Những luống rau xanh mơn mởn cùng hàng chục con lợn béo tròn do chính tay thầy cô chăm sóc đang góp phần cải thiện bữa ăn cho học trò nghèo vùng cao Quảng Nam.
16h10, tiếng trống trường giục giã điểm giờ tan lớp. Thay vì trở về khu nội trú, nhóm học sinh người đồng bào Ca Dong của trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tiến ra phía trước sân trường.
Vườn rau của thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. |
Ở khu đất rộng chưa đầy 200m2, các thầy cô giáo mặc những bộ quần áo lao động cũ sờn đang chờ học trò. Tất cả họ tập trung lại để cùng nhau chung sức chăm sóc những luống rau xanh mơn mởn sắp sửa thu hoạch.
Hình ảnh rất đỗi thân thương, bình dị ấy lặp đi lặp lại theo chu kỳ ở ngôi trường vùng cao xa xôi từ ngày này qua tháng nọ, bắt đầu từ năm học 2018-2019 đến nay.
Đang cùng nhóm học trò cặm cụi diệt tận gốc cỏ dại mọc xen lẫn giữa đám rau xanh vươn mình tươi tốt, cô Trần Thị Tú Điển chia sẻ, đây là năm thứ 4 cô nhận công tác giảng dạy ở xã Trà Tập.
Đặc biệt, 2 năm qua, ngoài sứ mệnh gieo chữ, cô “hóa thân” thành nông dân và hằng ngày tăng gia sản xuất nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho học trò.
“Phần lớn học sinh trong trường thuộc diện bán trú và các em được hỗ trợ tiền ăn trưa. Thế nhưng, với mong muốn cải thiện thêm bữa ăn cho học trò của mình, thời gian qua, tôi cùng hàng chục giáo viên tận dụng quỹ đất trống trước trường để xới đất, trồng rau.
Nhờ vậy, nguồn rau sạch luôn dồi dào, đủ cung ứng cho các bữa ăn và tuyệt nhiên không nhập một cọng rau nào từ bên ngoài. Còn số tiền lẽ ra dùng mua rau thì chúng tôi sử dụng mua thêm thịt cá nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho học trò”, cô Điển vui vẻ nói.
Vườn rau cải thiện bữa ăn cho học trò vùng cao. |
Hiện thầy cô tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng rau phía sau trường học với mục đích gieo trồng thêm một số giống rau khác.
Song song với việc trồng rau sạch cải thiện bữa ăn cho học trò, thời gian qua, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập còn dựng chuồng trại, nuôi lợn rừng.
Người khởi xướng mô hình nuôi lợn ở ngôi trường miền sơn cước này là thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương. Thầy kể, bắt đầu năm học 2018-2019, thầy dùng tiền túi của mình để mua lứa lợn giống đầu tiên đưa về trường.
Lúc ấy, thầy bỏ ra số tiền 12 triệu đồng và mua 12 con lợn giống (1 triệu đồng/con). Dưới sự hỗ trợ, giúp sức của các thầy cô giáo trong trường, chuồng trại được dựng lên để chăn nuôi lợn. Sau 4 tháng, lứa lợn đầu tiên mang lại lợi nhuận khá lớn (xuất bán 2,2 triệu/con).
"Một phần số tiền thu được, chúng tôi dùng vào việc mua lợn giống để tiếp tục nuôi lứa lợn mới, còn lại góp thêm vào mua thực phẩm cải thiện bữa ăn cho học trò. Cứ thế, mô hình ý nghĩa này đã được trường duy trì suốt 2 năm qua”, thầy Phương chia sẻ.
Ngày đăng: 16:02 | 09/10/2019
/ vtc.vn