Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hàng năm hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích bãi thải xỉ lên đến hơn 700ha.
Một góc nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh |
Đó là số liệu được đưa ra tại hội thảo khoa học “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức ngày 3/10, tại TP Cần Thơ.
Hứng chịu hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao trên năm
Tham dự buổi hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Bộ Công thương; đại diện Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo báo cáo ở Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than (NĐT) đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hàng năm hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án NĐT đi vào hoạt động (đang trong quá trình xây dựng) và tổng công suất lắp đặt NĐT là 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.
Tại khu vực ĐBSCL hiện có 3 cụm nhiệt điện bao gồm: nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Long Phú và nhiệt điện Sông Hậu, chỉ riêng các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I, III hàng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ. Dự kiến đến năm 2020 cả ĐBSCL sẽ có thêm sẽ có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1,2; Sông Hậu 1,2; Duyên Hải III mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505MW, mỗi năm thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.
Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Trong bối cảnh của nước ta, khi việc khai thác tiềm năng các loại năng lượng khác phục vụ sản xuất điện như thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn, trong khi việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý thì việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, việc phát triển nhiệt điện than phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Vấn đề tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy NĐT thời gian qua đang là thách thức đối với việc phát triển bền vững NĐT do thiếu các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp và cần phải khẳng định rõ ràng là tro xỉ từ các nhà máy NĐT không phải là chất thải nguy hại. Việc tổ chức hội thảo khoa học nhằm thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực ĐBSCL theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao FGD của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Sau hai năm thực hiện Quyết định 1696 việc xử lý tro, xỉ, thạch cao đã đạt được một số kết quả nhất định. Để tăng cường xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, năm 2016 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 163/VPCP-TH giao Bộ Xây dựng xây dựng đề án Đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng đề án và ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Tái sử dụng tro, xỉ... vào lĩnh vực xây dựng
Ông Bùi Phạm Khánh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “trong thời gian qua, trước thực trạng phát thải một lượng lớn tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón hóa chất, Chính phủ đã giao nhiệm cho Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng vào các công trình xây dựng; sử dụng tro, xỉ sản xuất vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung.
Lượng tro, xỉ thải ra này sẽ là thách thức rất lớn đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của địa phương nơi có nhà máy nhiệt điện nói riêng, nguy cơ các nhà máy không có đủ bãi chứa tro, xỉ tác động xấu đến môi trường sống. Do đó, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng một lượng lớn tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ, cũng như các Bộ, ngành, các địa phương nơi có nhà máy điện than, đặc biệt đối các doanh nghiệp sản xuất điện than”.
Hiện, một số loại VLXD được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện hiện đang được nghiên cứu hoặc ứng dụng tại Việt Nam gồm: sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp...Việc sử dụng VLXD thay thế trong đầu tư xây dựng tại khu vực ĐBSCL là tập trung phát triển sản xuất và sử dụng VLXD từ tro, xỉ đối với vật liệu xây không nung và vật liệu san lấp, gia cố nền trong xây dựng giao thông.
Xuất phát từ thực tế hiện nay các công trình giao thông, công trình đường bộ tại khu vực ĐBSCL đã phải nhập cát từ Campuchia với giá rất cao; công tác sản xuất xi măng mặc dù được đầu tư rất tốt, nhưng chi phí cho chất liên kết này còn cao. Thêm vào đó, có rất nhiều khu vực có địa chất rất yếu, đặc biệt là các tuyến đi qua khu vực đồng bằng ngập nước, các khu vực hồ ao. Khi đó chi phí cho việc xử lý, gia cố nền đất bằng các chất liên kết vô cơ cũng vô cùng tốn kém. Điều đó mở ra một thị trường mới cho tro xỉ, với các hình thức sử dụng phong phú và chắc chắn là khối lượng tiêu thụ rất lớn.
Tại hội thảo, đại diện các bộ ngành, các Công ty chuyên về vật liệu xây dựng đã trình bày những tham luận nêu bật tác dụng của tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện trong với ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó cũng nêu lên những khó khăn vướng mắc trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
(http://baophapluat.vn/chinh-sach/tai-che-phu-pham-tu-nha-may-nhiet-dien-phuc-vu-trong-linh-vuc-xay-dung-358678.html)
Sẽ xóa sổ dự án nhiệt điện tỷ đô của Tập đoàn Tân Tạo?
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về vấn đề ... |
Nạo vét cảng nhiệt điện Vĩnh Tân: Đề xuất 3 giai đoạn
Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 361/TB-VPCP ngày 16/8 mới đây, Bộ Công Thương đã ... |
Nhiệt điện Vĩnh Tân tuyển lao động ngoại: Tại sao?
Liệu Bình Thuận có bảo đảm rằng lao động nước ngoài được tuyển là các chuyên gia Việt Nam không thể đào tạo được hay đó chỉ là lao động phổ thông? |
Ngày đăng: 09:36 | 04/10/2017
/ Theo Mai Trinh/Báo Pháp luật Việt Nam