Ông Xuân cầm cào sắt, phì phò kéo lên cái bao tải bu kín ruồi nhặng. Cái bao bị mủn, vỡ toác. Một đầu lợn chết tím tái lòi ra.
Ông Xuân cầm cào sắt, phì phò kéo lên cái bao tải bu kín ruồi nhặng. Cái bao bị mủn, vỡ toác. Một đầu lợn chết tím tái lòi ra.
Dưới dòng nước sùi bọt, những xác chó, xác gà, chăn chiếu, quần áo rách, thùng xốp, gốc cây lềnh bềnh ứ lại nơi cửa cống. Người đi đường nhăn mặt, nhổ vội bãi nước bọt, hối hả phóng qua.
Ba mươi năm trong nghề kỹ sư thủy lợi, không còn cái gì vớt lên từ những con mương có thể khiến ông Xuân lợm cổ. "Nhưng cứ thế này thì chết", ông dựng cái cào ba răng, lau mồ hôi, nhìn con nước trước mặt, rồi nhìn ruộng rau, đồng mạ đang trổ xanh rì, "nước sông ngòi mỗi ngày một tệ".
Xã Song Phương, Hoài Đức nơi ông đứng, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 20 km đường chim bay. Tiếng thở dài của ông Xuân cách trung tâm Thủ đô đủ xa để biến nó thành nỗi lo âu ngoại thành.
Trong trung tâm thành phố, sông Tô Lịch mỗi ngày hứng 150 nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý từ 280 cống xả. Ở những bờ lau bụi cỏ, nơi Tô Hoài ngày bé chơi quanh lấy hứng viết ‘Dế mèn phiêu lưu ký’, bây giờ rất dễ gặp những thứ ruồi bâu, tương tự thứ ông Xuân vớt được ở những con mương ngoại thành.
Nhưng người Hà Nội vẫn phải rửa rau, giặt quần áo, đi vệ sinh mỗi ngày. Họ không có lỗi khi chất thải của mình chảy xuống cống, và cái cống ấy đổ ra sông Tô - nơi mỗi tối họ cùng vợ con ra cà phê, ăn phở dọc đường Nguyễn Khang lộng gió.
Người Hà Nội cũng lờ mờ nhận thức về mối nguy nào đó đến từ dòng sông bẩn: nó bốc ra thứ mùi khó ngửi. Có rất nhiều báo cáo về chất lượng nguồn nước sông Tô mà bất cứ ai biết chữ đều có thể tra cứu online trong nửa phút. Nhiều bảng biểu sẽ hiện ra, ghi chỉ số COD, BOD, DO, TSS của sông Tô được các nhà khoa học uy tín cảnh báo, đều đang vượt quá ngưỡng an toàn.
Không nhiều người sống ở Hà Nội hiểu được những chỉ số này. Hơn nữa, dọc bờ sông, năm nay, thành phố đã trồng thêm mấy trăm cây xanh. Mùi hôi đã giảm.
Cuối tháng 8 vừa rồi, nhà kho bóng đèn phích nước Rạng Đông cháy suốt năm giờ. Đám lửa lẫn với khói bụi đỏ rực một mảng trời đêm Thủ đô, cách xa vài km còn trông rõ. Ba ngày sau, không cần khuyến cáo, các hộ dân xung quanh nhà máy lần lượt sơ tán, người đi thuê nhà, người chuyển về quê, người đi du lịch.
Trong quan niệm phổ thông, thảm họa môi trường phải là một thứ có nổ, có khói, có cá chết hàng loạt, ít ra là những hậu quả thấy ngay bằng mắt. Vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, do vậy là một "thảm họa môi trường", và nó khiến người Thủ đô hoảng loạn vì hai chữ "thủy ngân".
Một tin không mới, là trong nước xả thải cũng có lượng thủy ngân cao, có cả arsen, chì và các kim loại nặng. Khi vượt qua ngưỡng an toàn, chúng gây nhiễm độc mãn tính, ung thư, dị tật bẩm sinh, đẻ non. Và sông Tô Lịch chỉ là một biểu tượng cho những gì đang diễn ra với những dòng chảy khắp thủ đô. Ở bất kỳ đâu, người ta cũng sẽ bắt gặp những dòng nước đen ngòm như thế. Và ở ngoại thành, như Song Phương, sẽ có thêm cả xác chó, xác gà, xác lợn.
Sông và đất Việt Nam mỗi năm ngấm 70 nghìn kg và hơn 40 nghìn lít thuốc trừ sâu. Những hợp chất này đều gây nhiễm độc mãn tính, ung thư gan, bàng quang, phổi, dạ dày.
Trong nước xả thải có Shigella dysenteriae, vi khuẩn hình que gây lỵ, tiến triển nghiêm trọng sẽ gây hôn mê sâu, viêm màng não; có khuẩn Salmonella gây xuất huyết tiêu hoá, thủng ruột, viêm cơ tim, viêm não, dễ lây từ người sang người và có thể nhanh chóng tử vong do thương hàn; có Yersinia pestis, vi khuẩn gây xung huyết niêm mạc da, dịch hạch - cái chết đen giết chết 1/3 dân số châu Âu giữa thế kỷ 14.
Khoảng 40 loại khuẩn, sán và ký sinh gây bệnh chết người như thế được Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ tìm thấy trong nước xả thải chưa qua xử lý. Nhưng vì không có nổ hay khói, nên nước xả thải tại các kênh, mương, sông, rạch vẫn chưa được coi là thảm họa. Lịch sử Hà Nội không ghi nhận đợt di dân nào vì nước sông Tô nhiễm bẩn.
Sự thực, đã không nhiều người nhìn nhận nó như một dòng sông. Đầu tháng 7 năm nay, Bí thư quận Hoàn Kiếm trong một phiên họp của của Hội đồng nhân dân thành phố, mạnh dạn đứng dậy đề xuất "cống hoá" một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, "như Tô Lịch và Kim Ngưu".
Ý tưởng "cống hóa" đã từng được London tính đến cho Thames, dòng sông một thời bị người Anh gọi với cái tên The Great Stink - dòng sông thối vĩ đại. Thames 200 năm về trước, giống Tô Lịch bây giờ, là nơi người London ném xuống bất cứ cái gì, không kể rác thải hay xác chết.
Chất thải lên men và làm cho mùi hôi thối xông đến Nghị viện, khiến nhà cầm quyền phải cân nhắc di chuyển toàn bộ cơ quan của chính phủ sang một vùng khác ở miền tây cách sông Thames hàng chục dặm.
Sông Thames khiến London phải trả giá đắt bằng 23 nghìn mạng người trong ba lần dịch tả. Năm 1957, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh tuyên bố "sông Thames đã chết về mặt sinh học". Nhưng người London không buông xuôi linh hồn thành phố bằng cách cống hóa sông Thames. Hàng chục tỷ bảng Anh đổ vào công cuộc tái thiết hệ thống xả thải suốt nhiều thập kỷ, không chỉ vì họ muốn thấy cá lại về với sông Thames, mà bởi họ không muốn bị chết vì tả nữa.
Năm 2019, ở Hà Nội, 78% lượng nước thải đô thị chưa qua xử lý vẫn xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung, sông, hồ và môi trường xung quanh. Nhưng có bao nhiêu người Việt thắc mắc chất thải của mình sẽ đi đâu và được xử lý thế nào?
Chúng tôi gặp ông Xuân năm ngoái, khi các công nhân thủy lợi trên địa bàn Hà Nội đã bị nợ lương gần ba năm. Họ làm đủ thứ nghề phụ, hoặc sống nhờ sự tần tảo của vợ như ông Xuân. Trong các ưu tiên chính sách của Hà Nội, những dòng nước đen đúa chảy quanh thành phố và những cái xác lợn nổi lềnh bềnh dường như chưa đủ cấp bách. Bản thân cái cách những người vớt rác trên mương bị đối xử, cũng là một thảm họa trong thảm họa.
Xã hội luôn bỏ qua những câu chuyện ở mảnh sân sau nhà họ, những chuyện xảy ra sau cú giật bồn cầu. Phần sau đó, thuộc về trách nhiệm của những kỹ sư thủy lợi đang đói dài vì bị nợ lương như ông Xuân ở trạm bơm Phương Bảng.
Người London đã phải đợi đến khi mùi hôi bốc đến tận rèm cửa Nghị viện để thành phố bắt tay vào cải tạo sông Thames. Còn người Hà Nội sẽ vui vẻ sống chung với thảm họa đến bao giờ?
Thanh Lam
Ngày đăng: 07:30 | 30/09/2019
/ vnexpress.net