Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi. Theo dự thảo, Bộ sẽ bãi bỏ Liên hoan giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ còn công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh đồng thời cải cách mạnh để các cuộc thi trên không còn là hình thức và bệnh thành tích.

Nhiều năm qua, dự luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về những cuộc thi “giáo viên giỏi”. Sự việc diễn ra hồi đầu năm khi câu chuyện “Giáo viên thi dạy giỏi, học sinh kém không được vào lớp” xảy ra ở Hải Phòng đã gây bức xúc bởi không thực chất. Đã đến lúc bỏ thi giáo viên giỏi hay chưa? Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo  đang soạn thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Cù Thị Thủy - Phó trưởng phòng, phụ trách phòng Phát triển đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên Ban soạn thảo Thông tư đã có những trao đổi cùng Lao Động về vấn đề này.

   Bà Cù Thị Thủy - Phó trưởng phòng, phụ trách phòng Phát triển đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục

- Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, phải chăng những cuộc thi, hội thi giáo viên giỏi chính thức được bãi bỏ trong năm học tới?

Phải thừa nhận rằng, quá trình thực hiện, triển khai hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi vẫn còn có một số ít giáo viên tham gia thi nhưng thực chất là “diễn”, tạo dư luận không tốt trong phụ huynh và xã hội. Cụ thể là có một số cơ sở giáo dục phổ thông cử, thậm chí “ép” giáo viên tham dự thi vì thành tích tập thể; bài kiểm tra năng lực gây áp lực cho giáo viên; nhiều sáng kiến kinh nghiệm chỉ là hình thức, sao chép hoặc kém chất lượng; nội dung thi giáo viên chủ nhiệm giỏi có hình thức thi kể chuyện không phù hợp với nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm.

Có tình trạng tập dượt nhiều trên lớp, chỉ chọn học sinh khá tốt để thi thực hành giảng dạy, chuẩn bị trước kịch bản bài giảng cho học sinh luyện tập... làm ảnh hưởng đến mục đích chính của cuộc thi.

Việc tổ chức thực hiện ở một vài địa phương còn có biểu hiện của “bệnh thành tích”, chưa thực sự đúng mục đích của Hội thi như không giữ nguyên trạng số lượng học sinh tại lớp thực hành thao giảng...

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận toàn bộ hiệu quả của hoạt động này, vì qua hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi vẫn có những mặt tích cực đáng ghi nhận. Nghề nghiệp giáo viên cũng như các ngành nghề khác, rất cần có các hoạt động chuyên môn, qua các hoạt động chuyên môn như hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đã chọn được những giáo viên có năng lực, để từ đó tạo nên một đội ngũ giáo viên cốt cán trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và đổi mới giáo dục.

Đồng thời, qua hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tạo nên khí thế thi đua, tạo ra "sân chơi” lành mạnh để những giáo viên dạy giỏi thật (đã được tôn vinh) tâm huyết chia sẻ/truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp tham khảo, học tập. Theo đó, tạo phong trào thi đua dạy tốt.

Do vậy, chủ trương là vẫn duy trì việc công nhận giáo viên giỏi nhưng cách thức gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Với tinh thần này, Ban soạn thảo đang rà soát kỹ việc công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi nhằm giảm tải công việc cho giáo viên nhưng vẫn giữ được việc giáo viên tham gia hoạt động nghề nghiệp: giảng dạy, giáo dục để nâng cao tay nghề, để đảm bảo công nhận được giáo viên giỏi thực chất, tạo được động lực chứ không phải là áp lực cho giáo viên.

- Nếu không bỏ các cuộc thi, thì Thông tư này có những thay đổi nào so với trước kia?

Ban soạn thảo đề xuất xây dựng Thông tư mới quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với những điểm đáng chú ý:

Thứ nhất: Bãi bỏ hết các bất cập đã nêu trên, bỏ Liên hoan giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ còn công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.

Thứ hai, về điều kiện công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh: Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mức khá (giáo viên dạy giỏi thì yêu cầu tiêu chí chuyên môn phải ở mức tốt; đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì tiêu chí về giáo dục đạt mức tốt).

Thứ ba, về phần thi: Đối với giáo viên dạy giỏi: Thực hành một hoạt động chơi - tập (đối với giáo viên nhà trẻ), một hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hành dạy học một tiết dạy (đối với giáo viên phổ thông) theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi;

Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi: Thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm tổng hợp) trong kế hoạch giáo dục của trường và của giáo viên tại thời điểm diễn ra Hội thi.

Giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy/hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 3 ngày trước thời điểm thi dạy và được tổ chức tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp.  Không được dạy thử/thực hành tiết học/hoạt động tham gia hội thi ở bất cứ đâu trong năm học tổ chức hội thi, đồng thời là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức cho học sinh tại lớp học đó. Và trình bày một báo cáo chuyên đề trước Ban giám khảo, thời lượng không quá 30 phút, thể hiện biện pháp đã thực hiện có hiệu quả nhất trong hoạt động dạy học/giáo dục học sinh của cá nhân tại cơ sở giáo dục mà giáo viên đang công tác. Chuyên đề báo cáo phải là lần đầu tiên tham gia hội thi, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó.

- Điều gì sẽ đảm bảo những Hội thi giáo viên giỏi không còn là nơi ”diễn” hay vẫn là hình thức, thành tích?

Dự thảo quy định các cuộc thi này phải dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong Hội thi. Nghiêm cấm tổ chức Hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành; nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân giáo viên để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.

 

Cần tạo cơ hội để giáo viên phấn đấu, rèn luyện và trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.  Ngoài việc, dự giờ lên lớp và báo cáo biện pháp giảng dạy/giáo dục đã thực hiện có hiệu quả tạicơ sở giáo dục công tác, cần có bộ công cụ đánh giá khách quan, thực chất năng lực của giáo viên cả về phẩm chất, đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ trong một quá trình, đó là Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

 

Đặc biệt, như trên đã trao đổi ở trên, đối với việc chuẩn bị cho tiết dạy/hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 3 ngày trước thời điểm thi dạy và được tổ chức tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp.  

Không được dạy thử/thực hành tiết học/hoạt động tham gia hội thi ở bất cứ đâu trong năm học tổ chức hội thi, đồng thời là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức cho học sinh tại lớp học đó, tiết học/hoạt động được thực hiện theo đúng kế hoạch giảng dạy của nhà trường tại thời điểm diễn ra Hội thi thì việc ”diễn” rất khó hiện diện trong tiết học/hoạt động của giáo viên tham gia Hội thi.

Ngoài ra dự thảo giao quyền tự chủ cho địa phương về quy định số lượng giáo viên tham gia Hội thi các cấp do Trưởng ban tổ chức Hội thi quyết định căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và ngân sách của địa phương hàng năm; kể cả thời gian và địa điểm tổ chức Hội thi sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở.

Điều này có nghĩa là các cấp quản lý giáo dục tại cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình, không thể đổ lỗi do văn bản, cơ bản nhất vẫn là con người thực thi, minh bạch. Tuy nhiên, việc giao trách nhiệm đồng hành với nghĩa vụ như trên là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn phân quyền, nhiêm vụ quản lý giáo dục hiện nay.

Đặc biệt là đơn giản hóa cách điều hành toàn bộ các hoạt động của Hội thi, ra quyết định thành lập Ban Giám khảo và các ban, tiểu ban phục vụ Hội thi (nếu cần thiết). Các ban và tiểu ban làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban Tổ chức.

Việc sử dụng kết quả Hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên. Các cơ quan quản lý giáo dục địa phương theo thẩm quyền quản lý tổ chức sinh hoạt chuyên môn trên địa bàn thông qua việc giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi báo cáo tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục tham dự Hội thi nhằm lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm dạy tốt.

Làm được như vậy mới đánh giá được cả quá trình giảng dạy, giáo dục trẻ em hay học sinh của Ggia1o viên và việc công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi mới xác thực và công bằng, không tiêu cực.

- Xin cảm ơn bà

Lớp 42/43 học sinh giỏi: Phủ nhận bệnh thành tích
Khen ảo, bệnh thành tích còn tồn tại đến bao giờ?
Đừng để bệnh thành tích lây sang hàng xóm!

Ngày đăng: 15:21 | 28/08/2019

/ laodong.vn