Dù mỗi ngày làm việc trung bình 6-12 giờ với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn như tai nạn giao thông, trộm cướp, “tài xế công nghệ” hiện đang bị ‘ngó lơ’ trong đào tạo quy chuẩn chuyên nghiệp.
Lạc quan về nghề nghiệp có thu nhập tốt, song nhiều “tài xế công nghệ” vẫn chưa được đào tạo bài bản cũng như chưa có quy trình chuyên nghiệp hóa nghề này.
Đây là thông tin chính tại lễ ký kết giữa Be Group với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Việt Nam (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vào sáng ngày 10/10.
Ông Đỗ Mạnh Tuân, Phó Tổng giám đốc Be Group cho biết, những năm trở lại đây, nghề “tài xế công nghệ” đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, ước tính có đến hơn 300.000 “xe ôm công nghệ” phục vụ trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe.
Bên cạnh sự thiếu hụt trong việc xây dựng quy trình chuyên nghiệp hóa nghề tài xế, ông Tuân nhìn nhận, đối tượng lao động này còn không được hưởng chế độ phúc lợi lao động như bảo hiểm y tế dù mỗi ngày họ làm việc trung bình 6-12 giờ với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn như tai nạn giao thông, trộm cướp, các bệnh tật về xương khớp, da liễu…
Dẫn chứng, theo kết quả khảo sát “Kỳ vọng của tài xế công nghệ” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ở 7 tỉnh thành lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu), 47% “tài xế công nghệ” cảm thấy không được tôn trọng trong quá trình tiếp xúc khách hàng, trong khi 72% người tiêu dùng mong muốn lái xe được huấn luyện chuyên nghiệp và gần 60% tài xế mong muốn được hưởng chế độ bảo hiểm tốt hơn.
“Kết quả trên cho thấy, từ việc nghề ‘tài xế công nghệ’ bị ‘ngó lơ’ trong vấn đề đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cũng như khung pháp lý bảo hộ chưa hoàn thiện đã dẫn đến cái nhìn thiếu tôn trọng từ cộng đồng dành cho công việc này, khiến đôi khi người lái xe chưa thực sự có thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp với nghề,” ông Tuân phân tích.
Trên cơ sở đó, Be Group sẽ “bắt tay” hợp tác cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp về xây dựng bộ tiêu chuẩn, đào tạo đánh giá kỹ năng của tài xế; nâng cao nhận thức về nghề; tạo quy chuẩn để trở thành một nghề trong kỳ thi nghề quốc gia.
Be Group sẽ tiên phong chuẩn hóa nghề tài xế công nghệ tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đánh giá cao chuẩn hóa nghề này, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết: “Tài xế nói chung hay lái xe công nghệ nói riêng là một công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng tốt vì công việc dịch vụ vận tải này liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng của con người. Do vậy, lực lượng lao động này cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.”
Bà Trịnh Thị Thu Hà, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Quốc gia tin tưởng rằng chương trình phối hợp Be Group và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ giúp các lái xe công nghệ được đào tạo bài bản về kỹ năng lái xe an toàn, chuyên nghiệp trong phục vụ khách hàng từ đó tạo tiền đề để xây dựng lộ trình đưa lái xe công nghệ vào quy chuẩn, có quản lý nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn giao thông./.
Lỗ hổng trong tuyển dụng và bảo vệ tài xế của Grab |
Sa thải tài xế xe buýt nhổ nước bọt vào người đi đường |
Tài xế công nghệ hại đời khách nữ |
Ngày đăng: 17:34 | 10/10/2019
/ www.vietnamplus.vn