Thể thao không phân biệt giàu nghèo, nhưng muốn chơi thì phải trả 200 nghìn thì có thể hiểu sân chơi này chỉ dành để phục vụ cho cán bộ xã và lãnh đạo doanh nghiệp.

Bảo tàng 11.000 tỉ đồng: Xây hay dừng hẳn?
Công khai sai phạm

Cách đây vài năm, UBND xã Nhân Cơ (Đăk Nông)cho xây một sân quần vợt trị giá đến hơn 550 triệu đồng trong khuôn viên. Nhân Cơ, dù là địa bàn có nhiều doanh nghiệp hoạt động, vẫn được xếp loại là xã nghèo ở tỉnh Đăk Nông, một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. - Thể thao không phân biệt giàu nghèo, nhưng muốn chơi thì phải trả 200 nghìn thì có thể hiểu sân chơi này chỉ dành để phục vụ cho một số ít người cụ thể.

Tất nhiên, thể thao không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần đam mê. Sân quần vợt, cũng như sân bóng đá, có thể trở thành địa điểm công cộng cho người dân giải trí. Nhưng với chia sẻ rằng người dân nào muốn chơi thì phải trả 200 nghìn tiền “sân, nước”, có thể hiểu sân quần này chỉ nhằm phục vụ cho một số cá nhân đặc biệt.

Một công trình không mang tính cộng đồng nhưng lại nằm ở ngay khuôn viên của xã, nhất là khi công trình được doanh nghiệp tài trợ phần lớn kinh phí dễ dẫn đến chuyện nhập nhằng giữa quan hệ công – tư.

Sân tennis giá hơn nửa tỷ đồng.

Cái sân tennis 550 triệu đồng sẽ đập vào mắt bất cứ người dân nào có việc phải lại qua cơ quan công quyền. Nó sẽ đứng sừng sững không chỉ phía sau trụ sở uỷ ban, mà ngay ở trong tâm trí của người dân. Họ sẽ nghĩ sao khi có tranh chấp hay khiếu nại doanh nghiệp nào đó trong vùng, và đến “cửa quan” để “đáo tụng đình”?

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào khi hỗ trợ địa phương cũng mưu đồ tư lợi. Nhưng khi gắn liền với trách nhiệm công cán, sẽ rất khó để rạch ròi. Ai sẽ làm chứng cho việc một doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn góp tiền xây sân chơi quần chỉ nhằm giúp cán bộ củng cố thể lực để phụng sự việc công mà không có mong muốn được ưu đãi gì? Và nếu thật sự họ không mong được ưu tiên, thì việc biếu tặng như vậy cũng sẽ làm khó cho chính quyền vì các cụ xưa đã đúc kết rằng, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”?

Đó chính là lý do vì sao nguyên tắc quản trị công luôn đề cao việc ngăn chặn những nguy cơ gây xung đột lợi ích giữa các bên. Việc doanh nghiệp hay cá nhân tặng quà chính quyền phải được kiểm soát, cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Từ đầu năm, nhận thấy nguy cơ của những mối quan hệ thân hữu như vậy, thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không được phép nhận quà, tài sản có giá trị do doanh nghiệp tặng.

Theo đó, Thành uỷ Tp. Đà Nẵng cũng đã trả lại chiếc xe trị giá 2,5 tỷ đồng mà một doanh nghiệp tặng. Trước đó, UBND Cà Mau cũng trả lại 2 chiếc ôtô Lexus mà doanh nghiệp biếu tặng. Những chỉ đạo và hành động hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng như vậy cho thấy sự nghiêm túc của chính quyền trung ương và cấp tỉnh trong việc xây dựng một bộ máy nhà nước thực sự công bằng và liêm chính.

Hơn nữa, khi cái sân tennis sừng sừng ở một xã nghèo, người dân có thể sẽ không quan tâm đến việc quy trình có đúng hay không, nhưng hình ảnh các cán bộ chơi tennis đều đặn mỗi chiều sẽ tạo ra bức tranh tương phản với sự bươn chải, lam lũ của người dân tại xã đó.

Xa rời quần chúng là một trong những biểu hiện suy thoái, “tự chuyển hoá” mà Đảng nhận diện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII ban hành cuối năm ngoái. Một số địa phương có thể sẽ phấn khởi vì có cái sân tennis hơn 500 triệu đồng mà không phải dùng tới tiền ngân sách để cho nhân viên rèn luyện sức khỏe, nhưng các cụ nói rồi, xin một lần nữa được nhắc lại, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”.

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/san-tennis-khong-mat-tien-ngan-sach-nhung-long-tin-va-uy-tin-thi-sao-397282.html

Ngày đăng: 10:07 | 12/09/2017

/ Vietnamnet