Donald Trump đã nói rõ với Mỹ Latinh trong suốt 4 năm cầm quyền: đừng làm ăn với Trung Quốc. Nhưng thông điệp này không được hưởng ứng.

Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị bước vào Nhà Trắng ngày 20/1, Bắc Kinh đang siết chặt ảnh hưởng với vùng đất rộng lớn giàu tài nguyên được coi là "sân sau" của Mỹ.

4317 im 147450 1608290549 4769 1608291024
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Một cuộc điều tra của Reuters, bao gồm phỏng vấn với các quan chức, cố vấn hiện tại và trước đây cùng phân tích dữ liệu thương mại, cho thấy dưới thời Trump, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về quyền lực và ảnh hưởng với hầu hết nước Mỹ Latinh.

"Họ nên lưu ý rằng sự kém cỏi và lơ là của Trump ở Mỹ Latinh và vùng Caribe sẽ kết thúc vào ngày đầu tiên trong chính quyền của tôi", Biden nói hồi vào tháng ba.

Nhưng cam kết này sẽ không dễ thực hiện. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh, nếu không tính Mexico. Họ mua đồng khai thác ở dãy núi Andea, ngũ cốc Argentina và thịt của Brazil.

Bắc Kinh cũng tăng cường đầu tư và cho vay lãi suất thấp với khu vực, hỗ trợ các dự án năng lượng, trang trại năng lượng mặt trời, đập, cảng, tuyến đường sắt và đường cao tốc.

Cựu Tổng thống Bolivia Jorge Quiroga đã nói về sức hấp dẫn của Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn tại La Paz hồi đầu năm, nhấn mạnh rằng cùng với cường quốc địa phương Brazil, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất với họ.

"Mọi người hỏi tôi thích ai hơn, Mỹ hay châu Âu? Tôi trả lời là Brazil. Còn vị trí thứ hai thì sao? Đó là Trung Quốc. Đây là thực tế của Nam Mỹ", Quiroga nói.

Các quan chức trong khu vực cảnh báo rằng Trung Quốc, đối tác kinh tế và ngoại giao lớn của nhiều quốc gia, sẽ khó bị "hất cẳng" khỏi khu vực. Hàng tỷ USD của Trung Quốc là cứu cánh quan trọng cho các quốc gia mới nổi đang mắc nợ nhiều và xu hướng này càng tăng thêm do tác động của Covid-19.

"Tôi nghĩ Trung Quốc quan tâm đến Argentina nhiều hơn Mỹ với Argentina. Điều đó tạo nên sự khác biệt", một quan chức chính phủ Argentina nói.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số một của Brazil, Chile, Peru, Uruguay và các nước khác. Họ vượt xa Mỹ về thương mại với Argentina.

Không tính Mexico, thương mại của Trung Quốc với khu vực đã vượt qua Mỹ năm 2018 và càng tăng cường vào năm 2019, lên hơn 223 tỷ USD so với thương mại của Mỹ là 198 tỷ USD, theo một phân tích từ cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn bỏ xa Trung Quốc nếu tính Mexico - đối tác thương mại hàng đầu của họ vào năm ngoái.

Chính quyền Trump bị một số quốc gia trong khu vực coi là không làm gì nhiều ngoài việc chỉ trích các đối tác Mỹ Latinh xích lại quá gần Trung Quốc, đặc biệt là thông qua các mối quan hệ tài chính hoặc công nghệ giá rẻ khi cuộc đua giành vị trí thống trị 5G nóng lên.

Mark Feierstein, cựu cố vấn của Barack Obama, cho biết việc Trump không mặn mà với chủ nghĩa đa phương và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạo ra khoảng trống mà Trung Quốc đã lấp đầy. Và Biden sẽ tìm cách đảo ngược điều đó.

"Điều Trump đã làm là khiến Trung Quốc hiện lên như một đối tác tốt hơn. Tất cả những điều đó sẽ thay đổi", Feierstein, hiện là cố vấn cấp cao tại Albright Stonebridge Group và CLS Strategies, cho biết.

Các nhà phân tích và cựu cố vấn cho rằng chính quyền Biden có thể dành nhiều ưu tiên hơn cho Mỹ Latinh, dù họ còn bận bịu với việc khắc phục hậu quả đại dịch và thiết lập lại quan hệ ở châu Âu và châu Á.

Janet Napolitano, cựu bộ trưởng An ninh nội địa dưới thời Obama, cho rằng Biden "thấy việc có quan hệ bền chặt khắp Trung và Nam Mỹ mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ".

Các chuyên gia đánh giá Biden sẽ tiếp tục cảnh báo các nước Mỹ Latin không nên xích lại gần Trung Quốc, nhưng họ có thể làm nhiều hơn để lấy lòng các nước này, bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi tài chính hơn và khôi phục viện trợ nhân đạo mà Trump đã cắt giảm.

"Chính quyền Biden sẽ chú ý đến sự phụ thuộc của Nam Mỹ vào thị trường hàng hóa Trung Quốc và cố gắng cung cấp hỗ trợ tích cực và hào phóng hơn" Benjamin Gedan, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Obama và hiện là học giả tại Trung tâm Wilson, nói.

Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội trong thời kỳ đại dịch để thắt chặt mối quan hệ trên khắp Mỹ Latinh, gửi vật tư y tế bao gồm máy thở và khẩu trang để chống Covid-19.

Ở Argentina, trong những tháng gần đây, chính phủ đã công bố một loạt sáng kiến mới hoặc mở rộng với Trung Quốc, thử nghiệm vaccine, hoán đổi tiền tệ mở rộng, hợp tác về không gian và cung cấp khóa học nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho sinh viên tại trường đại học quốc phòng của nước này. Hai nước đã thảo luận về khả năng Tổng thống Alberto Fernandez thăm cấp nhà nước Trung Quốc về việc Argentina tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Margaret Myers, giám đốc chương trình Trung Quốc và Mỹ Latinh tại Đối thoại Liên Mỹ, cho biết mặc dù khoản cho vay chính phủ của Trung Quốc với Mỹ Latin đã giảm một chút, bù lại, các khoản vay của ngân hàng thương mại tiếp tục được xúc tiến.

"Chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, dù thông qua thương mại hay tài chính, đã mở ra nhiều cánh cửa", bà nói, nhắc đến khoản vay 2,4 tỷ USD cho Ecuador trong năm nay của Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc.

Mỹ dường như đã thay đổi hướng đi trong những tháng cận kề bầu cử tổng thống, đưa ra một loạt các sáng kiến trong khu vực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng nhiều người cho rằng nỗ lực này đã quá muộn.

"Đây là cuộc cạnh tranh quyền lực lớn và nó đang diễn ra trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ Latinh", một quan chức chính quyền Mỹ cấp cao giấu tên nói. "Chúng tôi có một chiến lược và chúng tôi đang cố đẩy lùi đối thủ".

Sau chuyến thăm Brazil, Chile, Ecuador và Panama, Francis Fannon, Trợ lý Ngoại trưởng về Tài nguyên Năng lượng, cho biết đại dịch có nguy cơ đẩy một số quốc gia trong khu vực xích lại gần các đối tác như Trung Quốc.

"Covid-19 đang ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh tế và và tâm lý của các nước. Chúng tôi muốn khuyến khích các nước tiếp tục con đường hướng đến cải cách mà họ đã và đang đi", Fannon nói. "Mỹ là đối tác phù hợp, đã, đang và sẽ tiếp tục như vậy".

Phương Vũ (Theo Reuters)

Tàu sân bay Trung Quốc sắp diễn tập trên Biển Đông Tàu sân bay Trung Quốc sắp diễn tập trên Biển Đông
Dù vào danh sách đen, công ty Trung Quốc vẫn bán máy bay không người lái tại Mỹ Dù vào danh sách đen, công ty Trung Quốc vẫn bán máy bay không người lái tại Mỹ
Mỹ dưới thời Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông không kém thời Trump? Mỹ dưới thời Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông không kém thời Trump?

Ngày đăng: 09:44 | 21/12/2020

/ vnexpress.net