Ngày 3-1, Triều Tiên tuyên bố mở lại đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc để trao đổi về việc cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông tại đất nước kim chi vào tháng tới.
Động thái mới nhất của Bình Nhưỡng được cho là bước đi tiếp theo nằm trong toan tính đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un "khai màn" ngay từ ngày đầu năm 2018: chia rẽ Hàn Quốc với Mỹ.
Ông Kim Jong-un khởi đầu năm 2018 cùng một cách ông khép lại năm 2017, đó là những đe dọa cứng rắn sẽ sử dụng "nút hạt nhân" ngay trên bàn của mình để tấn công Mỹ nếu chiến tranh nổ ra.
Tuy nhiên, bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể báo hiệu một thay đổi lớn trong cuộc đối đầu hạt nhân với chính quyền Mỹ. Bởi ông Kim Jong-un còn kêu gọi các cuộc đàm phán mới với Hàn Quốc, một đề xuất ngoại giao có thể gây khó khăn hơn cho những đe dọa của Tổng thống Trump nhằm vào Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế John Delury tại Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc), lời lẽ của ông Kim với Hàn Quốc lần này "hứa hẹn hơn cả mong đợi" ở sự cởi mở về ngoại giao. Các chuyên gia cho rằng đó là một cách "gieo mầm" rạn nứt của nhà lãnh đạo trẻ đối với quan hệ Mỹ - Hàn.
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc kiểm tra đường dây nóng liên lạc với Triều Tiên tại làng biên giới Bàn Môn Điếm ngày 3-1 Ảnh: REUTERS
Đáp lại động thái khôi khục đường dây nóng trên bán đảo Triều Tiên - vốn bị phía Bình Nhưỡng cắt đứt từ năm 2016 - Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 3-1 gọi đây là hành động tiến tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên hơn giữa hai bên.
Một ngày trước, hưởng ứng lời kêu gọi đàm phán của ông Kim Jong-un, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đã đề nghị đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng vào ngày 9-1 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm trong khu phi quân sự (DMZ) giữa biên giới 2 nước.
Theo trang Vox, một cuộc gặp như vậy sẽ gây khó chịu đối với chính quyền của ông Trump - vốn kiên quyết đòi Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân rồi mới nói tới chuyện ngồi xuống bàn đàm phán. Nếu Triều Tiên và Hàn Quốc thực sự bắt đầu đàm phán, Mỹ có thể sẽ buộc phải dịu giọng hơn với chính quyền của ông Kim hoặc phải đối đầu với chính đồng minh của mình về vấn đề Triều Tiên.
Cho tới nay, chính quyền của ông Trump vẫn kiên định với lập trường của mình. "Triều Tiên có thể đàm phán với bất cứ ai họ muốn nhưng Mỹ sẽ không công nhận hay thừa nhận cho tới khi họ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân" - Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 2-1 tuyên bố.
Giới chức chính quyền Mỹ cũng nói họ không lo ngại về sự lôi kéo của Triều Tiên đối với đồng minh Hàn Quốc. "Ông Kim Jong-un có thể tìm cách chen vào đôi chút… Tôi có thể bảo đảm rằng chuyện đó (rạn nứt Mỹ - Hàn) sẽ không xảy ra" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định với báo giới.
Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng không quên "nhắc nhở" nhà lãnh đạo Triều Tiên trên Twitter rằng nút bấm hạt nhân của Mỹ "to hơn và mạnh hơn nhiều" so với Triều Tiên.
Trump hứng chỉ trích vì \'khoe nút kích hoạt hạt nhân\'
Một cựu quan chức chính quyền Mỹ nói Tổng thống Trump "hành động như đứa trẻ 10 tuổi" khi khoe "nút kích hoạt hạt nhân ... |
Nét tương đồng trong thông điệp năm mới của Trump và Kim Jong-un
Dù ở hai phía đối địch nhau, thông điệp năm mới của Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn có nhiều điểm ... |
Ngày đăng: 08:35 | 04/01/2018
/ nld.com.vn