Nhiều cầu thủ Malaysia ở vòng loại World Cup cao trên 1,8 m, trẻ hóa nhờ chính sách nhập tịch và rèn luyện thể lực.
20h ngày 10/10, tuyển bóng đá Việt Nam gặp Malaysia trên sân vận động Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Một trong ba thủ môn Malaysia dự kiến bắt chính ở trận đấu là Farizal Marlias 33 tuổi, cao 1,77 m, nặng 73 kg. Hai thủ môn còn lại là Hafizul Hakim 26 tuổi, cao 1,85 m, nặng 70 kg và Ifwat Akmal 23 tuổi, cao 1,78 m.
Thủ môn Farizal Marlias. Ảnh: Vnexpress |
Các cầu thủ có chiều cao nổi trội. Hậu vệ Irfan Zakaria 24 tuổi, cao 1,83 m, nặng 67 kg. Cầu thủ Syamer Kutty Abba 22 tuổi, cao 1,85 m. Cầu thủ Adam Nor Azlin 23 tuổi, cao 1,8 m. Shahrel Fikri Fauzi được đánh giá là một trong những nhân tố nguy hiểm nhất của tuyển Malaysia, 25 tuổi, cao 1,8 m.
Trong ba lần gặp nhau gần nhất, đều ở AFF Cup 2018, Malaysia thua 0-2 ở vòng bảng, hòa 2-2 ở chung kết lượt đi trên sân nhà và thua 0-1 trong trận chung kết lượt về tại Mỹ Đình.
Năm 2019, Malaysia có nhiều biến chuyển tích cực nhờ chính sách trẻ hóa và sự xuất hiện của một số cầu thủ nhập tịch. 4 cầu thủ được đặt nhiều trọng trách bao gồm Mohamadou Sumareh (gốc Gambia), Brendan Gan (sinh ra tại Australia), Matthew Davies (sinh sống tại Australia) và LaVere Corbin-Ong (Anh). Những cầu thủ này được đánh giá cao về thể lực.
Sumareh (số 13) là cầu thủ đầu tiên không có gốc gác Malaysia thi đấu cho đội tuyển nước này. Ảnh: Đức Đồng |
Làm việc với bóng đá Malaysia nhiều năm, huấn luyện viên thể hình Sam Pakiaraj từng nhận định các cầu thủ thiếu sức mạnh, đặc biệt thể lực cá nhân, khiến họ không thể tỏa sáng thành những ngôi sao. Ngoài kỹ thuật chơi bóng, việc tập luyện để cải thiện khả năng tăng tốc, đá bóng, tăng cường cơ bắp không được chú trọng trong quá trình luyện tập. Hầu hết cầu thủ đội bóng cấp địa phương không nhận thức được tầm quan trọng của tập luyện để nâng cao thể lực.
Những năm gần đây, việc rèn thể lực trong bóng đá Malaysia cải thiện hơn. Các cầu thủ được chú trọng tập luyện thêm trong phòng tập với các bài tập tạ, bóng Bosu, dây treo kháng lực TRX cùng nhiều bài tập khác.
TRX là phương pháp tập luyện sử dụng trọng lượng cơ thể và trọng lực của người tập khi được nâng trên sợi dây treo kháng lực. Mỗi bài tập tạo ra sức bền nhờ sự kết hợp giữa sự chống đỡ và chuyển động của các cơ bắp, nhằm rèn luyện sức khỏe, khả năng giữ thăng bằng, sự phối hợp, sự dẻo dai, sức mạnh và khả năng cân bằng ở phần cơ bụng, tránh chấn thương.
Tập luyện với bóng Bosu giúp tăng khả năng giữ thăng bằng cũng như tăng tính linh hoạt cho cơ thể. Ngoài ra, các cầu thủ cũng được rèn luyện về lối sống lành mạnh, có kỷ luật, ngủ nghỉ thích hợp, chế độ ăn uống hợp lý, nghiêm ngặt.
Thúy Quỳnh (Theo Fox Sports Asia, Mala Mail)
Ngày đăng: 16:16 | 10/10/2019
/ vnexpress.net