Ông Tập dường như muốn nhắc Trump rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Đại Liên hồi tháng 5. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay tới Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm Triều Tiên trong hai ngày nhằm tăng cường "trao đổi chiến lược" giữa hai quốc gia, như lời ông chia sẻ trong một bài viết đăng sáng nay trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng với chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc còn nhắm tới một cái đích khác: Ngầm gửi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đây là lần đầu tiên sau 14 năm một lãnh đạo Trung Quốc đặt chân tới Triều Tiên. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang vướng vào những căng thẳng chưa thể tháo gỡ với Mỹ và mỗi bên đều hy vọng cuộc gặp của hai lãnh đạo có thể mang tới những đòn bẩy hữu hiệu khi họ ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Trump.
Trung Quốc và Triều Tiên đang kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đem đến cơ hội để các lãnh đạo tái khẳng định tình hữu nghị giữa hai quốc gia, vốn bị thử thách bởi hàng loạt vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa của Triều Tiên nhưng dần được cải thiện sau khi Bình Nhưỡng ngừng hoạt động này vào cuối năm 2017 để hướng tới nỗ lực ngoại giao với Washington.
Trong bài viết đăng trên tờ Rodong Sinmun, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng Triều Tiên đang "đi đúng hướng" khi hạn chế thử vũ khí và xứng đáng được xóa bỏ các biện pháp trừng phạt.
Giới quan sát đánh giá cả Chủ tịch Trung Quốc và lãnh đạo Triều Tiên đều sẽ tận dụng sự quan tâm của truyền thông quốc tế với cuộc gặp để chứng minh với Tổng thống Mỹ rằng họ cũng là những "bậc thầy thương thuyết".
Lãnh đạo hai nước từng gặp nhau 4 lần trong quá khứ. Các cuộc gặp đã qua là lời nhắc nhở rằng bất kể phương Tây có đưa ra lời mời mọc hấp dẫn thế nào, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên.
Theo chuyên gia về Triều Tiên Andrei Lankov, Chủ tịch Tập sẽ thúc đẩy duy trì hiện trạng trên bán đảo và tìm kiếm những cách thức để ông có thể biến Triều Tiên thành một đòn bẩy lợi thế trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, dù ông khó có thể can thiệp quá sâu vào chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm Triều Tiên được thực hiện giữa lúc Trung Quốc đang bị kẹt trong một cuộc chiến tranh thương mại tiềm ẩn nhiều rủi ro với Mỹ và diễn ra chỉ chưa đầy hai tuần trước khi Chủ tịch Tập có cuộc gặp với Tổng thống Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản.
Chính quyền Trump gần đây liên tục gây sức ép với đối thủ khi tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại nếu Bắc Kinh không đồng ý với các điều kiện thương mại mà Washington đưa ra.
Chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Tập có lẽ nhằm gửi tín hiệu đến Tổng thống Trump rằng nếu muốn được Trung Quốc giúp đỡ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Mỹ cần nhượng bộ về thương mại.
"Ông Tập Cận Bình muốn bảo đảm một đòn bẩy trước khi gặp ông Trump vào cuối tháng này", Lee Seong-hyon, nhà phân tích tại Viện Sejong, Hàn Quốc, nhận xét. "Ông ấy truyền tín hiệu tới Washington rằng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên và Mỹ không nên đánh giá thấp Trung Quốc".
Đàm phán về hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên lâm vào bế tắc sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un ở Hà Nội khép lại mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.
Giới chuyên gia nhận thấy trước mỗi cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ bao giờ cũng là một cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên và Chủ tịch Trung Quốc. Nhiều người tin rằng có thể sau cuộc gặp Kim - Tập lần này, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần ba sẽ diễn ra. Khi đấy, chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Tập còn giống như một lời nhắc nhở với Tổng thống Trump rằng lãnh đạo Trung Quốc có khả năng tác động mạnh mẽ tới bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa Washington và Bình Nhưỡng trong tương lai.
Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn bác bỏ những ý kiến cho rằng Chủ tịch Tập đang sử dụng vấn đề Triều Tiên để làm đòn bẩy trong đàm phán với Mỹ. "Tôi phải nói rõ rằng những người có suy nghĩ như vậy thật sự đang làm quá vấn đề", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua phát biểu. "Tôi chắc mọi người đều biết xung đột thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra hơn một năm và hai bên đã bắt đầu tham vấn lẫn nhau. Tôi không hiểu vì sao bây giờ lại là thời điểm nhạy cảm hơn".
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt mục tiêu phải đưa đất nước thoát khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế. Ông dành những năm đầu tiên làm nổi bật sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên nhằm xây dựng vị thế cao hơn trên bàn đàm phán tương lai. Những năm tiếp theo, ông nỗ lực tìm cách dùng chương trình hạt nhân làm vật đảm bảo để yêu cầu xóa bỏ các biện pháp trừng phạt mà Triều Tiên phải gánh chịu.
Những lệnh cấm vận này đang thực sự đẩy Triều Tiên vào tình thế khó khăn. Tháng trước, Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 10 triệu người dân Triều Tiên có thể đang lâm vào cảnh "thiếu thực phẩm trầm trọng" sau vụ mùa thất thu nhất trong một thập kỷ qua do hạn hán.
Chủ tịch Tập tuần qua phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên vượt qua khó khăn. Bắc Kinh hôm 18/6 ngăn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố Triều Tiên vi phạm giới hạn nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ hàng năm, tránh cho Bình Nhưỡng bị cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ trong năm nay.
Trong bài viết đăng trên báo Rodong Sinmun ngày 19/6, Chủ tịch Trung Quốc gọi những yêu cầu của lãnh đạo Triều Tiên trong các cuộc đàm phán với Washington là "hợp lý".
"Mời Tập Cận Bình tới Triều Tiên, Kim Jong-un đang trao cho Chủ tịch Trung Quốc cơ hội để thể hiện vai trò trung gian hòa giải trên bán đảo Triều Tiên", Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, bình luận. "Đổi lại, Triều Tiên mong muốn những viện trợ về thực phẩm từ Trung Quốc".
Vũ Hoàng (Theo New York Times)
Những kỳ vọng về chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập
Ông Tập có thể thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa, tăng cường quan hệ song phương khi có chuyến thăm cấp nhà nước ... |
Ông Tập lên đường thăm chính thức Triều Tiên
Ông Tập sẽ thăm chính thức Triều Tiên trong hai ngày, trở thành Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Bình Nhưỡng trong 14 năm ... |
Ngày đăng: 06:00 | 21/06/2019
/ VnExpress