Chuyên gia quy hoạch và kiến trúc Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP đã quá nóng vội khi thông qua chủ trường đầu tư nhà hát 1500 tỷ đồng.
Trao đổi thẳng thắn với VietNamNet hôm nay, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho biết, quan điểm cá nhân ông không phản đối việc TP xây dựng nhà hát mang tầm cỡ quốc tế nhưng xây dựng trong thời điểm hiện nay là không phù hợp.
Nhà hát Opera Sydney (Úc)
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tổng kinh phí dự trù hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP (nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1- PV) để làm nhà hát là số tiền không phải ít. Ông cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả, mức độ cấp thiết của công trình đã được tính đến chưa.
“Như tôi biết, hiện nay TP đang gặp khó khăn trong nguồn vốn từ ngân sách. Trong khi đó, nhiều dự án dân sinh cấp thiết hàng đầu như xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, các dự án chống ngập đang thiếu vốn trầm trọng, chưa kể y tế, giáo dục…nhiều nơi còn thiếu, chưa đạt chuẩn”- ông Sơn thẳng thắn.
Qua đó, vị chuyên gia quy hoạch cho rằng, TP đã quá nóng vội khi thông qua chủ trương đầu tư dự án công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch. Hiện công năng, hiệu quả của nhiều nhà hát tại TP vẫn chưa khai thác hết và các công trình xuống cấp có thể cải tạo, nâng cấp được.
“TP hiện nay chưa có một nhà hát nào đạt chuẩn quốc tế. Việc xây dựng nhà hát tầm cỡ là cần nhưng chưa nhất thiết phải làm sớm, làm gấp như vậy”- ông Sơn nhấn mạnh.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, quy mô nhà hát 1.700 chỗ ở một khu đất hẹp là không đúng tầm với TP.HCM. Theo ông, đô thị lớn như TP.HCM cần diện tích từ 2-3 ha trở lên, tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật biểu diễn. Nên chăng, TP cần cân nhắc lại quy hoạch để có quần thể nhà hát đa năng.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, vị trí được đề xuất xây dựng nhà hát tọa lạc ở khu đô thị Thủ Thiêm, hiện nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, tính hiệu quả sẽ chưa cao.
“Tôi nghĩ, việc cần thiết bây giờ là TP nên đầu tư chỉnh trang dọc hai bờ sông Sài Gòn, phát triển đại lộ ven sông để nâng tầm phát triển khu đô thị Thủ Thiêm. Khi đô thị này phát triển ở một tầm cao mới, lúc đó việc xây dựng nhà hát tầm cỡ cũng không muộn.
Ngoài ra, khu đô thị Thủ Thiêm phát triển thì việc đầu tư nhà hát cũng dễ dàng vì có thể kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp chứ không nhất thiết phải sử dụng vốn từ ngân sách”- TS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất giải pháp.
Kẹt xe, ngập nước đang là vấn đề cấp thiết cần giải quyết tại đô thị lớn như TP.HCM
Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM) cho rằng, TP.HCM là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm.
"Tôi đồng ý với quan điểm, chủ trương của TP là cần có một công trình nghệ thuật tầm cỡ, là niềm mong ước bao nhiều năm để nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân TP "- TS Võ Kim Cương nhìn nhận.
Tuy nhiên, vị chuyên gia băn khoăn với điều kiện ngân sách hiện nay, việc chi hơn 1.500 tỷ đồng để xây nhà hát là chưa cần thiết và nên dành cho các công trình xây dựng phục vụ đời sống dân sinh người dân TP như chống ngập, chống tắc nghẽn giao thông.
Ngoài ra, có thể huy động nguồn vốn từ xã hội hóa thay vì phải sử dụng nguồn vốn từ ngân sách như hiện nay.
Hôm qua, HĐND TP.HCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 10 (bất thường) để thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án công nhóm A với công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch. Dự án với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao. Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, bởi TP.HCM là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm. Dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giá trị mang nét đặc trung.
Tuấn Kiệt
Nhà hát nghìn tỷ
Tôi luôn tin đô thị có linh hồn của riêng nó. Và những công trình biểu tượng dành cho công chúng là một phần của ... |
Nhà hát 1.508 tỷ vì dân: Sao không lấy ý kiến dân?
Nhu cầu hưởng thu nhạc giao hưởng chưa phổ biến, dân nghèo không có điều kiện để thụ hưởng, vậy làm vì dân hay vì ... |
Số tiền xây Nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm từ đâu mà có?
Số tiền 1.500 tỷ đồng dùng để xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Quận 2 TP.HCM được trích từ ngân ... |
Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?
- Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM lên tiếng về chủ trương xây Nhà ... |
Tại sao không xây bệnh viện, trường học mà làm nhà hát 1.500 tỉ đồng?
Nhiều bạn trẻ tỏ ra bất ngờ trước tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, Nhà hát vũ kịch ở quận ... |
Ngày đăng: 11:05 | 10/10/2018
/