Từ đầu năm đến nay, thị trường than trong nước và quốc tế nhiều biến động, đẩy giá than lên cao. Từ chỗ khó khăn, nhờ giá “ấm lên”, giá trị xuất khẩu tăng đột biến nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) phục hồi trở lại, giảm lớn lượng than tồn kho.
Đầu năm 2017, TKV đã đồng loạt tăng giá bán nhiều loại than |
Quay lưng với than ngoại
Những biến động thị trường than trên thế giới thời gian gần đây là một phần nguyên nhân khiến giá than trong nước nhích dần lên. Theo đó, Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới chính thức cắt giảm số ngày khai thác than từ 330 ngày xuống còn 270 ngày/năm đã khiến sản lượng than nước này giảm hàng trăm triệu tấn. Một quốc gia khác là Indonesia, đất nước xuất khẩu than đứng thứ 5 thế giới cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão lụt. Ngoài ra, nhiều mỏ than tại Bắc Mỹ cũng đã đóng cửa do không cạnh tranh được với giá than các vùng khác.
Việc hàng loạt nguồn than cung cấp cho thế giới sụt giảm sản lượng khai thác đã khiến giá than thế giới tăng lên. Trước đây, Việt Nam nhập than từ Trung Quốc với giá rẻ, thì nay giá than từ nước này nhập vào Việt Nam tăng lên chóng mặt. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 8, cả nước nhập khẩu hơn 9,3 triệu tấn than, tổng kim ngạch đạt gần 934 triệu USD. Dù sản lượng nhập giảm 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng do nhập giá cao hơn nên giá trị kim ngạch lại tăng đến 49,4%. Theo tính toán của cơ quan hải quan, than nhập từ Trung Quốc có giá cao, trung bình đạt 178 USD/tấn.
Mức giá trên so với cùng kỳ 2016 tăng lên tới 121%. Do giá than nhập từ Trung Quốc tăng cao nên sản lượng nhập về từ nước này giảm đáng kể. 8 tháng đầu năm nay nhập về giảm khoảng 640 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh giá than thế giới tăng lên, TKV, đơn vị sản xuất khoảng 95% sản lượng than hàng năm ở Việt Nam, được hưởng lợi hơn cả. Trước đây, khi giá than nhập từ nước ngoài về Việt Nam với giá rẻ hơn giá bán của TKV, nhiều doanh nghiệp đã quay lưng lại với đơn vị này để nhập than ngoại. Tuy nhiên, thời gian gần đây chứng kiến xu hướng ngược lại, than ngoại nhập giá cao nên nhiều doanh nghiệp đã quay lại mua than của TKV.
Giảm than tồn kho còn 5 - 6 triệu tấn
Báo cáo của TKV cho thấy, từ giữa năm 2017, giá than bắt đầu nhích lên. Đến cuối quý III và tháng sau đó, than cốc ghi nhận mức tăng giá gần 3 lần, đạt hơn 300 USD/tấn. Ngoài ra, các loại than cám cũng tăng gấp đôi, hiện nay ở mức khoảng 110 USD/tấn (đầu năm nay chỉ có giá 48,8 USD). TKV cho biết, 8 tháng năm 2017, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 69.845 tỷ đồng, đạt 65,4% kế hoạch năm, bằng 109% so với cùng kỳ.Riêng doanh thu than đạt 35.328 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9/2017, than sản xuất đạt 2 triệu tấn, tiêu thụ than 2,5 triệu tấn (trong nước: 2,345 triệu tấn, xuất khẩu: 155.000 tấn).
Cũng theo đại diện TKV, nhờ thị trường sáng sủa, than tồn kho của đơn vị này cũng đã giảm xuống đáng kể. Còn nhớ, cũng khoảng thời gian này năm ngoái, than tồn kho của TKV lên đến con số hơn 11 triệu tấn. Đến giữa năm 2017, lượng than tồn kho này còn khoảng 9 triệu tấn. Hiện nay, do thị trường tiêu thụ khả quan cùng các biện pháp cân đối sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, sản lượng than tồn kho của TKV đang tiếp tục giảm. Lãnh đạo TKV cho biết, đơn vị này phấn đấu đến năm 2018, lượng than tồn kho còn khoảng 5-6 triệu tấn, tương đương lượng than tồn kho định mức.
Liên quan đến giá bán than của TKV, đầu năm 2017, đơn vị này đã đồng loạt tăng giá bán nhiều loại than. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thường xuyên sử dụng than phản ứng, trong đó có các ông lớn sản xuất điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), phân bón (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem)… Mâu thuẫn về giá bán than giữa các đơn vị không thể tự dàn xếp, Bộ Tài chính phải chủ trì cuộc hiệp thương về giá bán.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã có kết quả hiệp thương giá bán than. Tuy nhiên, đơn vị này lại không công bố kết quả cụ thể. Trao đổi với PLVN, một cán bộ có thẩm quyền của Văn phòng TKV cho biết, sau khi hiệp thương, giá bán một số loại than giảm xuống, đồng thời cũng có một số loại than tăng lên. Vị này nhận định, căn cứ vào giá than các nước trong khu vực và thế giới, kết quả hiệp thương giá bán than đã được các bên chấp nhận, áp dụng thực hiện từ ngày 1/9/2017.
Kế hoạch tiêu thụ 36 triệu tấn than Theo kế hoạch của TKV, năm 2018, khoảng 36 triệu tấn than các loại của TKV sẽ được tiêu thụ. Các đơn vị sản xuất than nguyên khai của TKV sẽ có 3 kịch bản thực hiện trong năm 2018: Sản xuất 36 triệu tấn, 35 triệu tấn hoặc 34 triệu tấn tùy theo mức độ tiêu thụ than trên thị trường. Để đạt mục tiêu, năm 2018 TKV sẽ tiếp tục điều hành theo hướng ổn định sản xuất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý và tìm biện pháp để giữ chân thợ lò. |
(http://baophapluat.vn/thi-truong/tkv-dat-hang-vi-than-ngoai-len-gia-355470.html)
PVN luôn nỗ lực xuất khẩu dầu thô với mức giá cao nhất
Giá trung bình xuất khẩu cho khách hàng Trung Quốc mua trực tiếp là 412 USD/tấn, cao hơn so với giá trung bình dầu thô ... |
Nhiều hàng Việt bị loại khỏi Mỹ: Lại thiệt vì Trung Quốc?
Nếu không khắc phục tồn tại thì việc mở rộng xuất khẩu vào Mỹ vô cùng khó khăn. Khi đó chúng ta sẽ thuộc vào ... |
Phần lớn đề xuất giảm thuế của TKV đều quá thẩm quyền của Chính phủ
Đó là nội dung công văn mới đây của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan tới đề ... |
Ngày đăng: 14:03 | 21/09/2017
/ Theo Minh Hữu/Báo Pháp luật Việt Nam