Ông Ngô Mạnh Tuấn cho rằng ý kiến cho các phương tiện đi vào đường dành cho buýt nhanh BRT là của một đơn vị chuyên môn.
Chiều 6/3, tại giao ban báo chí thành uỷ Hà Nội, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn khẳng định: "Chỉ đạo của thành phố tuyến BRT là tuyến riêng, không có tuyến buýt nào đi chung vào đây cả".
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn (ngoài cùng bên trái) tại cuộc họp chiều 6/3. Ảnh: Võ Hải. |
Theo ông Tuấn, đề xuất cho một số phương tiện đi vào làn đường ưu tiên xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được một đơn vị chuyên môn thuộc Sở đưa ra tại một cuộc đàm thoại. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Giao thông cho rằng, đến thời điểm này quan điểm của thành phố không cho phương tiện nào đi vào làn đường của BRT.
Liên quan đến việc mở tuyến BRT số 2 (Kim Mã - Láng - Hoà Lạc), ông Tuấn thông tin, thành phố đã có chủ trương triển khai và thời gian qua các đơn vị liên quan đã khảo sát. Nhưng thành phố đang triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Láng - Hoà Lạc) nên việc mở tuyến BRT sẽ bị trùng. Trước mắt, thành phố đã mở tuyến buýt thường từ Kim Mã lên khu công nghệ cao Hoà Lạc và làng văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Sở Giao thông Hà Nội khẳng định chưa có chủ trương cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT. Ảnh minh hoạ: Bá Đô. |
Tại cuộc họp, phóng viên cũng hỏi về kết quả thanh tra gói thầu mua 35 xe BRT, trị giá mỗi xe trên 5 tỷ đồng, tuy nhiên Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội không trả lời.
Cuối tháng 2, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Hà Nội) đề xuất các tuyến buýt thường được đi vào làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h hôm sau.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị hay, ban đêm làn BRT vắng vẻ nên vẫn có nhiều phương tiện đi vào và bị phạt. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân, cơ quan này đã đề xuất cho phép các phương tiện đi vào làn BRT ban đêm.
Về đề xuất cho xe buýt thường đi vào làn BRT ban ngày, ông Hải giải thích, trên tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa có 5-6 tuyến buýt gom, chạy chung đường từ vài trăm mét đến 2 km và thường bị ùn tắc tại các nút giao thông khi xe buýt không kịp chuyển hướng. Do đó, việc cho xe buýt thường vào làn BRT sẽ giúp phương tiện này thoát ra nhanh hơn tại các nút giao mà không ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt nhanh, vì đoạn chạy chung đường không dài.
Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017. Theo đơn vị quản lý buýt nhanh, sau hơn 3 tháng vận hành, loại hình vận tải này có bình quân 41,1 hành khách mỗi lượt; 13.600 hành khách mỗi ngày. Ngày cao nhất, xe buýt nhanh vận chuyển 17.400 lượt hành khách. Tuyến buýt nhanh này có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng). Giá mỗi chiếc xe buýt để lăn bánh trị giá hơn 5 tỷ đồng. |
Lý do Hà Nội dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT thứ 2
TP Hà Nội chính thức tạm dừng triển khai dự án xây dựng tuyến buýt nhanh số 02 dài hơn 30km từ bến xe Kim ... |
Cho các phương tiện khác "chung làn" buýt nhanh là sự thất bại của BRT
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đề xuất thành phố Hà Nội cho phép ... |
Ngày đăng: 07:34 | 07/03/2018
/ VnExpress