Kê ‘khống” số lượng giảng viên cơ hữu để tăng chỉ tiêu, tuyển sinh chui, mập mờ về thông tin trong đề án tuyển sinh… Tất cả các trường có những vi phạm này sẽ bị cắt quyền tự chủ tuyển sinh trong 5 năm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), đây là biện pháp để các trường tăng cường minh bạch trong tuyển sinh, có trách nhiệm với người học và toàn xã hội.
Công khai thông tin về giảng viên
Ngày 17.7, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tại hội nghị, nhiều vấn đề “nóng” trong tuyển sinh đã được Bộ GDĐT và đại diện các trường đại học trên cả nước đặt ra, như cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh, hạ điểm sàn, điểm chuẩn để tuyển sinh bằng mọi giá…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thời gian qua xảy ra tình trạng một số trường xác định chưa chính xác về số lượng giảng viên. Nói cách khác, trường đã kê “khống” giảng viên nhằm mục đích tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ GDĐT đã có các văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các trường cần xác định đúng đội ngũ giảng viên cơ hữu, báo cáo đội ngũ giảng viên chi tiết đến từng chuyên ngành, số chứng minh nhân dân của giảng viên để xây dựng dữ liệu giảng viên cho toàn ngành. Việc này nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận số giảng viên để được tăng chỉ tiêu.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các trường đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh số lượng thí sinh trúng tuyển, chi tiết đến tên của từng thí sinh, để các em có thể tra theo tên, biết mình nằm trong danh sách trúng tuyển của trường nào; trường nào tuyển sinh chui, "kê khống".
"Tất cả những vi phạm trong tuyển sinh, ngoài việc bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, thì theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi vừa có hiệu lực, các trường sẽ không được tự chủ tuyển sinh trong 5 năm. Như vậy, càng tự chủ thì chế tài càng nặng, đòi hỏi các trường phải thực hiện một cách nghiêm túc. Hạn chế việc các trường lấn sân, tranh giành nguồn tuyển của nhau một cách không minh bạch"- bà Phụng thông tin.
Đồng quan điểm, cho rằng cần minh bạch trong tuyển sinh, đặc biệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên, nhưng TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT - băn khoăn về chế tài xử lý các trường vi phạm trong tuyển sinh.
“Nếu vi phạm, trường sẽ bị cắt quyền tự chủ tuyển sinh trong 5 năm, đúng bằng nhiệm kỳ của hiệu trưởng. Trong nhiệm kỳ, Hiệu trưởng muốn làm gì thì phải xin phép Bộ. Việc này liệu có nặng tay không?”- TS Tùng đặt câu hỏi.
Trước ý kiến này, điều hành phiên thảo luận tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chế tài trên đã được quy định trong Luật. Thậm chí, từng có ý kiến cho rằng nếu vi phạm, trường có thể bị dừng tuyển sinh. Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của các trường trước người học, phụ huynh và toàn xã hội.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội thì đánh giá cao việc xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên, thậm chí sinh viên để minh bạch thông tin. Việc này còn giúp xác định tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi ra trường, kiểm định chất lượng giáo dục đại học có đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển sinh hay không. TS Sơn cho rằng, vấn đề tuyển sinh, chất lượng càng minh bạch, thì trường mới phát triển được.
Không lặp lại tình trạng nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh
Cũng liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2019, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý, với các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức thì nên xác định tỉ lệ của các phương thức cho phù hợp, để đảm bảo chất lượng.
Đại diện Bộ GDĐT cũng lưu ý việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp. Hiện nay, hệ thống trường này đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh. Dù vậy, trong trường hợp không tuyển đủ chỉ tiêu, không đủ sinh viên để mở lớp thì cần thông báo đến thí sinh, tránh lặp lại tình trạng cố tình nâng điểm chuẩn lên cao để đánh trượt thí sinh như đã xảy ra năm 2018.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng lưu ý các trường đại học không nên mất công sức nghĩ ra các tổ hợp mới, các ngành mới lạ để thu hút thí sinh. Lý do là bởi thống kê của Bộ GDĐT cho thấy các tổ hợp mới, lạ chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng thí sinh đăng ký. Chưa kể việc các trường đưa ra những tổ hợp tuyển sinh không phù hợp có thể nhận những phản hồi không tốt từ chính người học, của xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của trường.
Ngày đăng: 15:53 | 17/07/2019
/ Lao Động