Trung Quốc đang nhanh chóng đánh mất những người bạn khi nước này cần họ nhất.

Quyết định của Anh cấm Huawei khỏi mạng 5G của vương quốc này là một đòn giáng đau đối với Trung Quốc. Cho tới gần đây, Bắc Kinh vẫn đang trông chờ London giữ nguyên quyết định trước đó là cho phép hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc cung cấp thiết bị không cốt lõi cho hệ thống 5G của Anh.

Ảnh: Market Watch 

Nhưng hai diễn biến gần đây đã đảo ngược tình thế, theo trang Project Syndicate.

Đầu tiên là Mỹ leo thang cuộc chiến với Huawei khi ban lệnh trừng phạt mới vào tháng 5, cấm các hãng sử dụng công nghệ Mỹ cung cấp chất bán dẫn cho Huawei.

Bởi vì công nghệ Mỹ được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tân tiến mà các sản phẩm của Huawei (trong đó có các trạm gốc 5G) cần đến, nên nguồn cung bị cắt đứt sẽ khiến cho việc sản xuất thiết bị 5G của hãng trở nên gần như không thể.

Viễn cảnh một nhà cung cấp chủ yếu của các mạng lưới 5G ở Anh không thể xây dựng và duy trì được hệ thống của mình là mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng. Không một chính phủ có trách nhiệm nào đủ khả năng chấp nhận một rủi ro như vậy.

Thế nên, những ngày tươi đẹp của Huawei sẽ không còn nhiều sau khi chính phủ Mỹ "bóp cò" vào tháng 5. Câu hỏi giờ đây là khi nào Thủ tướng Boris Johnson sẽ thông báo với Chủ tịch Tập Cận Bình tin xấu đó.

Thứ hai là Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia với Hong Kong. Theo quan điểm của Anh, hành động này vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh về Hong Kong năm 1984, bao gồm việc Bắc Kinh cam kết tôn trọng, bảo vệ hệ thống luật pháp và các quyền tự do dân sự trong 50 năm sau khi đặc khu hành chính này trở về với Trung Quốc năm 1997.

Theo Project Syndicate, Anh quyết định "bênh" Hong Kong và Huawei là một mục tiêu dễ dàng.

Trung Quốc có thể sẽ đáp trả và dường như có khá nhiều đòn bẩy. Nước này có thể cấm cản các công ty Anh làm ăn trên đất của mình. Bắc Kinh có thể muốn cắt đứt các giao dịch tài chính được thực hiện thông qua London và giảm số sinh viên sang Anh học tập. Nhưng những biện pháp như vậy rất có thể sẽ "gậy ông đập lưng ông".

Tương tự, những giới hạn du học sang Anh có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc nhiều hơn. Hiện có khoảng 120.000 người Trung Quốc đang học ở Anh. Thách thức đối với Bắc Kinh là có rất ít lựa chọn tốt nếu muốn đưa sinh viên đi nước khác.

Mỹ đang cân nhắc hạn chế sinh viên Trung Quốc vì các lý do an ninh quốc gia. Còn Canada mới bị Trung Quốc dọa sẽ hạn chế đưa du khách và sinh viên sang. Các trường đại học ở Canada - hiện đang có khoảng 140.000 sinh viên Trung Quốc - có năng lực hạn chế.

Với Trung Quốc và Canada đang dính vào tranh cãi ngoại giao liên quan đến việc dẫn độ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu thì khó có khả năng Trung Quốc sẽ cử thêm sinh viên tới Canada.

Project Syndicate chỉ ra rằng, những thực tế trên thể hiện một thách thức vô cùng khó khăn mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt: Trung Quốc đang nhanh chóng mất đi bạn bè khi nước này cần họ nhất.

Mới đây, quan hệ Trung - Ấn đã trở nên căng thẳng sau vụ đụng độ chết chóc ở vùng biên giới tranh chấp.

Trong khi đó, để trừng phạt Australia vì đã yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, Trung Quốc áp thuế lên lúa mạch của nước này và dọa sẽ triển khai nhiều biện pháp trừng phạt khác.

Chưa hết, hôm 14/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dùng những lời lẽ gay gắt lên án sách trắng quốc phòng mới của Nhật Bản.

Rõ ràng, Trung Quốc đang đẩy những nước vốn là bạn hoặc trung lập như Anh, Canada, Ấn Độ và Australia về phía Mỹ, đối thủ địa chính trị chính của nước này.

Ca nhiễm mới ở Mỹ tăng chóng mặt, Trung Quốc hạ mức cảnh báo Covid-19
Trung Quốc tăng mức cảnh báo lũ lên cao nhất dù phải nổ tung đập để xả nước
MG, thương hiệu xe tên Anh quốc, hồn Trung Quốc sẽ lắp ráp tại Việt Nam

Ngày đăng: 08:34 | 20/07/2020

/ vietnamnet.vn