Ả-rập Xê-út chi hàng tỷ USD cho hệ thống phòng không và cảnh báo tối tân, nhưng lại chẳng thể ngăn chặn tổ hợp tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Điều đó cho thấy những thiếu sót nghiêm trọng trong việc bố trí các thiết bị phòng thủ của Riyahd và các nhiệm vụ mà chúng khoác lên mình.
Nhưng nó cũng đặt ra một vấn đề lớn hơn: thời đại "chiến tranh không người lái" là một thách thức lớn đối với các chính phủ trên khắp thế giới.
Các tên lửa hành trình được sử dụng trong vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Aramco là phiên bản của các tên lửa Nga được sản xuất những năm 70 trong khi máy bay không người lái vẫn được coi là "tên lửa của người nghèo" ngay cả khi chúng ngày càng tinh vi hơn.
Nói cách khác, 5% nguồn cung dầu toàn cầu bị tước đi bởi những vũ khí có giá chưa tới vài triệu USD.
Mảnh vỡ tên lửa thu được sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu Ả-rập Xê-út. (Ảnh: Reuters) |
Một quan chức Mỹ cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Ả-rập Xê-út và Mỹ đã không thể phát hiện vụ phóng. Một trong các lý do là phần lớn "kiến trúc phòng thủ tên lửa" được hướng tới Yemen từ nơi nhóm phiến quân Houthi thường xuyên bắn tên lửa và máy bay không người lái trong 2 năm qua. Với một vụ phóng từ Iran như các thông tin ban đầu, các hệ thống này bị ngợp.
Theo nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra về vụ tấn công, các tên lửa hành trình bay với độ cao rất thấp để tránh bị phát hiện và tránh đi qua Vịnh Ba Tư, nơi Ả-rập Xê-út và Mỹ bố trí các tên lửa hành trình mạnh nhất.
"Chúng tôi từng đánh chặn thành công 230 tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng đi từ Yemen trong 2 năm qua. Không có quốc gia nào trên thế giới bị tập kích bằng số lượng vũ khí lớn như vậy", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ả-rập Xê-út, Đại tá Turki al-Malki nói.
Nhưng các tên lửa đạn đạo rời đi, sau đó quay lại bầu khí quyển không còn là vấn đề duy nhất Riyadh cần quan tâm.
Theo Jeremy Binnie, biên tập viên tại Tuần báo Quốc phòng Jane’s, hình ảnh vệ tinh cho thấy Ả-rập Xê-út đã chuyển hệ thống Patriot của Mỹ trở lại bảo vệ phía Đông, một hướng về Iran, một hướng về Yemen sau vụ tấn công. Một hệ thống khác mới đây được triển khai ở Abqaiq, một trong 2 cơ sở tấn công hồi cuối tuần trước nhưng lại hướng về Yemen và tiếp tục bỏ lửng mối đe dọa tới từ Iran.
Ồn Binnie tin rằng các tên lửa của Iran với tầm bắn xa hoàn toàn có thể khai thác khoảng trống này.
"Phòng thủ của Ả-rập Xê-út bị kéo dài bởi mối đe dọa từ Yemen và giờ đây, những vũ khí mới của Iran này đang mở ra nhiều lựa chọn tấn công hơn nữa", ông này nhận định.
Các chuyên gia cảnh báo dù Ả-rập Xê-út có trang bị thêm các hệ thống ở các cơ sở trọng yếu, cơn ác mộng vẫn sẽ xảy ra nếu một loạt các tên lửa được phóng đi từ nhiều hướng với nhiều trong số đó được thiết kế để gây nhầm lẫn hoặc gây nhiễu radar. Giá thành để thực hiện một cuộc tấn công tổng lực như vậy cũng không tính là cao.
Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh cho rằng "đường cong chi phí" rất thuận lợi cho những kẻ tấn công, đồng nghĩa với việc Riyadh sẽ phải chi nhiều hơn nữa để chống lại các cuộc tấn công như vậy dù họ hiện là nước chi tiêu cho quốc phòng nhiều thứ 3 thế giới.
Vụ tấn công cuối tuần trước cũng mở ra chiếc hộp Pandora đầy rủi ro về thời đại của chiến tranh không người lái.
Máy bay không người lái tương đối rẻ, có thể mang một lượng thuốc nổ khiêm tốn, tầm bắn và độ chính xác của chúng đang tăng lên.
Chúng bắt đầu trở nên phổ biển khi IS bay hàng chục chiếc để tấn công quân đội Iraq trong trận chiến Mosul năm 2016. Matxcơva vài năm trở lại đây cũng phải căng mình chống lại các cuộc tấn công liên tục của loại vũ khí này vào cơ sở không quân Hmeimim ở Syria.
Để đối phó với tay chơi mới, quân đội Mỹ thời gian gần đây tăng cường triển khai các tên lửa đất đối không Stinger phối hợp với lực lượng mặt đất để chống lại chúng. Lầu Năm Góc cũng tiến hành cuộc tập trận mang tên 'Black Dart' chống lại các máy bay không người lái thù địch, trong đó sử dụng mọi thứ từ laser đến súng và các biện pháp đối phó điện tử.
Ông Binnie hy vọng cú sốc sau cuộc tấn công cuối tuần trước sẽ khiến Ả-rập Xê-út bừng tỉnh trước các mối đe dọa mà họ dù đã lên kế hoạch vài năm nay nhưng vẫn chưa tìm ra sách lược mới này. Thêm vào đó, Riyadh cũng cần quan tâm tới hơn tên lửa hành trình thay vì chỉ chú tâm vào tên lửa đạn đạo.
"Quy mô của vương quốc, các sơ sở hạ tầng quan trọng được trải rộng và khả năng di chuyển các tuyến đường xung quanh các hệ thống phòng thủ của tên lửa hành trình tầm xa đang biến nó trở thành một thách thức nghiêm trọng. Đó là một sự trớ trêu kỳ lạ của chiến tranh hiện đại rằng "thấp, nhỏ, chậm" thường gây nguy hiểm hơn các hệ thống tinh vi", CNN bình luận.
Ả-rập Xê-út hơn ai hết là người nghiệm ra triết lý này sâu sắc nhất sau vụ tấn công vừa qua.
(Nguồn: CNN)
Ngày đăng: 15:32 | 20/09/2019
/ vtc.vn