Ngày 29/8, tại Hà Nội, Tập đoàn phối hợp Phòng truyền thống Dầu khí tổ chức chương trình tham quan Phòng truyền thống, nói chuyện chuyên đề về hành trình tìm kiếm, khai thác dầu khí trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ.
Chương trình có sự tham dự của gần 100 người là cán bộ công nhân viên thuộc các đơn vị trong Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam, học sinh sinh viên và một số nhà báo quan tâm đến lịch sử Dầu khí Việt Nam. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập Tập đoàn, 30 năm ngày khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng Đá móng mỏ Bạch Hổ.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh giới thiệu về hành trình tìm dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ.
Tại buổi nói chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam đã giới thiệu về lịch sử và một số khái niệm cơ bản về ngành Dầu khí Việt Nam bằng ngôn ngữ bình dân khá gần gũi và dễ hiểu, giúp người nghe dễ dàng tiếp cận được quá trình hình thành các mỏ dầu khí trong các tầng đất đá có tuổi đời hàng triệu năm khi nghe về địa chất, sự hình thành dầu khí và các bước tìm dầu như thế nào. Tiếp đến, câu chuyện tìm kiếm, phát hiện và khai thác tấn dầu thô đầu tiên trong tầng đá móng của mỏ Bạch Hổ được hiện lên một cách sinh động, ấn tượng. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh cho biết, từ năm 1974, Mobil tìm ra dầu trong tầng Miocen qua giếng khoan thăm dò BH-1X. Tiếp quản kết quả này, ngày 24/5/1984, Liên doanh Vietsovpetro (VSP) tiếp tục thăm dò, khẳng định lại và chi tiết hóa sự tồn tại của dầu trong tầng 23 (Miocen) qua giếng khoan BH-5. Tuy nhiên khi thử vỉa, lưu lượng chỉ đạt 20 tấn/ngày. Năm 1985, tiếp tục thăm dò, VSP khoan BH-4 phát hiện tầng dầu mới nằm sâu hơn Miocen, đặt tên là tầng 24, thuộc tầng Oligocen. Cũng trong năm này, với tư duy hướng đến những đối tượng sâu hơn, BH-1 đã được khoan với thiết kế dự phòng đến 3300m, trong khi độ sâu móng 3150m. Khi khoan đến 3118m dung dịch khoan không tuần hoàn lên bề mặt, chứng tỏ tại độ sâu này đá bị nứt nẻ mạnh làm mất dung dịch. Một giải pháp rất Việt Nam đã được áp dụng là trộn vỏ trấu vào dung dịch khoan để vỏ trấu bít, nhét các khe nứt hạn chế khả năng mất dung dịch. Bằng giải pháp này, giếng BH-1 khoan được đến 3178m, tức là vào móng 28m thì dừng. Rủi thay, do bít nhét vỏ trấu quá nhiều, hoặc thử vỉa không hiệu quả, kết quả thử tầng 24 thất bại, không cho dòng dầu. May là thử vỉa tầng 23 còn cho dòng khoảng 100 tấn/ngày. Nhờ đó giếng này đã được đưa vào khai thác từ năm 1986.
Chị Đàm Thị Thu Thủy - Phụ trách phòng Truyền thống Tập đoàn Dầu khí giới thiệu về công tác thăm dò khai thác dầu khí của PVN trên thềm lục địa Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, giai đoạn này đất nước rất khó khăn về kinh tế, thiếu lương thực, ngoại tệ để mua sắm thiết bị sản xuất nên 1 tấn dầu bán đi, 1 đồng ngoại tệ về với ngân sách đều rất quý. Niềm vui có dầu chưa được bao lâu thì lo lắng ập đến. Các giếng khoan tiếp theo cho thấy tầng 23 không có triển vọng tốt. Giếng BH-1 sau 4 tháng khai thác đã giảm sản lượng đáng kể. Cần phải nói thêm là khi đó VSP mới có báo cáo khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ dựa trên số liệu 1 giếng khoan của Mobil. Tài liệu khi đó chưa đủ thông tin để xây dựng báo cáo trữ lượng và phương án phát triển mỏ đầy đủ. Tuy nhiên, với quyết tâm và tầm nhìn của các chuyên gia Liên Xô và cán bộ Việt Nam, VSP đã xúc tiến đầu tư cảng dịch vụ tổng hợp, khu nhà ở 5 tầng và đặc biệt là 2 giàn cố định MSP-1 và MSP-2. Nếu không tìm ra trữ lượng dầu khí đủ lớn để khai thác thì những đầu tư nêu trên coi như lãng phí. Chưa kể đến chuyện khó khăn ngày càng chồng chất khi đất nước không có được nguồn thu ngoại tệ quý báu mà tất cả đang hy vọng. Tình trạng lúc đó được miêu tả thông qua hình tượng “ngọn lửa cháy leo lét ở faken giàn MSP-1 làm cho nhiều người không khỏi bùi ngùi. Đã xảy ra không khí “hoang mang, chán nản”; đã có câu hỏi truy trách nhiệm ai sáng tạo ra chủ trương xây dựng giàn MSP-1 và MSP-2; thậm chí đã có chuyện bãi miễn và điều chuyển một số cán bộ chủ chốt… Nhưng vẫn còn đó một bộ phận trong tập thể lao động Nga-Việt giữ vững niềm tin vào trí tuệ và sự nhạy cảm địa chất của mình. Vấn đề là trí tuệ có trả lời được câu hỏi: thiên nhiên giấu những thùng dầu quý giá ở đâu? Niềm tin có đủ mạnh để chiến thắng thực tế đang vô cùng nghiệt ngã? Bản lĩnh có đủ kiên cường để ra quyết định, chấp nhận rủi ro, nhưng nếu may mắn thành công sẽ là cứu cánh cho cả đất nước? Với tinh thần đó, tháng 5/1987, VSP quyết định khoan giếng BH-6 để xác định ranh giới tầng 23 và Oligocen về phía Nam, đồng thời thử nghiên cứu tầng móng. Giếng khoan đạt chiều sâu 3533m, trong đó khoan 23m vào móng. Văn liệu cho thấy, 3 lần thử, trong đó có 1 lần ghi là thử trong móng, đều đạt khoảng 500 tấn/ngày. Thật vui khi có được dòng dầu tới 500 tấn/ngày nhưng do vẫn còn những quan điểm khác nhau, nên chưa dám ghi nhận tầng sản phẩm mới là móng. Thay vào đó, đã dung hòa các quan điểm và coi đó là một đối tượng liên thông tầng Oligocen và móng phong hóa.
Các em học sinh hào hứng thăm quan mô hình các nhà máy nhiệt điện khí Nhân Trạch 1 -2.
Phải đến 9/1988 mới xảy ra một sự kiện thực sự đã làm niềm vui của những người lao động dầu khí vỡ òa. Giếng BH-1 sau một thời gian khai thác, theo quy định đến giai đoạn phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa. Khi sửa chữa, đã có một quyết định táo bạo là khoan lại vào tầng móng. Kết quả sau khi khoan và rửa đáy giếng, xuất hiện dòng lên đến 2000 tấn/ngày. Do áp suất quá lớn, Ban lãnh đạo VSP lúc đó đã quyết định khai thác luôn bằng cần khoan, đợi giảm áp rồi hoàn thiện giếng sau. Thế là tấn dầu đầu tiên được khai thác từ móng. Lúc đó là 10h ngày 6/9/1988, một thời khắc lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam. Được tham gia vào buổi nói chuyện chuyên đề, rất nhiều cán bộ công nhân viên ngành dầu khí cũng như các em học sinh đã cảm nhận được phần nào những khó khăn trong công cuộc tìm kiếm và khai thác dầu khí. Những tình cảnh và nguy cơ tưởng chừng như “ngàn cân treo sợi tóc” mà người dầu khí đã phải đối mặt để rồi dùng trí tuệ và bản lĩnh để vượt qua. Một số khách mời cũng bày tỏ sự quan tâm đến tiềm năng của ngành dầu khí Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh khẳng định cho đến nay, Tập đoàn Dầu khí mới chỉ khai thác được khoảng 40% tiềm năng của Dầu khí tại Việt Nam. Vẫn còn rất nhiều vùng biển, bể trầm tích như bể Sông Hồng, Phú Khánh và đặc biệt vùng Tư Chính – Vũng Mây chưa hề được khai phá. Hơn thế nữa, dầu khí vẫn là nguồn tài nguyên chính yếu giàu năng lượng cho phát triển kinh tế trong nhiều thập niên tới. Chính vì vậy, tương lai của ngành dầu khí Việt Nam vẫn còn rất dài, sự phát triển của dầu khí đến đâu tùy thuộc vào các thế hệ trí thức kế cận.
Toàn cảnh buổi nói truyện chuyên đề.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích lại câu nói của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Trần Sỹ Thanh tại diễn đàn về Trí tuệ - Bản lĩnh và Văn hóa dầu khí: “Trong bối cảnh ngành dầu khí hiện nay, lãnh đạo Tập đoàn thấy cần thiết phải có những hoạt động nhằm ôn lại truyền thống và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho Tập đoàn. Lấy truyền thống, lòng tự hào đó như một “cái neo” hướng lại, giữ lại những tâm tư tình cảm của người dầu khí đang công tác trong ngành, cũng như đã nghỉ hưu cùng hướng tâm về truyền thống. Chúng ta hiểu nhiều về truyền thống thì mới trân trọng những gì đang có”. Áp dụng những quan điểm mới được hình thành qua nghiên cứu mỏ Bạch Hổ, công tác thăm dò dầu khí đã tìm ra 22 mỏ/phát hiện ở Việt Nam có dầu trong móng. Sản lượng dầu từ móng mỏ Bạch Hổ, đến hết 2017, đạt hơn 180 triệu tấn, bằng 87% sản lượng toàn mỏ. Sản lượng dầu từ móng cho cả Việt Nam đạt hơn 240 triệu tấn. Nếu tính giá dầu trung bình cả giai đoạn là 50 USD/thùng, lượng dầu từ móng này đã mang lại doanh thu hơn 88 tỷ USD. Có tất cả 49 tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam". Nhưng bên cạnh 49 cá nhân xuất sắc này, hàng nghìn kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và người lao động dầu khí đã đóng góp sức mình cho bản hùng ca Dầu trong đá móng.
Bùi Công
Niềm tin từ điều không tưởng
Ở thời điểm đó, khai thác dầu ở tầng đá móng là điều không tưởng. Trong lịch sử khai thác dầu khí thế giới cũng ... |
Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Tuyên dương học sinh đạt thành tích cao năm học 2017 – 2018
Ngày 25/8, tại quảng trường Ba Đình, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đoàn Tập đoàn) đã tổ chức Lễ ... |
30 năm khai thác dầu khí từ đá móng: Câu chuyện và những con số
10 giờ sáng ngày 6/9/1988, tấn dầu đầu tiên từ đá móng mỏ Bạch Hổ được đưa lên tàu chứa Crưm từ giếng khoan BH-1. ... |
IPO Lọc dầu Dung Quất: Cú hích mới cho ngành Dầu khí
Đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) không chỉ giúp Tập đoàn Dầu ... |
Ngày đăng: 13:59 | 30/08/2018
/ Cổng thông tin điện tử PVN