Ngoài tiền lương và chính sách đãi ngộ, TP HCM cần tạo môi trường làm việc tốt để các chuyên gia, nhà khoa học yên tâm cống hiến
UBND TP HCM vừa hoàn thành dự thảo đề án Thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
Giải pháp "đòn bẩy"
Đây là 1 trong 21 đề án nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP và được áp dụng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, từ trước đến nay, TP luôn có nhiều chính sách thu hút nhân tài nhưng đã lạc hậu nên phải thay đổi mới thu hút được nhân tài góp sức xây dựng và phát triển TP.
TP HCM quyết tâm tạo chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong ảnh: Một nhân viên đang làm việc trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi, TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH
Mục tiêu của đề án là có chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực phát triển khoa học công nghệ chất lượng cao cho TP. UBND TP đánh giá đây cũng là giải pháp "đòn bẩy", tạo "cú hích" để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, cải thiện năng lực làm việc và tinh thần lao động.
Đáng chú ý, về chính sách tiền lương, chuyên gia và trí thức sau khi trúng tuyển sẽ được nhận mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng nếu có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ; người có trình độ thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc tốt nghiệp ở nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Đồng thời có ít nhất 1 công trình nghiên cứu khoa học được cơ quan thẩm quyền công nhận. "Phần thưởng" 100 triệu đồng cũng sẽ dành cho người trúng tuyển có trình độ thạc sĩ xuất sắc trong nước, loại giỏi trở lên ở nước ngoài và có từ 2 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành ISI quốc tế uy tín và tương đương. Đối với các trường hợp còn lại sẽ được hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng.
Ngoài ra, chuyên gia trúng tuyển nhận mức trợ cấp ban đầu sẽ được hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,40), khi ký hợp đồng lần 2 trở đi được hưởng bậc 3 (hệ số 10) và cố định cho tất cả lần tái ký hợp đồng. Chuyên gia hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng hưởng lương bậc 1 (hệ số 8,80), khi ký hợp đồng lần 2 hưởng bậc 2 (hệ số 9,40) và cố định cho tất cả lần tái ký hợp đồng. Ngoài ra, chuyên gia còn được hưởng các khoản trợ cấp, phần tăng thêm thu nhập phát sinh từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… của đơn vị, các khoản tiền thưởng, tài trợ. Các chuyên gia, nhà khoa học còn được TP xem xét bố trí nhà công vụ, hỗ trợ khoản thuế thu nhập cá nhân, chuyên gia Việt kiều được hỗ trợ thủ tục cấp thị thực Việt Nam, chuyển đổi ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam, khen thưởng, tôn vinh…
"Cởi trói" cho nhà khoa học
Hoàn toàn ủng hộ đề án, TS Nguyễn Bá Hải - Trưởng Khoa Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - cho biết: "Đề án đã "cởi trói" cho các nhà khoa học góp phần phát triển kinh tế tri thức". Tuy nhiên, ông Hải lưu ý phải làm sao sử dụng điều kiện ưu đãi này để khai thác hiệu quả tri thức của những nhà khoa học: Thay vì sử dụng nguồn trí thức 100 năm mới đem lại nguồn thu thì TP nên sử dụng nguồn 10 năm ra tiền vì ưu tiên hiệu quả nhanh để tái đầu tư cho những hiệu quả chậm hơn. Theo ông Hải, với khoa học công nghệ, ngoài các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cũng cần những thành phần khác, thậm chí là nông dân, miễn sao những người này phải có công trình và chứng minh hiệu quả cụ thể. Có những đề tài được đăng báo nhưng không được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trên thế giới thì cũng không có giá trị. Các đề tài ngoài việc đánh giá của hội đồng, ban cố vấn, tổ tư vấn thì cần tham khảo thêm ý kiến của người dân.
Ông Hải nói thêm: TP cần đặt ra những tiêu chí để thu hút những nhà khoa học giỏi cả lý thuyết (mang lại công thức mới, đóng góp mới cho nhân loại, đưa vào sách giảng dạy) lẫn những sản phẩm thực tiễn tạo nhiều công ăn việc làm. Bên cạnh đó, TP cần có sự công bằng, minh bạch và phải có thái độ cầu thị mới giữ được nhân tài.
Cũng ủng hộ đề án, giáo viên Vũ Thị Bắc - Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP HCM - cho rằng năng suất lao động ở TP rất cao nhưng mức lương công chức lại ngang bằng với các tỉnh, thành khác là không hợp lý. Do vậy, TP đưa những điều kiện như vậy chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài. Ngoài ra, bà Bắc còn đề xuất ngoài tiền lương và chính sách đãi ngộ, TP cần tạo cơ chế, môi trường làm việc để những nhà khoa học phát huy hết khả năng. Ngoài đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, TP cần đặt hàng thêm những vấn đề gây bức xúc cho người dân hiện nay như: ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường…
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Đoàn Luật sư TP HCM: Nâng cao vị thế người tài Vấn đề đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phải luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần có cơ chế sử dụng, phát huy nguồn nhân lực phù hợp trong từng địa phương, lĩnh vực, đặc biệt là cơ quan quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, những tổ chức có sự ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Thay đổi môi trường, phương pháp làm việc, tạo sự công bằng trong làm việc, giữa những người cùng thực hiện công việc để kích thích sự cạnh tranh với nhau, cho thấy vị thế quan trọng của người tài trong phát triển kinh tế - xã hội; từ đó tạo cho họ động lực nỗ lực cống hiến, mang lại hiệu quả tốt nhất trong công việc. Mức lương, thưởng xứng đáng sẽ tạo sự yên tâm để họ dốc toàn lực cho sự phát triển chung. |
Người tài không thiếu, chỉ thiếu người biết dùng người tài?
LTS: Trong xu hướng phát triển hiện đại, quốc gia nào có nhiều nhân tài, hiền tài, lao động tri thức và nguồn nhân lực ... |
Nghệ An: Thu hút nhân tài hay... “mất hút” nhân tài?
Đến nay, tại tỉnh Nghệ An còn 56 lao động thuộc diện thu hút nhân tài đã nhiều năm, nhưng chưa được vào biên chế, ... |
Ngày đăng: 09:04 | 02/03/2018
/ https://nld.com.vn