Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019, trong đó có tình hình biển Đông vào sáng nay 28/10.
Báo cáo nêu trên do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày. Nội dung này được Quốc hội họp riêng từ 10h30 đến trưa.
Dù nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 24/10, nhưng nhiều đại biểu vẫn trăn trở trước phiên họp. "Phiên họp này rất quan trọng. Không chỉ tôi mà nhiều đại biểu đều mong đợi có thông tin cập nhật, chính xác về vấn đề này để nắm bắt tình hình và báo cáo lại cử tri", đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh; Trung tâm báo chí Quốc hội |
Ông Trí khẳng định ủng hộ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, đồng thời cho biết thêm "tôi và nhiều cử tri có nguyện vọng Quốc hội sẽ ra nghị quyết về tình hình biển Đông".
Đại biểu Dương Trung Quốc nhìn nhận, ứng phó với những hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là "bài toán rất khó". Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận giữa Nhà nước và người dân.
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phong |
"Giữ gìn hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc là quan trọng. Nhưng tôi mong muốn Quốc hội thể hiện thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông", ông Quốc nói và cũng ủng hộ đề xuất Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông.
Chung trăn trở về tình hình biển Đông, ông Nguyễn Hải Hưng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh chỉ rõ, việc Trung Quốc nhiều lần đưa nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam là một trong những biểu hiện cụ thể của tham vọng và âm mưu độc chiếm biển Đông lâu dài.
Do vậy, ông Hưng cho rằng đấu tranh giữ chủ quyền đòi hỏi phải xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn, đồng thời có kế sách cho từng giai đoạn. "Chúng ta cần hoà bình để phát triển kinh tế, nhưng phải đảm bảo giữ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ", ông Hưng nhấn mạnh.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội lần này đã đề cập đến tình hình biển Đông, "gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao".
"Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước", ông nêu rõ. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. |
Ngày đăng: 08:19 | 28/10/2019
/ vnexpress.net