Việc xây dựng các tuyến đường cao tốc trong giai đoạn tới phải hài hòa giữa các vùng miền, nhưng tập trung cho những vùng động lực.

Ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chủ trương xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030 để chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền về nội dung này.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2011-2020, cả nước đã đưa vào khai thác 1.163 km cao tốc. Phấn đấu tới năm 2025, Việt Nam có 3.171 km, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giao thông phân tích cụ thể tình hình, làm rõ nhu cầu phát triển đường cao tốc, các điều kiện hiện nay, những thuận lợi và khó khăn. Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm sau 20 năm làm đường cao tốc, tuy nhiên ngân sách nhà nước có hạn, thời gian qua các bộ, ngành và địa phương vào cuộc chưa đồng đều, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại...

Bộ Giao thông Vận tải cần xác định các mục tiêu về số km cao tốc đạt được tới năm 2025 và năm 2030, trong đó tập trung cho cao tốc Bắc - Nam phía đông, vùng Nam Bộ, Tây Nguyên và các tuyến vành đai của Hà Nội, TP HCM. "Đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Tập trung xây cao tốc cho những vùng động lực

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chủ trương xây dựng đường cao tốc, ngày 21/5. Ảnh: VGP

Về việc huy động nguồn lực xây cao tốc, Thủ tướng nêu rõ cần tránh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP); cơ chế chính sách phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

"Các dự án cao tốc phải triển khai theo hình thức PPP là chính, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro", ông nói và nêu quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí (tối đa 50%) cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn Nhà nước đóng vai trò "vốn mồi" dẫn dắt các nguồn vốn khác.

Thủ tướng nhấn mạnh trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ rất nặng, công việc rất nhiều, nhu cầu, mục tiêu rất cao nhưng nguồn lực và thời gian có hạn, do đó, phải đầu tư công sức nhiều hơn, "vắt óc suy nghĩ" , chủ động hơn, sáng tạo hơn để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả. "Đặt lợi ích quốc, gia dân tộc lên trên hết, trước hết; chống cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm", ông nói.

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần. Hiện nay 6 dự án theo hình thức đầu tư công đã được thi công là Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2; 5 dự án còn lại đang được triển khai.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu quy hoạch 42 tuyến cao tốc trên toàn quốc để xây dựng đến năm 2030, với tổng vốn khoảng 825.000 tỷ đồng.

Anh Duy

5 dự án cao tốc Bắc Nam sắp khởi công 5 dự án cao tốc Bắc Nam sắp khởi công
Làm cao tốc từ Đồng Tháp đi TP HCM còn 2 tiếng Làm cao tốc từ Đồng Tháp đi TP HCM còn 2 tiếng
Chủ tịch Đường sắt Việt Nam: "Đến thời điểm xây dựng đường sắt cao tốc Bắc- Nam" Chủ tịch Đường sắt Việt Nam: "Đến thời điểm xây dựng đường sắt cao tốc Bắc- Nam"

Ngày đăng: 10:15 | 22/05/2021

/ vnexpress.net