TP.HCM phấn đấu đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế trước 30/9.

Tại họp báo chiều 20/9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, chiến lược xét nghiệm diện rộng của thành phố từ nay đến 30/9 nhằm phân loại nguồn lây nhiễm, điều trị kịp thời, hiệu quả. “Từ đó, thành phố phấn đấu đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế trước 30/9”, ông Hải nói.

Một trong những tiêu chí quan trọng để đạt các điều kiện kiểm soát dịch COVID-19 theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế là số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó, và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Bên cạnh đó, số giường cấp cứu ICU (Hồi sức tích cực) với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 3% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao.

Tiêu chí động để đưa các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn là tỷ lệ tiêm vaccine của người dân, tiêm mũi 1 trên 70%.

TP.HCM có khoảng 2,3 triệu hộ dân. Qua đợt xét nghiệm thứ 4 vừa qua, thành phố xác định vùng xanh và cận xanh là khoảng 1,2 triệu hộ; vùng vàng là 300.000 hộ; vùng cam là 200.000 hộ; còn lại là vùng đỏ. Sau mỗi vòng, số hộ trong vùng nguy cơ sẽ thay đổi tùy theo kết quả xét nghiệm. Từ đó, cơ quan chức năng có thể đánh giá lại tình hình dịch bệnh tại thành phố.

TP.HCM phấn đấu đạt tiêu chí kiểm soát dịch trước 30/9 - 1
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.

Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng khẳng định, từ nay đến hết 30/9, thành phố triển khai chiến lược xét nghiệm COVID-19 diện rộng nhằm tách hết F0 khỏi cộng đồng.

Phương thức xét nghiệm thời gian này là test nhanh kháng nguyên mẫu đơn, ngành y tế có thể triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm.

"Những ngày đầu chỉ 25% người dân, hộ gia đình có thể tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh nhưng đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có thể tự lấy mẫu là 75-80%", ông Hưng cho biết.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, địa phương phân công nhân sự, chịu trách nhiệm thống kê báo cáo tổng số ca dương tính dựa trên số liệu test nhanh dương tính trong ngày. Đồng thời chỉ đạo trạm y tế lưu động giám sát, chăm sóc sức khỏe toàn bộ thành viên thuộc hộ có ca dương tính.

Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, đảm bảo mục tiêu đề ra.

“Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả xét nghiệm và phân loại vùng nguy cơ trên địa bàn. Các địa phương báo cáo về Sở Y tế trước 16h ngày 28/9 để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

TP.HCM phấn đấu đạt tiêu chí kiểm soát dịch trước 30/9 - 2
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Theo ông Hưng, để đảm bảo nguồn lực tham gia lấy mẫu, các địa phương tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp; chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương…

Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình, giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê, báo cáo. Người lấy mẫu tuân thủ 5K, đúng quy trình, quy định công tác vệ sinh khử khuẩn, đặc biệt lưu ý về quy trình thay đồ bảo hộ, thay găng hoặc sát khuẩn găng khi lấy mẫu để tránh lây nhiễm chéo.

Mai Thúy

TP.HCM sẽ có chương trình đỡ đầu, học bổng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19 TP.HCM sẽ có chương trình đỡ đầu, học bổng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19
TP.HCM: Shipper xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chưa tới lượt xét nghiệm COVID-19 TP.HCM: Shipper xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chưa tới lượt xét nghiệm COVID-19

Ngày đăng: 20:23 | 20/09/2021

/ vtc.vn