Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đẩy Trung Quốc ra xa giấc mộng trở thành siêu cường trong hơn 3 thập kỷ tới.
Trước khi thương chiến với Mỹ bùng nổ, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn ấp ủ tham vọng biến Trung Quốc trở thành siêu cường vào năm 2050. Nhưng với các áp lực gia tăng mà Tổng thống Trump đang đè nén lên nền kinh tế 14.000 tỷ USD của Trung Quốc cùng hàng loạt các vấn đề trong nước như nợ công kỷ lục, ô nhiễm tràn lan, già hóa dân số, mộng ước này đang gặp vô vàn khó khăn nếu không muốn nói là khó trở thành hiện thực.
Các nhà kinh tế cho rằng chính phủ của ông Tập Cận Bình có thể tránh được nguy cơ mắc kẹt trong "bẫy nợ thu nhập trung bình" nếu thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tự do hóa thị trường và tăng sức mạnh công nghệ cho đất nước. Nhưng nói thường vẫn dễ hơn làm.
Giấc mộng trở thành siêu cường của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự can thiệp từ Mỹ. (Ảnh: China Daily) |
Kể từ năm 1960, chỉ có 5 quốc gia đang phát triển chuyển mình thành siêu cường trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng cao.
"Trung Quốc đang cố gắng làm điều này, nhưng sự phá bĩnh của Mỹ đang vẽ ra thêm nhiều rào cản", ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh nhận định.
Nhưng mặt khác, việc bị Mỹ cản đường đang khiến người Trung Quốc cảm thấy bị dồn vào chân tường và nỗ lực "vượt khó".
Trong báo cáo thường niên công bố cuối tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gióng lên hồi chuông cảnh báo với Bắc Kinh khi khẳng định nếu nền kinh tế thứ 2 thế giới không tiến tới thỏa thuận với Mỹ, triển vọng dài hạn của quốc gia này sẽ bị phá hỏng.
"Khả năng tiếp cận thị trường và công nghệ nước ngoài của Trung Quốc có thể bị giảm đáng kể", báo cáo nêu rõ.
Cơ hội để Mỹ-Trung tiến tới một thỏa thuận thương mại rất mong manh. Cái mong manh đó càng trở nên mỏng mảnh hơn khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và cú phản đòn ngừng mua nông sản Mỹ, hạ giá đồng NDT xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ của Bắc Kinh.
Mỹ cũng không vừa, lập tức liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ và tuyên bố ngừng hợp tác kinh doanh với Huawei.
Jeff Moon, cựu trợ lý thương mại Mỹ nhận định Bắc Kinh sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào ít nhất là tới tháng 10, thời điểm họ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Khi quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống đáy, truyền thông Trung Quốc không ngại thêm dầu vào lửa khi kêu gọi nước nhà cắt đứt hoàn toàn giao thương với Mỹ. Các ấn phẩm nhà nước đề cao chủ nghĩa dân tộc, ca ngợi hệ thống kinh tế đất nước và sự linh hoạt của nó khi đối phó với các thách thức bên ngoài.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc không thiếu các vũ khí để ngăn tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mức 6%. Ngân hàng trung ương Trung Quốc không loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay hoặc Bắc Kinh kích thích tài khóa để thúc đẩy sự phục hồi vừa phải trong nửa cuối năm 2019.
Về dài hạn, Trung Quốc cũng bắt đầu đạt được những tiến bộ nhất định như loại bỏ nợ xấu tồn tại trong nhiều năm hay tìm ra đường lối mới để giải quyết vấn đề ô nhiễm công nghiệp.
Trung Quốc cũng rót hàng tỷ USD vào việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại quốc gia, đối trọng với phương Tây trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và xe điện.
Trong bài phát biểu vào tháng 10/2017 về tầm nhìn dài hạn cho kinh tế Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa Trung Quốc gia nhập vào "hội nhóm" các quốc gia đổi mới nhất vào năm 2035, bước đầu trong hành trình tiến tới vị thế siêu cường năm 2050.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Mỹ đang đẩy Trung Quốc ra xa các mục tiêu này. Minh chứng rõ ràng nhất là Huawei, gã khổng lồ viễn thông được xem là con tốt thí trong tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế thế giới. Việc bị Mỹ liệt vào danh sách đen đang đẩy tập đoàn này trước nguy cơ tê liệt khi các công ty Trung Quốc chưa đủ trình độ để sản xuất những con chíp tinh vi thay thế sản phẩm của Mỹ.
"Đối với Trung Quốc, sẽ khó tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất. Điều này sẽ khiến Trung Quốc khó bắt kịp tới nhiều tiến bộ của thời đại nhưng vô hình trung lại khuyến khích họ phát triển hệ sinh thái công nghệ của riêng mình. Cách Trung Quốc giải quyết vấn đề này sẽ quyết định mức độ phát triển nhanh chậm của họ", ông Patrick Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 10 lần kể từ năm 2000, chạm mốc 10.000 USD, nhưng vẫn thấp kém xa mốc 65.000 USD của Mỹ và Singapore. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều quốc gia khác nhưng lợi thế này đang bị thu hẹp.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II/2019 chỉ đạt 6,2%, thấp nhất trong vòng 27 năm qua. Công ty đa quốc gia Anh chuyên về ngân hàng và tài chính Standard Chartered ước tính nếu đe dọa đánh thuế của Tổng thống Trump có hiệu lực từ ngày 1/9, tăng trưởng cả năm của Trung Quốc có thể sẽ giảm thêm 0,3%.
Ông Tập Cận Bình đang cố gắng đa dạng hóa các đối tác của Bắc Kinh thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường cùng các hiệp định thương mại khác, nhưng Mỹ vẫn chiếm tới 20% xuất khẩu của Trung Quốc.
"Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chắc chắn làm cho quá trình chuyển đổi trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc sẽ mất một phần thị phần xuất khẩu và sự lan tỏa công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ chậm lại", nhà kinh tế học Michelle Lam tới từ Tập đoàn tài chính ngân hàng Société Générale ở Hong Kong nhận định.
Tổng thống Trump hơn ai hết là người hiểu được thế khó của Trung Quốc hiện nay khi chính ông là người dồn vào họ vào chân tường.
"Trung Quốc khao khát tiến tới một thỏa thuận. Hàng ngàn công ty đang rời đi vì thuế quan, họ phải ngăn dòng chảy đó. Đồng thời, Trung Quốc cũng kỳ vọng đảng Dân chủ có thể giành chiến thắng để có thể tiếp tục trộm cắp từ nước Mỹ, một vụ trộm vĩ đại trị giá hàng trăm tỷ USD", ông Trump viết trên Twitter hôm 10/8.
Song Hy (Nguồn: Bloomberg)
Cựu tướng Mỹ nói Trung Quốc có thể trở thành siêu cường số một
Tướng về hưu Jack Kane cho rằng Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ vượt Mỹ nhờ sức mạnh quân sự và nền kinh tế mạnh. |
Tổng thống Trump: 'Còn tôi, Trung Quốc đừng hòng thành siêu cường'
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ không thể trở thành siêu cường hàng đầu thế giới nếu ông còn tại nhiệm. |
Nếu không dùng hạt nhân, thế giới có đánh bại được 5 "siêu cường"?
Hiện tại 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Về mặt sức mạnh quân sự, 5 ... |
Ngày đăng: 01:51 | 13/08/2019
/ vtc.vn