Tại sao không thủ tiêu cựu điệp viên Nga lúc ở tù mà đợi đến 8 năm sau mới ra tay? Nghi ngờ đã dấy lên trong giới phân tích phương Tây, kể cả giới chống đối Tổng thống Putin, rằng có thể Moscow không phải là thủ phạm thật sự
Không có lý do nào khiến Nga giết Sergei Skripal (66 tuổi) vào lúc này. Một chuyên gia về Nga, PGS Aleksey Muraviev, Trưởng Khoa Khoa học xã hội và Nghiên cứu an ninh Trường ĐH Curtin (TP Perth - Úc), đã nhận định như vậy trên đài SBS (Úc) hôm 21-3. Trong cuộc phỏng vấn khá dài, ông đã trả lời một số câu hỏi được dư luận Anh quan tâm nhưng chưa có lý giải rõ ràng.
Bảo vệ người cung cấp thông tin
Theo PGS Muraviev, sở dĩ chính phủ Anh làm rùm beng vụ việc là nhằm bảo vệ người đã cung cấp thông tin tình báo và quân sự vô cùng quan trọng đối với nước này trong mấy chục năm qua. Skripal là cựu đại tá quân báo Liên Xô từng bị kết tội phản quốc, bán bí mật quốc gia cho Anh qua hai thời kỳ Liên Xô và Liên bang Nga. Năm 2004, ông ta mới bị phát hiện và bị bắt.
Nếu bị bắt trước khi Liên Xô tan rã, chắc chắn Skripal đã bị hành quyết. Số phận ông ta xét cho cùng hết sức may mắn. Cùng với 3 công dân Nga khác hoạt động gián điệp cho Mỹ - Anh, Skripal được trao đổi với 10 điệp viên Nga nằm vùng bị lộ ở Mỹ.
Đại tá quân báo Sergei Skripal và con gái Julia Skripal. Ảnh: tư liệu |
Giải thích hành động quyết liệt của Thủ tướng Anh nhắm vào nước Nga, PGS Muraviev chia sẻ: "Nếu cơ quan tình báo Anh không bảo vệ người của mình thì ai dám tin tưởng mà cộng tác nữa?". Theo ông, đó là lý do Anh làm dữ với Nga dù chứng cứ - chất kịch độc Novichok - chưa rõ ràng và gây tranh cãi. Ví dụ, Skripal đã bị tấn công ra sao, nhiễm độc lúc nào? Có tin cho rằng Julia - 33 tuổi, con gái ông Skripal - đã vô tình gây hại cho cha với một món quà từ Nga.
Sao bây giờ mới ra tay?
Nga hoàn toàn có lý do để thanh toán điệp viên hai mang Skripal, theo nhận định của PGS Muraviev. Ông ta là một kẻ phản quốc, cơ quan an ninh Nga chưa bao giờ tha thứ cho loại người này. Thế nhưng, tại sao không giết Skripal ngay trong tù (ông ta từng ở tù 3 năm ở Nga) mà đợi đến 8 năm sau mới ra tay?
Có không ít người Nga bị chính quyền Moscow kết tội phản quốc đã đào thoát sang các nước phương Tây, hiện sinh sống tương đối yên ổn ở Anh và Mỹ nên hiện chưa rõ tại sao Skripal bị mưu sát. PGS Muraviev đã đưa ra một giả thuyết: "Có thể vì Skripal tiếp tục tiết lộ những thông tin nhạy cảm chống lại Nga nên đã tự hại mình".
Nếu đó là lý do xác thực thì ai ra tay sát hại Skripal? Ngoại trưởng Anh Johson nói thẳng đó là chính phủ Nga bởi năm 2006, một vụ hạ độc y hệt đã xảy ra mà nạn nhân là Alexander Litvinenko, cựu nhân viên Cục An ninh Quốc gia Nga (FSB). Theo PGS Muraviev, chỉ có thể là Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) làm việc này chứ không phải FSB. Việc chuẩn bị người cũng như kế hoạch hành động rất công phu và người chủ mưu vụ này chắc chắn đã lường trước hậu quả.
Không dại bắn vào chân mình
Cuối cuộc phỏng vấn, PGS Muraviev tuyên bố ông không tin chính quyền Moscow đứng đằng sau vụ mưu sát, vì hai lý do.
Thứ nhất, dưới góc độ chính trị, vụ mưu sát này rất có hại cho Nga, trước mắt là World Cup sắp diễn ra. Giải bóng đá này có thể bị ảnh hưởng xấu nếu Anh tẩy chay. "Anh vốn là cái nôi của bóng đá. Nếu Anh trả đũa bằng cách cấm đội tuyển tham gia và kêu gọi người hâm mộ bóng đá tẩy chay thì tác động rất tiêu cực đến World Cup" - PGS Muraviev nhấn mạnh.
Thứ hai, cử tri Nga đi bầu tổng thống vào ngày 18-3 và ông Putin dẫn đầu rất xa. Dư luận trong nước sẽ nghĩ như thế nào nếu Moscow ra lệnh giết người ở nước ngoài vào thời điểm hết sức nhạy cảm như vậy? Tóm lại, theo PGS Muraviev, Moscow không dại gì tự bắn vào chân mình lúc này.
Ông Gennedy Gudko - một chính khách Nga chống ông Putin, từng công tác ở bộ phận phản gián của Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) từ năm 1982 đến 1993 - cũng không tin Moscow hạ lệnh giết cựu điệp viên Skripal. Phát biểu trên nhật báo Anh The Independent, ông nhận xét: "Dù không ưa gì ông Putin, tôi vẫn không nghĩ như thế. Nếu muốn, họ đã làm khi Skripal còn ngồi trong tù - một cái chết không ai hay biết. Thật phi lý nếu Moscow làm chuyện ấy lúc này".
Theo ông Gudkov, thủ phạm vụ án hạ độc phức tạp này có thể là một số người ở Nga bị mất nhiều quyền lợi khi ông Skripal lộ diện làm nội gián cho Cục Phản gián Anh (MI 6), như mất đường làm ăn, mất chức quyền... Tóm lại, đây là một vụ trả thù riêng lẻ, không dính líu đến chính quyền ở cấp cao nhất.
Mục tiêu là cô con gái? Tạp chí Anh The Sun dẫn lời bà Victoria Skripal (45 tuổi, ở TP Yaroslavl - Đông Bắc Moscow), cháu ruột cựu điệp viên hai mang Nga, cho rằng Julia rất có thể là đích nhắm của bà mẹ chồng chưa cưới của cô tại Nga. Bà này, sau khi nghe con trai tuyên bố sắp cưới Julia, đã nổi giận vì cha vợ tương lai của anh ta là một sĩ quan quân báo phản quốc. Bà không muốn con trai dính líu đến một gia đình có quá khứ bất hảo. Bà Victoria lập luận: "Bà ấy không chấp nhận Julia vì đó là con gái của một kẻ phản quốc, mà cha nào thì con nấy. Cách hành xử của phụ nữ xưa nay là vậy, thích dùng chất độc vì đó là cách "trả thù đẹp" đối với kẻ phản quốc". Theo bà Victoria, Julia từ Moscow đến Salisbury - Anh thăm cha để xoa dịu nỗi đau mất người thân (Sacha, con trai lớn của ông Skriptal) nhân dịp sinh nhật anh này (1-3). Chất độc có thể đã được giấu trong một món quà mà Julia mang từ Moscow sang tặng cha. Giả thuyết của bà Victoria trùng khớp với một giả thuyết rằng Skripal bị phơi nhiễm chất độc giấu trong túi xách của cô con gái. Tuy nhiên, các nhà bình luận Anh cho rằng đây chỉ là một trong các thuyết âm mưu đang lan tràn xung quanh vụ giết người bằng chất kịch độc bí ẩn khiến cha con nhà Skripal lâm vào cảnh thập tử nhất sinh. |
Kỳ tới: Moscow phản đòn
Anh muốn các nước châu Âu trục xuất nhân viên ngoại giao Nga Thủ tướng Anh có kế hoạch kêu gọi đồng minh thể hiện hành động phản đối Nga sau vụ cựu điệp viên hai mang Sergei ... |
Moscow: Cựu gián điệp Skripal đã hết giá trị, vì sao Nga phải đầu độc? Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố cựu gián điệp 2 mang Sergei Skripal đã không còn giá trị gì với Nga sau ... |
Nguyễn Cao
Ngày đăng: 00:30 | 24/03/2018
/ nld.com.vn