Xung đột Nga - Ukraine đã gây ra biến động lớn trên thị trường hàng hóa, trực tiếp là khí đốt, dầu mỏ, vàng, chứng khoán, vậy sẽ tác động thế nào đến Việt Nam?
Các chuyên gia cho rằng, xung đột Nga - Ukraine đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến giá nhiều mặt hàng trên thế giới, nhất là dầu mỏ và vàng. Những biến động này cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Tuy vậy, phần lớn đều dự đoán đây chỉ là diễn biến ngắn hạn và Chính phủ, Bộ ngành hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Dầu thế giới chạm 100 USD, giá xăng trong nước nguy cơ tăng
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, quan hệ căng thẳng giữa Nga - Ukraine thời gian quan đã tác động trực tiếp đến giá cả nhiều mặt hàng, trong đó nóng nhất phải kể đến nhiên liệu, do nguồn cung dầu từ Nga chiếm khoảng 15% trên thế giới. Các nhà phân tích e ngại, thị trường dầu mỏ sẽ gặp khó nếu hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga bị gián đoạn khi nước này tấn công Ukraine và bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.
Ông Doanh nói: “Chiến sự xảy ra, cả Nga và Ukraine sẽ tập trung nhiều hơn cho quân sự, có thể dẫn đến hạn chế hoặc cắt giảm khai thác dầu mỏ, khí đốt nên những mặt hàng này có thể sẽ khan hiếm và tiếp tục bị đẩy giá lên”.
Giá dầu thế giới đã vượt 100 USD/thùng. |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, từ đầu năm đến nay, giá dầu và khí đốt tăng lên rất cao, một trong những nguyên nhân là các nước hạn chế bán hàng để tạo đòn trừng phạt lẫn nhau.
Với Việt Nam, giá xăng dầu trong nước chắc chắn chịu tác động trực tiếp từ diễn biến này. Theo ông Lực, giá dầu thô tăng sẽ có những tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu (nguồn này chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế). Vì thế, việc giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng sẽ đẩy cao giá nguyên vật liệu nhập khẩu và theo đó là giá trong nước.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn lo ngại chuyện tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu sẽ kéo theo tăng nhập siêu mặt hàng này.
Giá xăng dầu tăng sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải, sản xuất sử dụng xăng, dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,4-4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Với các lĩnh vực, ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, hàng không, đánh bắt thuỷ sản... giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất mạnh. Riêng lĩnh vực vận tải, chi phí xăng dầu là 35-40%.
Giá vàng tăng chóng mặt, chứng khoán không bi quan
Căng thẳng Nga - Ukraine sẽ làm xảy ra những biến động về tỷ giá, đồng thời giới đầu tư nước ngoài sẽ dè dặt và tính toán lại để hạn chế rủi ro. Trước những diễn biến như thế này, các kênh đầu tư được coi là an toàn hơn sẽ là đồng Yên Nhật, đồng France Thụy Sĩ, vàng, bất động sản, nhà ở. Ngay sau khi Nga tiến công quân sự vào Ukraine, giá vàng thế giới đã tăng chóng mặt, lên trên 1.900 USD/ounce.
Biến động chính trị giữa Nga và Ukraine khiến thị trường vàng nổi sóng. |
Giá vàng trong nước lập tức tăng nóng, điều chỉnh từng giờ, liên tục xô đổ kỷ lục vừa được lập. Cụ thể, trưa 24/2, giá vàng miếng SJC lập đỉnh lịch sử mới ở 64,6 triệu đồng/lượng. Chỉ sau đó 30 phút, giá tăng vọt lên 64,8 triệu đồng/lượng. Đến chiều cùng ngày, giá kim loại quý cao hơn 65 triệu đồng/lượng và đỉnh điểm là mức giá đắt chưa từng có được thiết lập trong tối 24/2: 67,5 triệu đồng/lượng.
Đáng nói là giá vàng trong nước được dự đoán còn tiếp tục tăng mạnh, cho đến khi căng thẳng địa chính trị trên thế giới dịu lại.
Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu hoảng loạn cũng đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam. Trong phiên giao dịch hôm qua 24/2, chứng khoán Việt Nam rơi hơn 30 điểm ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, sau thời gian điều chỉnh, VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm 17,45 điểm (1,15%) xuống 1.494,85 điểm. Toàn sàn HoSE có 396 mã giảm, trong khi cổ phiếu tăng là 75 mã.
Tuy vậy, theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam, trong lịch sử, việc xung đột quân sự xảy ra sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu với mức suy giảm tầm 5-7 %.
Về xung đột giữa Nga và Ukraine, trong ngắn hạn, thường phản ứng đầu tiên của các nhà đầu tư là phòng thủ. Họ sẽ chuyển dịch một phần tài sản của mình từ kênh đầu tư rủi ro sang kênh tài sản có tính an toàn cao như vàng, bất động sản... Còn những kênh tài sản có độ rủi ro cao, biến động mạnh là chứng khoán, tiền số...sẽ bị rút một phần. "Trong ngắn hạn, AzFin Việt Nam đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam có thể suy giảm từ 3-10%. Tuy nhiên sau đó mọi thứ sẽ tùy thuộc vào cuộc chiến diễn biến thế nào, có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp hay không. Nếu không có gì đột biến thì tình hình thị trường sẽ lại bình ổn như trước".
Hơn nữa, với Nga - Ukraine, tầm ảnh hưởng của cả hai nước đến kinh tế Việt Nam là không quá lớn, nên có thể tạo ra một chút đứt gãy về cung ứng đối với các doanh nghiệp trong nước chứ không nhiều. Về dài hơi, các doanh nghiệp sẽ phục hồi dần sau COVID-19.
"Thực tế, khi có xung đột chính trị, thị trường chứng khoán có phản hồi là giảm nhẹ. Phiên vừa rồi chỉ 1,15% cũng phản ánh phù hợp là chúng ta không chịu tác động nhiều và từ các ngày hôm sau thì khả năng cao thị trường sẽ trở lại mức bình thường”, ông Phục nói.
Tương tự, nhiều chuyên gia chứng khoán lạc quan cho rằng, những nhịp điều chỉnh sâu trong ngắn hạn nếu có cũng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu. Bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam không vì căng thẳng này mà bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam cũng không vì thế mà sụt giảm về doanh thu lợi nhuận...
Áp lực lạm phát gia tăng
Các nhà kinh tế cảnh báo cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có thể là thảm họa đối với các nền kinh tế châu Á khi giá nhiên liệu và hàng hóa tăng vọt. Do đó, chuyên gia trong nước e ngại về tình hình lạm phát khi mà nhiều mặt hàng thiết yếu tăng "nóng".
Đơn cử, giá xăng dầu trong nước tăng kéo theo giá các dịch vụ logistic, vận tải, các mặt hàng thiết yếu khác như rau củ quả, thực phẩm...đều tăng theo, dẫn đến nguy cơ thiết lập một mặt bằng giá mới.
“Chi phí đầu vào của doanh nghiệp, chi phí tiêu dùng của người dân tăng lên. Đi kèm theo nó là giảm đi lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người dân. Tình trạng này đã và đang gây ra cuộc lạm phát trong tháng 2 nguy cơ tăng lên. Đây có thể là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn hơn”, ông Cấn Văn Lực phân tích.
Giá xăng dầu trong nước nguy cơ tăng thêm. (Ảnh minh họa) |
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá xăng dầu, vàng quốc tế đã và đang tác động đến lạm phát thế giới nhanh hơn, khiến cho các nước tăng lãi suất để kiểm soát. Với Việt Nam, chúng ta dự kiến đầu năm lạm phát là 0,3%, nhưng đến nay là tăng lên đến khoảng 0,5%. Do vậy, phải tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra để hạn chế tối đa hiện tượng "té nước theo mưa", trục lợi. "Đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý năm nay không nên tăng giá, vì nếu tăng thì sẽ khiến tăng lạm phát, làm cho quá trình phục hồi kinh tế khó khăn hơn”, ông Thịnh nói.
Đề xuất về việc kiềm chế giá xăng dầu để giảm áp lực lạm phát, ông Lê Đăng Doanh cho biết, cần phải cắt giảm ngay thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT để hạ giá thành.
Còn đối với vàng, nhà đầu tư và người dân không nên đổ xô mua, vì biến động còn diễn ra, mức giá có thể tăng giảm, trồi sụt, nếu không tính toán rất dễ dẫn đến thua lỗ. Hơn nữa, tâm lý đổ xô "lướt sóng" dễ khiến vàng càng dễ bị đẩy giá hơn.
Trong khi đó, để ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, tránh áp lực lạm phát, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Nhà nước phải có biện pháp kiểm soát chặt, đồng thời phải chuẩn bị nguồn cung ứng, tránh hiện tượng khan hiếm giả, khan hiếm không cần thiết. Ngoài ra phải áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi.
Ngày đăng: 20:54 | 25/02/2022
/ vtc.vn