Trong tất cả các nguyên nhân, nguyên nhân lớn nhất khiến TP HCM ngập ngày càng nặng là do trách nhiệm chẳng của riêng ai
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm Chống ngập), để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP giai đoạn 2016 - 2020, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng đến nay, tổng nguồn vốn mới có được 26.852 tỉ đồng. Các dự án đều đã sẵn sàng, vấn đề chỉ là kinh phí. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định TP có bỏ ra hàng trăm ngàn tỉ đồng thì ngập vẫn sẽ hoàn ngập nếu như các sở - ngành không nhìn rõ trách nhiệm của mình.
Nhận trách nhiệm kiểu hứa cho qua
Quay lại các kỳ họp của HĐND TP, các đại biểu đã nhiều lần chất vấn tư lệnh ngành giao thông và các sở, ngành liên quan về vấn đề ngập thì thấy đúng là sở - ngành chỉ nhận trách nhiệm chung chung. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 2 (tháng 8-2016) HĐND TP khóa IX, nhiều đại biểu băn khoăn khi tình trạng ngập vẫn không kéo giảm. Ngay cả Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng truy vấn tại sao TP chi ra nhiều kinh phí mà tình trạng ngập vẫn chưa cải thiện đáng kể? Khi ấy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh cho biết 5 năm qua, đã bố trí nhiều vốn cho hệ thống giao thông và thoát nước. Bà Tâm cũng yêu cầu ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, giải thích bổ sung về sự phối hợp trong xây dựng, thiết kế các dự án chống ngập. Ông Nhã nhìn nhận là sự phối hợp còn chưa chặt chẽ, cần phải tăng cường hơn nữa.
Vì địa chỉ trách nhiệm chung chung nên ngập ở TP HCM cứ thế tái diễn... Ảnh: SỸ ĐÔNG
Trước đó, tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP HCM khóa VIII (tháng 12-2014), ông Nguyễn Thành Chung, lúc ấy là giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP, đã nhận khuyết điểm trước HĐND TP và cử tri TP về câu chuyện chống ngập chưa hiệu quả. Sau phần nhận khuyết điểm của ông Chung, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đột ngột yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn làm rõ việc xây dựng hồ điều tiết đến đâu. "Tôi được biết khi san lấp kênh rạch thì sẽ thay thế bằng hồ điều tiết với tỉ lệ là 1-1,2. Vậy sở có kiểm tra nguyên tắc này không?" - bà Tâm nêu. Ông Tuấn đáp: "Vấn đề là công tác hậu kiểm chủ đầu tư, đơn vị thi công của cơ quan chức năng". Không hài lòng, bà Tâm chất vấn: "Tôi muốn biết trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nào?". Ông Tuấn lúng túng và hứa "sẽ có báo cáo bằng văn bản"!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 23-5, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Trương Trung Kiên cho biết sau quý II, ban sẽ có một chương trình giám sát về vấn đề này. Đối với việc kỳ họp sắp tới có chất vấn ngành giao thông về chống ngập nước hay không, ông Kiên thông tin thường sẽ dựa trên ý kiến đại biểu để quyết định nhưng ban cũng sẽ đề xuất chuyện này với HĐND TP. Về vấn đề giám sát lời hứa các sở - ngành, ông Kiên nói việc các sở - ngành có thực hiện lời hứa hay thì không phải có đánh giá khách quan (!).
Chuyên gia chỉ rõ điểm yếu
Trước tình trạng hễ mưa là ngập, qua theo dõi và khảo sát, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị đã chỉ ra hàng loạt điểm yếu trong công tác chống ngập. Đó là công cuộc chống ngập của TP sai lầm ngay từ những bước cơ bản nên dù "vung tiền" ra thì hiệu quả vẫn không cao. Bởi chống ngập bao năm vẫn chưa hết ngập không phải chuyện tiền mà là vấn đề quy hoạch.
Bằng chứng là năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2008, quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP lại được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận. Đến 2010, TP lại ban hành quy hoạch 24 về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà trong đó có chương quy hoạch thoát nước mưa và nước thải. Theo nhiều chuyên gia, TP có 3 quy hoạch pháp lý còn hiệu lực, không biết phải làm theo cái nào khiến việc triển khai trở thành tùy tiện, bừa bãi nên ngập cứ hoàn ngập dù tiền bạc, công sức đổ ra rất nhiều.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, mổ xẻ: "Hình như TP đang chống ngập kiểu… đổ thừa cho trời! Mưa lớn hơn cường độ mưa thiết kế. Triều cường năm sau cao hơn năm trước. Làm sao bắt ông trời phải mưa nhỏ hơn theo con số tính toán lạc hậu của mình. Làm sao bắt triều cường chỉ được cao lên bao nhiêu đó, trong lúc kênh rạch - sông ngòi ngày càng bị bồi lấp, lấn chiếm". Còn TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, cho rằng nhiều năm nay, việc quan trắc, đánh giá tình hình ngập tại TP đang có những cái "sai cơ bản". Ngoài việc không lường trước được sự biến đổi khí hậu, công tác nhận định và đánh giá cao độ của mực nước biển với cao độ nền của TP cũng chưa sát thực tế. Ông Cương nhìn nhận nền đất, sự dịch chuyển địa chất tại TP đang diễn ra rất nhanh, thậm chí hơn sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc thiết kế và vận hành hệ thống chống ngập tại TP vẫn đang theo các quy chuẩn cũ, dẫn đến "lệch" rất nhiều so với tình hình thời tiết, địa chất. Việc này đồng thời cũng cho thấy dù TP đã bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng đầu tư vào các dự án chống ngập nhưng vẫn không hiệu quả bởi các công trình không thực hiện được hết công suất theo đúng chức năng.
Ông Cương chỉ ra rằng không thể chỉ đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan mà cần xác định cụ thể trách nhiệm ở từng khâu trong quá trình thực hiện. Theo ông Cương, ở từng khâu thực hiện, phải quy trách nhiệm cụ thể và nếu không làm được thì để những người có năng lực hơn thay thế. "Cơ bản là phải xác định được trách nhiệm rõ ràng ngay từ đầu thì mới thay thế được, không thể chung chung như hiện nay. Là chương trình trọng điểm nhưng nhiều năm vẫn không được cải thiện nên TP phải có những việc làm mạnh mẽ, các chính sách ưu tiên, trách nhiệm của từng đơn vị" - ông Cương đề nghị.
Cần đến "siêu sở" chống ngập TS Hồ Long Phi, nguyên Phó Ban Điều phối Chương trình chống ngập TP HCM, cho rằng việc chống ngập ở TP có nhiều điều bất thường . Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn về nhận định bất thường mà ông đã nêu? - TS Hồ Long Phi: Các doanh nghiệp bất động sản cứ thoải mái san lấp, đẩy tốc độ đô thị hóa tăng lên mà lại không có trách nhiệm trong việc chống ngập là điều bất thường thấy rõ. Do đó, TP cần phải gắn yêu cầu chống ngập cho các doanh nghiệp bất động sản đầu tư dự án. Cụ thể, nếu làm dự án tác động gây ngập bao nhiêu thì chủ đầu tư phải chi trả cho việc chống ngập bấy nhiêu, số tiền này có thể tính vào giá thành căn hộ. Quy định này có thể áp dụng cho các dự án mới, như vậy sẽ công bằng hơn, tránh tình trạng chủ đầu tư xây dựng xong bán lấy tiền nhưng gây ngập thì TP, người dân xung quanh phải chịu. Nếu không áp dụng sớm thì các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như quận 9, quận 2 rồi cũng sẽ bị ngập nặng bởi TP chưa có kinh phí đầu tư hạ tầng. . Vậy theo ông, trách nhiệm của các cơ quan chống ngập mà cụ thể là Trung tâm Chống ngập ở đâu? - Về vai trò của Trung tâm Chống ngập TP hiện nay, tôi thấy giống như là "quyền rơm, vạ đá" bởi không có chức năng quản lý nhà nước, mọi việc từ xét duyệt, phê duyệt cho đến quy hoạch đều do các cơ quan khác làm. Ví dụ như cống thoát nước trên đường thì do Sở Giao thông Vận tải; sông hồ, kênh rạch thì liên quan đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn mấy hồ điều tiết thì phải qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thậm chí là Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện. Khi đụng chuyện thì người dân lôi Trung tâm Chống ngập trách móc nhưng đơn vị này chỉ có vai trò thừa hành chứ chưa thấy vai trò điều hành do không có thực quyền. . Nhưng mục đích ra đời của Trung tâm Chống ngập là điều hành, thưa ông? - Hồi ra đời năm 2008, mô hình của Trung tâm Chống ngập rất hay vì gắn với vai trò quản lý nhà nước, tương đương một sở nhưng sau đó bất thành vì không có bộ chủ quản. Sau 10 năm hoạt động, Trung tâm Chống ngập giống như một đứa con rơi kiểu như đơn vị thi công mà chưa có vai trò tự làm và tự chịu trách nhiệm. TP vẫn nói có những công trình trọng điểm, đột phá nhưng tôi thấy chống ngập vẫn thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt và chưa thấy trách nhiệm của lãnh đạo TP. . Để việc chống ngập hiệu quả thông qua địa chỉ trách nhiệm cụ thể, TP HCM cần phải thực hiện ngay việc gì? - Ở các nước có mô hình chống ngập theo hình mẫu chính quyền đô thị, đó là có một cơ quan chịu trách nhiệm cho toàn bộ hạ tầng đô thị, từ cấp thoát nước, cây xanh cho đến đường sá, cầu cống để không giẫm chân nhau. Nếu thực hiện theo mô hình này, TP có thể gom nhiều đơn vị như cấp nước, thoát nước, giao thông, xây dựng, quy hoạch… lại thành một ban giống như một "siêu sở" và giao cho một phó chủ tịch TP làm trưởng ban để điều phối toàn bộ công việc liên quan đến đô thị. |
Thu phí thành thu giá, tụ nước không phải ngập!
Các trạm thu phí đồng loạt đổi thành “trạm thu giá” và những đường bị ngập nặng chỉ là “tụ nước” cho thấy sự “chơi ... |
TP.HCM ngày càng ngập nặng
Trải qua hơn chục năm tìm đủ phương án, đổ vài chục ngàn tỉ đồng vào hàng loạt dự án nhưng tình trạng ngập lụt ... |
TP HCM cũng có mùa nước nổi!
Một người dân ngao ngán nói như vậy về tình trạng ngập nước trầm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn TP HCM dù ... |
GIA MINH - NGUYỄN PHAN
Ngày đăng: 10:15 | 24/05/2018
/ https://nld.com.vn