"Đây là một bài học đắt giá đối với ngành giáo dục, do vậy cần phải xử lý thật nghiêm, tránh tình trạng này tiếp tục tái diễn"
Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) vừa thông báo kết luận thanh tra về những sai phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ trình độ đại học của Trường Đại học Điện lực, Hà Nội.
Đáng chú ý, kết luận nêu rõ, kiểm tra ngẫu nhiên danh sách 222 sinh viên trúng tuyển ngành điện công nghiệp và dân dụng năm 2013 cho thấy có 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, 7 sinh viên không có dữ liệu xét tuyển.
Không những thế, trong công tác tuyển sinh năm 2013, trường tuyển sinh trình độ đại học chính quy vượt chỉ tiêu Bộ GD-ĐT thông báo là 43,4%, năm 2014 vượt chỉ tiêu là 12,2%. Trường tiếp nhận sinh viên chuyển trường năm thứ nhất, sinh viên chuyển trường không cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học.
Trường Đại học Điện lực. |
Chia sẻ với Đất Việt trước thông tin trên, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn tỏ ra hết sức bất ngờ. Theo ông, việc thanh tra Bộ Giáo dục kiểm tra ngẫu nhiên 222 sinh viên trúng tuyển và phát hiện ra 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn là một con số ngoài sức tưởng tượng.
"Kiểm tra ngẫu nhiên nhưng phát hiện tới hơn 60% số sinh viên dưới điểm chuẩn chứng tỏ đã có việc tuyển sinh một cách bất chấp. Tương tự như trường hợp của Đại học Đông Đô, tuyển sinh sinh viên dưới chuẩn nhằm mục đích thu tiền rồi chia chác, phục vụ cho một nhóm lợi ích. Đây cũng là một hình thức tham ô trong ngành giáo dục", ông Phố nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Phố, sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo tại trường Đại học Điện lực cần được thanh tra một cách toàn diện. Vị chuyên gia không loại trừ khả năng, có thể trong số những sinh viên có số điểm dưới chuẩn được trường tuyển sinh, có cả những người là con của công chức, viên chức, những người đang làm một số vị trí quản lý.
"Đây là một bài học đắt giá đối với ngành giáo dục, do vậy cần phải xử lý thật nghiêm, tránh tình trạng này tiếp tục tái diễn. Nếu xử lý cho qua chuyện sẽ tạo thành tiền lệ xấu cho các trường khác học theo, tuyển sinh một cách tràn lan để thu tiền, trong khi điều quan trọng nhất là cải thiện chất lượng đào tạo lại không được quan tâm.
Khi mà chất lượng đầu vào không được đảm bảo, làm không nghiêm túc thì làm sao có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra của sinh viên? Trong khi đây chính là nguồn lao động tương lai của đất nước.
Ngay cả khi tuyển sinh nghiêm túc, sinh viên Việt Nam ra trường cũng còn thiếu rất nhiều kỹ năng, thậm chí là thụ động, vậy tuyển sinh đầu vào không được siết chặt thì trong tương lai chất lượng lao động của Việt Nam sẽ đi đến đâu?", ông Phố trăn trở.
GS.TSKH Phạm Phố đồng tình với quan điểm, ngành giáo dục nên có một cuộc thanh tra tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Trên cơ sở đó, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế tuyển sinh, đào tạo, làm sạch môi trường giáo dục.
Loạt sai phạm khác
Ngoài những sai phạm kể trên, thanh tra Bộ Giáo dục còn chỉ rõ, trong công tác tổ chức, quản lý đào tạo, quy định đào tạo của trường trong việc sinh viên học dự thính là trái với Quy chế đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ, quy trình tổ chức thi kết thúc học phần không quy định rõ địa điểm chấm thi tự luận.
Cùng với đó, trước học kỳ 2 năm học 2017-2018, Trường ĐH Điện lực không chấm thi tập trung, cán bộ chấm thi nhận túi bài đã rọc phách từ giáo vụ khoa/bộ môn và đưa về chấm.
Từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, tổ chức chấm chung do phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng chủ trì nhưng công tác quản lý thiếu chặt chẽ, còn để xảy ra hiện tượng sửa điểm bài thi, người không có nhiệm vụ và sinh viên vào phòng chấm thi, có nhiều bài thi được nâng điểm hoặc sửa điểm hoặc đánh dấu bài.
Ngoài ra, việc quản lý văn bằng, mẫu phôi văn bằng của trường cũng chưa thực hiện đúng quy định.
Từ những thiếu sót, sai phạm nêu trên, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị Trường ĐH Điện lực có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, sai phạm.
Cụ thể rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của trường, gồm quy định về đào tạo, quy định về ra đề coi, chấm thi; quy chế quản lý văn bằng chứng chỉ. Đồng thời rà soát toàn bộ điểm đầu vào của sinh viên đại học chính quy năm 2013 và 2014 tất cả các ngành đào tạo của trường.
Bên cạnh đó, lập danh sách sinh viên có điểm trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, danh sách sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội của từng địa phương, danh sách sinh viên chuyển trường được trường tiếp nhận không đúng quy định…
Đặc biệt rà soát, đánh giá quá trình đào tạo và kết quả đào tạo của từng sinh viên có bài thi được nâng điểm, sửa điểm, xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của quy chế đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ, gửi về Vụ Giáo dục đại học và Thanh tra Bộ GD-ĐT trước 30/11/2019.
Đồng thời thực hiện in, quản lý phôi văn bằng theo đúng quy định; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm (nếu có) của tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm nêu.
Vụ 9 người trốn ở lại Hàn Quốc, Bộ KH-ĐT không bao che nếu nội bộ sai phạm Liên quan vụ 9 người trốn ở lại Hàn Quốc, Bộ KH-ĐT chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài rà soát, rút kinh nghiệm và ... |
Xi măng và xây dựng Quảng Ninh bị cưỡng chế hơn 14 tỷ đồng do sai phạm thuế CTCP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh (QNC- HNX) vừa bị cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế do QNC nợ tiền thuế, ... |
Sai phạm tại các dự án của Alibaba: Vì sao khách hàng dễ dàng sa vào bẫy? Trên thực tế, chưa có bất kỳ dự án nào mà Cty cổ phần địa ốc Alibaba (viết tắt Alibaba), giới thiệu là dự án ... |
Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng, chứng chỉ chớp nhoáng như thế nào? Chỉ cần đóng từ 29-35 triệu đồng, học viên sẽ được cấp văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô trong chớp nhoáng mà không ... |
Hoàng An
Ngày đăng: 07:39 | 01/10/2019
/ baodatviet.vn