Với môn Tiếng Việt 1 CNGD, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Luỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CNGD) NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 của giải pháp Công nghệ Giáo dục (CNGD) cho hay, mục tiêu của bộ môn là học sinh phải đọc thông, viết thạo; nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, luật chính tả, từ đó học sinh không thể tái mù.
Theo ông Lũy, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục được xây dựng trên tinh thần giải pháp CNGD do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Chương trình này được triển khai từ năm 1978 tại trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác.
Học sinh dân tộc Khơ-Me tại Trường Tiểu học Dương Hòa (Kiên Lương, Kiên Giang) hứng thú với tiết học tiếng Việt 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục. (Ảnh: Văn Chung).
Với môn Tiếng Việt 1 CNGD, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể.
Từ khái niệm khoa học, học sinh sẽ phân tích những khái niệm đó và dần dần sẽ hiểu được cụ thể.
Vì sao 3 chữ c / k / q đều đọc là /cờ/?
Cách đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục được thực hiện theo nguyên tắc cơ bản nhất khi học tiếng Việt là ngay từ đầu, cần phân biệt là Âm/Chữ - Vật thật/Vật thay thế.
Âm và Chữ khác nhau. Âm chỉ có 1, nhưng 1 âm có thể được ghi bằng nhiều chữ theo quy tắc chính tả.
Nguyên tắc như sau:
+ 1 âm ghi bằng 1 chữ: Âm /a/ ghi bằng chữ a; âm /bờ/ ghi bằng chữ b…
+ 1 âm có thể ghi bằng 2 chữ: Âm /gờ/ ghi bằng 2 chữ g hoặc gh theo quy tắc chính tả.
+ 1 âm có thể ghi bằng 3 chữ: Âm /cờ/ ghi bằng 3 chữ c/k/q theo quy tắc chính tả.
+ 1 âm có thể ghi bằng 4 chữ: Âm /ia/ ghi bằng 4 chữ ia/iê/yê/ya theo quy tắc chính tả.
“Về cách đánh vần, từ xưa đến nay, có 3 cách đánh vần.
+ Chẳng hạn với tiếng “huyền”, cách thứ nhất (trước cách mạng Tháng 8):
hát-u-hu-y gờ rếch-uy-huy-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền.
+ Cách thứ hai (cải cách giáo dục) là:
hờ-u-hu-y-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền
+ Cách thứ ba (theo sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục):
huyền: huyên – huyền – huyền.
Với cách thứ 3 này, để đánh vần huyên-huyền-huyền thì:
Trước đó phải biết đánh vần tiếng thanh ngang huyên: hờ - uyên – huyên.
Trước đó nữa, phải biết vần uyên: u-yên-uyên.
Trước đó nữa, phải biết vần yên: yê-nờ-iên.
Trước đó nữa, phải biết ia/yê”.
Hay như với từ "ke " trong CNGD sẽ đánh vần theo âm nên tiếng “ke” đánh vần là /cờ/-/e/-/ke/.
Khi học cách phát âm này, học sinh sẽ được học luôn luật chính tả là âm “cờ” đứng trước âm “e” sẽ được ghi bằng chữ “k”.
Với phần nguyên âm đôi, tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi là “iê”, “uô” và “ươ”.
Trong đó, âm /ia/ có 4 cách viết “iê”, “ia”, “yê”, “ya”. Âm /uô/ có 2 cách viết “uô” và “ua”; âm /ươ/ có 2 cách viết “ươ” và “ưa”.
Ví dụ tiếng “yêu” được đánh vần là /ia/-/u/-/yêu/, vần “uôi” được đánh vần là /uô/-/i/-uôi/.
Đây là cách đánh vần theo âm thay vì theo chữ ghi lại như trước kia là /y/-/ê/-/u/-/yêu/ hay /u/-/ô/-/i/-/uôi/.
Ông Lũy cũng cho biết, người học phải bắt đầu từ đầu, học từ âm, rồi đến vần, rồi đến tiếng thanh ngang, rồi đến tiếng có các thanh còn lại.
“Nguyên tắc cơ bản nhất ngay từ đầu cần phân biệt Âm và Chữ - Vật thật/Vật thay thế: Âm là Vật thật, có trước, ngay trong cuộc sống hằng ngày của mọi người (hằng ngày, người ta nói với nhau và nghe bằng âm (Tiếng).
Chữ là Vật thay thế, có sau, phải học mới biết được. Vấn đề là học như thế nào cho đúng, cho chắc, cho lâu bền”, ông Lũy nói.
Đã có khoảng 800.000 học sinh học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục
Chia sẻ với VietNamNet, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, trong năm học 2018-2019, có khoảng 800.000 học sinh trên cả nước theo học sách này (tăng so với các năm học trước). Từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã có 2 lần thẩm định tài liệu dạy học này.
Liên quan đến tranh luận về chủ đề cách phát âm lạ, GS Đại nói: “Sẽ có nhiều cái lạ chứ có phải mỗi cái này đâu. Đối với phụ huynh nhiều tuổi thì đó sẽ là điều lạ. Bởi nhiều phụ huynh trước đây học theo chương trình đại trà hiện hành, trong khi đây là thành tựu mới của mấy chục năm thôi”.
Trước đó, chia sẻ với VietNamNet, GS Đại nêu quan điểm: Phải dạy cho trẻ hết sức đa dạng chứ đừng cứng nhắc cái gì. Ông cho biết, giải pháp CNGD đã "chết đi sống lại...".
Cuối năm 1968, Hồ Ngọc Đại sang Nga để nghiên cứu về tâm lý học bằng thực nghiệm. Về nước năm 1977 thì năm 1978 ông mở trường Thực nghiệm ở Hà Nội. Năm 1986, CNGD "vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm", xuất phát từ phản hồi từ các giám đốc sở với bộ sách, thêm 12 tỉnh tham gia và tăng lên 43 tỉnh sau hơn 10 năm.
Năm 2000, Bộ GD-ĐT bắt đầu đổi mới chương trình - SGK, gọi là chương trình năm 2000, cả nước bắt buộc phải học một bộ SGK. Đồng nghĩa với việc CNGD "chết lâm sàng" từ đó.
Trong quãng thời gian này, GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự tập trung để hoàn thiện 2 bộ sách Tiếng Việt và Toán cấp tiểu học".
Cho đến năm học 2012-2013 và những năm sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã cho phép mở rộng phạm vi áp dụng Tiếng Việt CNGD.
"Hãy nghe chúng tôi phát âm..."
Chia sẻ dù "rất ngại nói về những lĩnh vực chuyên môn mà mình không biết", nhưng PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho hay với tư cách là học trò của Trường Thực nghiệm, ông không thể không lên tiếng.
“Cách học tiếng Việt của trường Thực nghiệm có sự khác biệt. Khi các bạn học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước rồi đến chữ rồi mới ghép vần. Nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Thơ lục bát có 6 âm ở câu trên và 8 âm ở câu dưới với nguyên tắc âm thứ 6 của câu trên đồng với âm thứ 6 của câu dưới. Mỗi chữ cái đều có tên gọi. Ví dụ C ta đọc là xê (vitamine C) đó là tên của chữ cái đó. Nhưng âm phát ra khi đọc nó là “cờ”. Đó chính là sự khác biệt giữa âm và chữ. Để dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: Chữ Q và K tên của nó là quy và ca (khi đánh bài ta vẫn gọi là quy cơ, ca bích....) nhưng âm của nó phát ra khi ghép vào từ thì vẫn là cờ...
Dạy học môn Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục làm thay đổi phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh
Báo cáo của Bộ GD-ĐT tổng kết năm học 2015-2016 đối với giáo dục Tiểu học đánh giá: Với học sinh, học giáo trình này giúp học sinh nắm chắc kiến thức ngữ âm tiếng Việt, luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ. Chất lượng môn Tiếng Việt lớp 1 được nâng cao.
Năm học 2015-2016, môn Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục đã được triển khai tại 23.336 trường của 47 tỉnh cho 583.838 học sinh. Các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kiên Giang triển khai dạy cho 100% học sinh lớp 1. Điều này đã chứng minh tính hiệu quả và tính khả thi của môn này đối với giáo dục tiểu học.
Đối với giáo viên, dạy học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là quá trình sư phạm giúp giáo viên đổi mới phương pháp một cách triệt để trong thiết kế, tổ chức dạy học.
Năm 2016- 2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục với 7.857 trường và 693.478 học sinh.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT tổng kết năm học 2016-2017 đối với giáo dục Tiểu học tiếp tục đánh giá: Dạy và học theo tài liệu Công nghệ giáo dục đã làm thay đổi phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số. Những đơn vị triển khai đạt kết quả tốt như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Vĩnh Long,...
"Đã có nhiều địa phương lựa chọn, tự nguyện áp dụng"
Dạy theo SGK Tiếng Việt 1 hiện hành hay tài liệu TV1-CNGD cũng đều phải đạt được mục tiêu môn học đã được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học (ban hành năm 2006).
TV1-CNGD không phải là một chương trình riêng mà chỉ là tài liệu dạy học do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên. Dạy học theo tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học, nhất là ở vùng khó khăn, vùng có nhiều học sinh dân tộc và đến nay đã có nhiều địa phương lựa chọn, tự nguyện áp dụng.
Phương pháp dạy học đánh vần theo tài liệu TV1-CNGD đã khiến một số người cảm thấy băn khoăn và có phần lo ngại vì đã quen với phương pháp dạy học đánh vần truyền thống và đã hiểu lầm rằng cách dạy học này sẽ được Bộ GD-ĐT áp dụng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
(PGS Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới, thành viên Ban Phát triển chương trình môn Tiếng Việt – Ngữ văn, từng là Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục).
Sách công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa là SGK chính thức
Nhiều địa phương trên cả nước hiện vẫn đang sử dụng cuốn sách Công nghệ giáo dục mà thời gian gần đây nhiều phụ huynh ... |
Giáo viên cũng tranh cãi về cách đánh vần Tiếng Việt theo sách Công nghệ giáo dục
Không chỉ phụ huynh, mà giáo viên - những người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn học sinh đánh vần tiếng Việt theo sách “Công ... |
GS Hồ Ngọc Đại nói gì về cách đánh vần lạ khiến phụ huynh hoang mang?
Trước ý kiến cách đánh vần lạ gây hoang mang, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng nhiều phụ huynh không can thiệp việc học của ... |
Đánh vần theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục khiến phụ huynh hoang mang: Tiến sĩ giáo dục lý giải thế nào?
TS Vũ Thu Hương cho rằng phương pháp học vần từ Công nghệ Giáo dục đã được thực hiện 5 năm nay, các trường áp ... |
Ngày đăng: 09:26 | 01/09/2018
/ http://vietnamnet.vn