kiselyov nói.

Điện Kremlin không bình luận về bản tin trên Vesti Nedeli, nói rằng họ không can thiệp vào cách biên tập tin tức của đài.

Mỹ tuyên bố nước này không có kế hoạch triển khai tên lửa ở châu Âu và coi cảnh báo của Putin là "chiến dịch tuyên truyền gian xảo". Washington khẳng định hiện không sở hữu tên lửa hạt nhân tầm trung trên bộ để có thể bố trí ở châu Âu. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ mở đường cho nước này phát triển và triển khai các tên lửa như vậy.

Huyền Lê

truyen hinh nga liet ke cac muc tieu tan cong hat nhan o my Tướng về hưu Nga khoe tên lửa diệt được mọi căn cứ trên đất Mỹ

Một cựu sĩ quan cấp cao Nga khẳng định chiến hạm mang tên lửa Zircon có thể phá hủy những mục tiêu quan trọng của ...

Ngày đăng: 00:00 | 26/02/2019

/ VnExpress