Là những sự việc khó tin nhưng có thật đã xảy ra trong những ngày này. Một học sinh lớp 2C Trường Tiểu học Đặng Cương không mặc đồng phục, nói chuyện riêng bị cô giáo dùng thước kẻ vụt vào tay. Ngày 28/9, bà nội và mẹ cháu bé đến làm ầm lên và cô giáo bị tát thẳng vào mặt. Trước đó, tại Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội), một số phụ huynh đã đến trường “đòi quà” thầy cô bởi không đồng ý với tình trạng lạm thu của nhà trường…
Phụ huynh xin đừng bạc với thầy cô. (Ảnh minh họa) |
“Nghề của chúng tôi có bằng một quả đấm không?”
Sự việc xảy ra vào lúc 16h30 phút ngày 28/9, khi kết thúc tiết học mỹ thuật, cô Phạm Thị H., giáo viên chủ nhiệm lớp 2C Trường Tiểu học Đặng Cương, bước vào lớp để dặn dò các học sinh về nhà chuẩn bị bài. Thời điểm đó, có một nhóm phụ nữ chờ sẵn trong lớp học, khi cô H. bước vào, những phụ nữ này xông vào lăng mạ, tấn công cô trước mặt học sinh cả lớp.
Theo một số giáo viên, những đối tượng này người xông vào tát, người ném dép, người cầm mũ bảo hiểm tấn công cô H.. Một số cô giáo can ngăn nhưng các đối tượng vẫn liên tục lăng mạ cô H. Một giáo viên thấy hành vi gây rối của các đối tượng đã gọi bảo vệ lên can thiệp. Khi lên tới lớp, nhân viên bảo vệ bị một người đàn ông đe doạ tấn công.
Nguyên nhân bởi ngày 27/9, có một học sinh trong lớp 2C do không mặc đồng phục và nói chuyện riêng nên bị cô P.T.H. gọi lên phạt bằng hình thức dùng thước kẻ vụt vào lòng bàn tay học sinh này. Đành rằng, hành động dùng thước kẻ đánh roi của cô giáo về lý thuyết đã vi phạm quy định cấm của ngành trong giáo dục học sinh.
Đành rằng đã có nhiều sự việc đáng lên án những hình thức xử phạt phản giáo dục như đánh học sinh thâm tím mông, tát vào mặt cháu đến sưng phồng hay bắt các cháu đứng phơi mình giữa nắng và cả dùng ngôn từ miệt thị nhân cách học sinh. Có những đòn roi trong lúc nóng giận thầy cô mất kiểm soát, nhưng cũng có những hình phạt chỉ để lần sau các em ghi nhớ, không lặp lại sai phạm. Điều quan trọng cần xác định là cái roi ấy có xuất phát từ sự trừng phạt, ghét bỏ của một cô giáo thích dùng bạo lực không? Hay đó là một sự nhắc nhở, uốn nắn từ một người giáo viên muốn lớp học nền nếp và giờ học được nghiêm túc mà thôi.
Lẽ thường, người mẹ nên lắng nghe con kể về hoàn cảnh bị đánh, cách cô đánh, thái độ của cô, suy xét vấn đề và thẳng thắn trao đổi với giáo viên, nhà trường. Thế nhưng, không ít phụ huynh ngày nay đã coi môi trường giáo dục là thị trường, coi con mình là “thượng đế”, bao bọc con thái quá! Và điều quan trọng, khi phụ huynh không coi trọng thầy cô của con mình thì cũng không mong đứa trẻ biết tôn trọng kỉ luật và thầy cô. Cũng như việc vì bênh con mà xử lý cô giáo bằng “nắm đấm” là điều hi hữu, khó tin!
Ngay sau sự việc xảy ra, bài thơ “Nghề của chúng tôi có bằng một quả đấm không?” được cô Bùi Thị Bích Hiệp, giáo viên tiểu học ở Thái Bình sáng tác đang nhận được sự chia sẻ đồng cảm lớn trên các diễn đàn giáo viên. “Mình trong nghề nên rất hiểu công việc cũng rất vất vả, chịu rất nhiều áp lực nhưng để đánh phạt cho các con đau thì chính những thầy cô cũng không đành. Việc đánh các con 1 -2 roi vào tay phải là một việc bất đắc dĩ lắm. Đó như một sự răn dạy các con rằng học sinh có bị mắc lỗi sẽ bị phạt. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại không hiểu và đối xử với giáo viên như vậy. Thực sự mình quá buồn!”, cô Hiệp bày tỏ.
“Đòi quà cho thỏa cơn phẫn nộ”
Cô giáo Quỳnh Phan cũng trải lòng: “Tuần trước lớp mình có 6 em học sinh phá 17 cái nẹp bàn ra để làm kiếm đánh đùa nhau trong giờ ra chơi. Mình mời phụ huynh lên và bảo “Ôi, học sinh phá quá anh ơi, ai mà lại dại đột phá hết bàn học thế này chứ”. Một phụ huynh nghe vậy nhảy cẫng lên giận dữ: “Cô bảo phá gì? Cô có bằng chứng không. Khi nào nó phá hết trường lớp mới gọi là phá... chứ tí bàn này mà phá gì...”? Phụ huynh khua tay múa chân mình sợ bị đánh đành im re... Thôi tốt nhất là mình thua...”. Nhiều giáo viên cho biết, họ buồn và chua xót khi phụ huynh hiện đại nuông chiều, “bảo vệ” con thái quá, thậm chí sẵn sàng hành hung giáo viên khi con mình bị thầy cô phạt.
Cùng với đó, câu chuyện “đòi quà” ở Trường Mầm non Hợp Tiến càng thêm phản cảm về hình ảnh phụ huynh ngày nay. Theo đó, nhận thấy những khoản thu “tự nguyện” nhà trường áp dụng thu cho mỗi phụ huynh, phục vụ năm học 2016-2017 không minh bạch, đồng thời bức xúc vì nhà trường mập mờ trong việc thu chi, nên một số phụ huynh đã đòi lại quà tặng giáo viên, nhà trường ngày 20/11 để “thỏa cơn phẫn nộ”.
Trước sự việc này, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định việc trường lạm thu là sai, song không đồng nghĩa với hành động đi đòi quà giáo viên của phụ huynh. Nhất là quà tặng không có gì to tát, chỉ là chiếc áo, cái khăn, bộ ấm chén. Quà phụ huynh tự nguyện tặng, thể hiện tình cảm với thầy cô trong những dịp lễ, Tết, chứ không phải sự đổi chác, hay món nợ mà đòi. Giờ vì chuyện này mà đi đòi thì buồn cười quá, chua xót quá! Phụ huynh không nên có hành động như vậy. Trường thu sai thì trường đã nhận sai và trả lại tiền rồi, hà cớ gì phải có những hành động như thế nữa, GS Phạm Tất Dong bày tỏ.
Có thể nói, hai câu chuyện trên chỉ là hi hữu nhưng nó đã xảy ra ngay trong những ngày đầu năm học này như một sự mất mát về niềm tin. Phải chăng chính từ phía phụ huynh cũng đang góp phần làm cho nghề giáo xấu đi, mặc dù cuộc sống có hiện đại, thay đổi thì “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”...
(http://baophapluat.vn/giao-duc/thay-co-bi-danh-bi-doi-qua-su-that-that-toi-dau-long-359381.html)
Sao lại dẹp, Ban đại diện cha mẹ học sinh vui mà!
Dẹp Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa chắc dẹp được nạn lạm thu. Nếu muốn dẹp thì dẹp những người làm nghề giáo ... |
Muốn sang thì bắc cầu kiều…
Ở thế hệ học sinh 7x, 8x chúng tôi, nhà giáo được coi trọng lắm. Và lúc đó, nghề giáo nổi tiếng là thanh bạch ... |
Thầy giáo nghèo làm đơn xin ra khỏi biên chế
Nghề này bạc bẽo quá, sự tôn trọng đối với nghề chẳng còn nữa nên tôi xin ra khỏi biên chế giáo dục không chút ... |
Giáo dục có phải là một loại hình dịch vụ?
Gần đây, có hiện tượng các phụ huynh có ý săm soi xem giáo viên phạm lỗi gì để tung lên mạng. Rất nhiều người ... |
Ngày đăng: 09:08 | 08/10/2017
/ Theo Uyên Na/Báo Pháp luật Việt Nam