Thấy con gái ngồi máy tính suốt ngày, chỉ rời bàn phím lúc ăn cơm, ông bố kiểm tra và tá hỏa khi phát hiện con đang rất chủ quan khi giao tiếp với bạn bè trên mạng.
3 tháng con được nghỉ học ở nhà chống dịch, chị Nguyễn Thanh Hương (Long Biên, Hà Nội) có cơ hội dành thời gian cho cậu con trai nhiều hơn. Chị nói: ‘Chưa bao giờ nhịp sống lại chậm rãi đến như vậy’.
‘Khi có nhiều thời gian gần bên con, học cùng con, tôi mới chợt nhận ra con đã trưởng thành từ bao giờ không hay. Chỉ trong 3 tuần mà thằng bé đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác’.
Để tiện cho con học tập và giải trí, chị cũng mua cho cậu con trai đang học lớp 6 một chiếc máy tính bảng và cho phép sử dụng có giới hạn.
Bà mẹ 2 con cho biết, bình thường 2 vợ chồng chị đi làm cả ngày, chỉ có thời gian buổi tối là cả nhà được quây quần bên nhau. Nên chị biết là con sử dụng máy tính để học tập và giải trí, nhưng cũng không nắm rõ những việc con làm trên đó với bạn bè.
Thời gian ở nhà chống dịch, chị mới ngỡ ngàng phát hiện ra những ‘trò vui’ mà con có thể làm được.
‘Con biết ghi lại những đoạn phim để đăng lên YouTube, ví dụ như ghi lại hình ảnh con ‘đập hộp’ một món đồ chơi mới, rồi ‘livestream’ hướng dẫn lắp ghép những mẩu lego cũ thành tàu bay, tên lửa rồi bán đấu giá online… Con cũng học lập trình từ lúc nào không hay’.
Chị Hương bảo, nhờ có thời gian này mà chị phát hiện ra con mình đã rất ‘sành’ những món đồ công nghệ và biết sử dụng nó với mục đích khá lành mạnh.
|
|
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đằng sau những con chữ và bức ảnh trên mạng. Ảnh minh họa |
Trái với chị Hương, anh Vinh – một ông bố ở Hà Nội có cô con gái đang tuổi ‘teen’ lại vô cùng hốt hoảng khi phát hiện ra những mối nguy quanh việc học online, sử dụng Internet của con.
Anh Vinh cho biết, mấy tháng qua, giống như nhiều học sinh Hà Nội, cô con gái đang học lớp 9 của anh cũng tham gia học trực tuyến ngay tại nhà. Trước đó, anh thấy thời gian sử dụng máy tính của con không nhiều vì con đi học cả ngày.
‘Nhưng từ đợt nghỉ dịch, con bé suốt ngày cắm đầu vào máy tính. Chỉ khi nào đến bữa cơm mới đứng dậy’.
Thấy vậy, anh bắt đầu tìm hiểu và sát sao hơn với việc học trên mạng của con. ‘Tôi đọc những đoạn chat của con với các bạn qua ứng dụng thì thấy rất nhiều nội dung không liên quan đến việc học hành’.
Thậm chí, anh còn tá hỏa khi thấy con gái trao đổi qua lại ảnh chụp cơ thể với các bạn. ‘Những bức ảnh nhạy cảm mà tôi cho là không phù hợp ở lứa tuổi của con’.
Con gái anh có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh khá tốt nên các cuộc trò chuyện của con không chỉ dừng lại với bạn bè ở Việt Nam, mà còn một số mối quan hệ vượt ra khỏi biên giới.
‘Sau khi phát hiện ra chuyện này, tôi đã nói chuyện với con. Tất nhiên là con chối và nói theo quan điểm ở lứa tuổi của con, rằng bạn con ai cũng như thế… Tôi cũng biết, con không hiểu hết những phân tích, cảnh báo của bố nhưng con cũng đã hứa sẽ không gửi những bức ảnh như thế cho bạn bè nữa’.
Khi chia sẻ tình huống mà mình gặp phải cho các bậc phụ huynh khác để xin tư vấn, anh Vinh cũng nhận được sự đồng cảm của nhiều cha mẹ có con đang ở tuổi ‘nổi loạn’.
‘Một số phụ huynh chia sẻ với tôi rằng cách tốt nhất bây giờ là giám sát con chặt chẽ hơn, tuy nhiên con đã lớn nên cha mẹ cũng chỉ can thiệp đúng giới hạn, không thể can thiệp quá sâu, ảnh hưởng tới quyền riêng tư của con’.
Giống như chị Hương, anh Vinh, nhiều phụ huynh ở khu vực thành thị cho biết, khả năng tiếp cận và sử dụng mạng xã hội cũng như các thiết bị công nghệ của trẻ em ngày nay đang rất phổ biến và dễ dàng. Đi cùng với những lợi ích mang lại từ thế giới Internet phong phú, mạng xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị lợi dụng và xâm phạm quyền riêng tư, gây ra những tác hại khôn lường.
Theo khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng. 706.435 là số vụ báo cáo liên quan tới Việt Nam trong năm 2018 về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng - đứng thứ 2 trong ASEAN sau Indonesia - theo số liệu thống kê từ National Center for Missing and Exploited Children (NCMEC) của Mỹ.
Theo số liệu họp báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) vào năm 2016, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. Thống kê của Trung tâm Quốc gia về trẻ em bị bóc lột và mất tích (NMEC) trong 3 năm trở lại đây cũng cho thấy sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các vụ việc liên quan tới tài liệu xâm hại tình dục trẻ em tại khu vực Đông Nam Á.
Trước thực trạng này, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết chương trình hợp tác về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng. Mục đích của chương trình nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bình luận về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, trong khi những nguy cơ xâm hại tình dục, bóc lột lao động, trí tuệ… trên không gian mạng là không thể tránh khỏi thì ngược lại, việc sử dụng, giao tiếp trên không gian mạng là quyền hợp pháp của trẻ em.
Và nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là trang bị cho con em mình một thứ ‘vắc-xin’ để các em tự miễn dịch, phòng vệ khi có một chiếc ‘smart phone’ trong tay. Điều này đòi hỏi sự kiên trì của các bậc cha mẹ, tổ chức xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước.
Nguyễn Thảo
Phụ huynh rối bời vì học sinh đi học, nhưng không được ăn bán trú
Để thực hiện quy định giãn cách học sinh, phòng chống dịch COVID-19, các trường học đã bố trí lịch học luân phiên, chia ca ... |
Hơn 200 phụ huynh phản đối học phí online trường quốc tế
Phản đối Quốc tế Việt Úc thu học phí dạy online 20-40 triệu đồng thời gian xảy ra dịch Covid-19, hơn 200 phụ huynh kéo đến trường, sáng 5/5. |
Lớp học không điều hoà, phụ huynh lo con "nóng phát ốm"
Thời tiết trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường lên tới 35-36 độ C khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì “không ... |
Ngày đăng: 11:52 | 07/05/2020
/ vietnamnet.vn