Nghiên cứu mới trên 1.099 bệnh nhân nCoV tại 552 bệnh viện, phát hiện thời gian ủ bệnh của nCoV kéo dài hơn khuyến cáo trước đây là hai tuần.
Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc công bố phát hiện mới về thời gian ủ bệnh của nCoV hôm 9/2 trên trang medRxiv. Báo cáo được viết bởi 37 nhà nghiên cứu, bao gồm tiến sĩ Zhong Nanshan, trưởng nhóm chuyên gia do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chỉ định xử lý nCoV. Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 1.099 bệnh nhân nCoV tại 552 bệnh viện ở 31 tỉnh thành của Trung Quốc.
Kết quả phân tích cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình là 3 ngày, ngắn hơn 5,2 ngày so với nghiên cứu trước đó. Nhưng khoảng thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 0 tới 24 ngày thay vì 14 ngày như nhận định cũ và chỉ gần một nửa số bệnh nhân có triệu chứng sốt khi khám bác sĩ lần đầu tiên.
Về mặt lâm sàng, sốt (87,9%) và ho (67,7%) là hai triệu chứng phổ biến nhất, nhưng chỉ 43,8% bệnh nhân có những triệu chứng trên trước khi nhập viện. Tiêu chảy (3,7%) và nôn mửa (5%) rất hiếm gặp. Chỉ khoảng 25,2% bệnh nhân có ít nhất một bệnh nền như huyết áp cao hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tỷ lệ không xuất hiện triệu chứng sốt ở các ca nhiễm nCoV cao hơn do với dịch SARS và MERS. Những bệnh nhân như vậy có thể bị bỏ sót nếu việc theo dõi phụ thuộc nhiều vào sàng lọc triệu chứng này.
Trước khi bệnh nhân trải qua xét nghiệm axit nucleic (NAT) để xác nhận tình trạng mắc bệnh, bản chụp cắt lớp của họ ít có dấu hiệu nhiễm virus thường thấy như tổn thương kính mờ và vùng tối không đều màu ở hai bên phổi. Nhưng trong số 840 bệnh nhân chụp cắt lớp trong nghiên cứu, chỉ một nửa có tổn thương kính mờ và 46% có vùng tối không đều màu. Điều này có nghĩa chỉ dựa vào phim chụp cắt lớp có thể bỏ sót lượng lớn bệnh nhân nhiễm nCoV.
"Phát hiện thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 24 ngày rõ ràng rất đáng lo ngại, đặc biệt đối với những người đang cách ly. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh trung bình rất ngắn, chỉ khoảng 3 ngày. Điều này có nghĩa một nửa số ca mắc bệnh sẽ bộc lộ triệu chứng trong vòng ba ngày sau khi tiếp xúc mầm bệnh và tỷ lệ người có thời gian ủ bệnh dài rất nhỏ", Paul Hunter, giáo sư y khoa ở Đại học East Anglia, nhận xét.
Nghiên cứu mới được cấp kinh phí bởi 4 cơ quan của Trung Quốc là Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Y tế Quốc gia, Hiệp hội Khoa học Tự nhiên Quốc gia và Cơ quan Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Đông. Nhóm tác giả nhấn mạnh nghiên cứu chưa có đánh giá của các chuyên gia trong ngành. WHO cho biết tổ chức này sẽ không thay đổi khuyến cáo về thời gian cách ly là hai tuần.
Nhiều người nghĩ rằng virus corona truyền qua thú cưng, từ mẹ sang con, uống vitamin C, kháng sinh, ăn tỏi để ngừa nCoV, là thiếu căn cứ khoa học.
Theo Bộ Y tế, có 3 phương thức lây truyền chủ yếu là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.
Hiện nCoV lây qua đường không khí là đối với những giọt bắn từ người bệnh trong phạm vi 2 mét. Trên 2 mét là an toàn.
nCoV có thể lây truyền từ người sang người nhưng thường là sau khi tiếp xúc gần với người bệnh như tại nơi làm việc, trong gia đình hoặc cơ sở y tế. Hiện, chưa có bằng chứng nào cho thấy virus corona lây truyền qua thú cưng, con đường ăn uống, nước, thực phẩm hay vết thương hở.
Phó giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói, cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định virus corona có thể lây từ mẹ sang con, song những triệu chứng bệnh của người mẹ có thể khiến thai nhi chết lưu. Theo quy luật chung, một bệnh lý nhiễm trùng do bất kỳ nguyên nhân gì không cứ là corona, có thể cúm hay dịch bệnh khác... đều ảnh hưởng đến thai nhi. Ảnh hưởng này thông thường ở những giai đoạn rất sớm, có thể trong những tuần đầu hoặc 3 tháng đầu.
Đeo khẩu trang y tế có thể làm hạn chế sự lây lan của một số bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khẩu trang không đảm bảo ngăn chặn việc lây nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên chỉ sử dụng khẩu trang nếu bạn có các triệu chứng về hô hấp (ho hoặc hắt hơi), nghi ngờ nhiễm nCoV với các triệu chứng nhẹ hoặc đang chăm sóc cho người nghi ngờ nhiễm; tiếp xúc gần với một người đi du lịch từ Trung Quốc và có các triệu chứng về hô hấp.
WHO khuyến cáo uống đủ nước tốt cho sức khỏe tổng thể nhưng không ngừa được nCoV. Uống rượu, bia hay đồ uống có cồn cũng không phòng ngừa được nCoV. Mỗi người nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Những người không biết uống không nên tập uống để ngăn ngừa.
Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp người bị cảm lạnh thông thường hồi phục nhanh hơn nhưng chưa được chứng minh là giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Một số nhãn hiệu nước súc miệng có thể loại bỏ vi khuẩn ở nước bọt trong vài phút nhưng không đồng nghĩa nước súc miệng có thể bảo vệ bạn không lây nhiễm nCoV.
Đặc biệt, việc sử dụng vitamin C, trà thảo dược truyền thống hay tự dùng thuốc như kháng sinh để phòng, chống nCoV là không hiệu quả. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm, selen chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên không sử dụng như một biện pháp dự phòng hoặc điều trị nCoV.
Theo Bộ Y tế, hiện chưa có vaccine hay thuốc trị đặc hiệu virus corona. Các bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị theo phác đồ, tức điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng. Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Lương Ngọc Khuê cho biết Việt Nam hoàn toàn chữa được bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV, song người già khi có sẵn các bệnh lý nền như hen suyễn, tiểu đường, tim mạch dường như dễ bị nặng hơn khi nhiễm virus này. WHO khuyên mọi người ở mọi lứa tuổi nên thực hiện các bước để bảo vệ bản thân khỏi virus như thường xuyên rửa tay và vệ sinh đường hô hấp tốt.
Phóng viên (T/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Ngày đăng: 11:07 | 11/02/2020
/