"Tiến thoái lưỡng nan" được xem là bài hát cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vừa mới chia sẻ dòng hồi ký và bức ảnh cách đây gần 30 năm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông cũng tiết lộ tác phẩm được xem là cuối cùng của nhạc sĩ họ Trịnh. Đó là ca khúc “Tiến thoái lưỡng nan”.
Ông nói: “Ai cũng biết nhạc Trịnh là âm nhạc của phận người. Phận người có vui và có buồn, có tuyệt vọng và hy vọng. Nhạc Trịnh chia sẻ tất cả tình yêu của mình với con người như là đôi cánh nâng đỡ cho những thân phận nhỏ nhoi trong vũ trụ. Nó thấm đẫm tinh thần triết học của nhà Phật lẫn triết học hiện sinh. Đau mà sáng. Buồn mà sang”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ca sĩ Ánh Tuyết là người thể hiện ca khúc này hay nhất. “Cô ấy đã lựa chọn cho mình một cách hát nhạc Trịnh riêng. Không thét gào, quằn quại, không sướt mướt, nỉ non mà nhẹ nhàng, thanh tao như sẻ chia, trò chuyện. Ánh Tuyết đã hớp hồn công chúng ngay đêm nhạc đầu tiên của mình tưởng nhớ Trịnh. Tôi đã nghe Tuyết hát "Gọi tên bốn mùa", "Như cánh vạc bay", "Còn tuổi nào cho em", "Cuối cùng cho một tình yêu", "Tình xa", "Ướt mi", "Rừng xưa đã khép", "Phúc âm buồn", "Ru ta ngậm ngùi"... với một tâm thức nhẹ nhõm và quyến rũ”.
“Và đến khi nghe chị hát “Tiến thoái lưỡng nan” thì tôi như thấy có Trịnh Công Sơn bên cạnh. Đây là một bài hát nhịp một trì tục như những bước chân không nhanh không chậm. “Tiến/ thoái/ lưỡng/ nan/ đi/ về/ lận/ đận/ Ngày/ xưa/ lận/ đận/ không/ biết/ về/ đâu…”.
Tôi cũng đã nghe mấy “sao” hát bài này, nhưng hình như là họ hát lòng họ chứ không phải hát lòng Sơn. Họ gồng lên. Họ dằn xuống … Và họ đã lạc khỏi Sơn mà không hề hay biết. Còn Ánh Tuyết thì hòa nhập với tâm trạng bảng lảng, bâng khuâng mà kiên trì của người nhạc sĩ đã nhìn thấu phận mình. Đó cũng là ấn tượng mà ca sĩ đã gieo vào lòng người nghe thật khó phai nhạt".
"Nhiều người hát nhạc Trịnh cho chính mình nghe. Họ không phải là ca sĩ và cũng không mong thành ca sĩ. Già trẻ, gái trai… Họ hát nhạc Trịnh là bởi nhạc Trịnh đã nhập vào họ. Vậy thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng được nghe những người như vậy hát. Và tôi nhận ra rằng, không chỉ ca sĩ chuyên nghiệp mới hát nhạc Trịnh hay. Cái hay nhất của nhạc Trịnh là ai cũng thấy một chút mình trong đó".
Tác giả "Khúc hát sông quê" cho rằng, mỗi người đều có một Trịnh Công Sơn. Ông tiết lộ, đã nhiều lần được nghe Trịnh Công Sơn hát nhạc của chính mình. “Có bài tình cờ được nghe anh hát khi chưa công bố, ví như bài “Dung Hòa ca” anh viết tặng một người con gái Hà Thành có tên là Dung Hòa sau chuyến ra Hà Nội dự sinh nhật Văn Cao 60 tuổi (1983) hay bài “Tiến thoái lưỡng nan” có lẽ là bài hát cuối cùng của đời anh. Anh thường hát trong cuộc rượu, giọng nghe như có men, nó chân thành, gần gũi như là trò chuyện, như là dan díu, giăng mắc lòng người".
"Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, người thích âm nhạc và đặc biệt thích ca từ của Trịnh đã có lần nói với tôi, Trịnh Công Sơn là người hát hay nhất về nhạc Trịnh. Tất nhiên rồi, khi tác giả hát là tác giả truyền đạt tất cả những xúc cảm và thông điệp của tác phẩm đến với người nghe", nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trải lòng.
Hồng Nhung tiết lộ điều ít người biết về mối quan hệ với NS Trịnh Công Sơn
Nhân 17 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Diva Hồng Nhung tiết lộ những điều ít người biết mối quan hệ giữa ... |
Nhân ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Bí ẩn về bức tranh chưa từng được công bố
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ không nhiều, “gia tài” tranh của công trên dưới 100 bức. Trong đó, chủ yếu là Trịnh Công Sơn ... |
Nhạc sĩ Trần Tiến và những day dứt về Trịnh Công Sơn
Trong những mảng ký ức khiến nhạc sĩ Trần Tiến day dứt nhất, luôn có một phần kỷ niệm với cố nhạc sĩ Trịnh Công ... |
Ngày đăng: 08:43 | 02/04/2018
/ https://laodong.vn