Nhiều địa phương thông báo cho học sinh đi học trở lại, nhưng ngay sau đó lại ra văn bản tiếp tục cho nghỉ đến hết tháng 2. Việc này gây ra những xáo trộn đối với những người bị ảnh hưởng…

Tại TP.Cần Thơ, ngày 14.2, UBND TP này ra văn bản cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ tuần tới (17.12). Đến sáng ngày 15.2, UBND TP lại ra văn bản cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2.

Chị Lê Thị Phương Thảo (phường An Cư, quận Ninh Kiều), có con đang học lớp 2 ở một trường tiểu học cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý việc cho học sinh nghỉ học để phòng dịch COVID-19, bởi sức khỏe và tính mạng mỗi người là trên hết. Tuy nhiên, cần phải có một thông báo dứt khoát và rõ ràng. Như ngày hôm qua, tôi được nhà trường báo là con mình sẽ đi học lại từ tuần tới, bây giờ lại cho nghỉ”.

Chị Thảo nói và cho biết thêm hai vợ chồng sống ở Cần Thơ, nhưng làm việc tại khu vực giáp ranh với Hậu Giang, nên buổi trưa không về nhà, và gửi con ở trường bán trú. Những ngày nghỉ học, chị phải gửi con đến những người thân quen, giờ sẽ phải tiếp tục chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi.

Các trường mẫu giáo, mầm non ở Cần Thơ đang tích cực vệ sinh trường lớp phòng chống dịch COVID-19

Còn anh Lê Minh Hiếu (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) lo lắng về việc con anh còn nhỏ, mới vào lớp 1, sau kỳ nghỉ tết kéo dài, đầu óc trẻ con thường sẽ mệt mỏi với con chữ. Sau đó TP đã nghỉ thêm 2 tuần, giờ lại cho nghỉ đến hết tháng 2.

“Nghỉ 1 tháng, hoặc 2 tháng cũng được, vì phòng chống dịch bệnh là trên hết. Nhưng phải xác định thời gian cụ thể rõ ràng, để gia đình học sinh sắp xếp kế hoạch gửi con, hoặc cho con em tự học. Cứ tình hình này, ai cũng phập phồng, vì không biết khi nào nhập học chính thức” - anh Hiếu băn khoăn.

Phun thuốc khử trùng tại một trường học ở Cần Thơ

Cô Phạm Thị Mỹ Hương – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP.Cần Thơ) cho biết, việc cho các học sinh nghỉ học, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học tập theo chương trình. Trường đã tập huấn cho tất cả giáo viên tham gia thực hiên sử dụng các công cụ dạy và học trực tuyến. Thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội như Zalo, Facebook để ôn tập cho các em học sinh.

Thông qua website của trường, giáo viên bộ môn sẽ upload các bài tập theo thời khóa biểu cụ thể để các em ôn tập theo từng bộ môn. Sau đó, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn sẽ đính kèm link này chuyển đến các em thông qua mạng xã hội Zalo hoặc Facebook.

Khi các em học sinh có vấn đề thắc mắc có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên thông qua các nhóm chat mạng xã hội. Và khi hoàn thành bài tập các em học sinh cũng chuyển lại cho giáo viên qua chat hoặc qua email.

Còn cô Nguyễn Như Nguyện – Giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết phòng học tại trường đã vệ sinh và rửa dụng cụ đồ chơi rồi và phun thuốc sát trùng xong. Tuy nhiên, việc cho trẻ em nghỉ lâu như giáo viên sẽ phải rèn luyện nề nếp và nội quy lớp học lại từ đầu cho trẻ. Riêng đối với bé nhà trẻ thì phải bỏ ra rất nhiều thời gian để cho trẻ làm quen lại với môi trường lớp học.

TRẦN LƯU - THÀNH NHÂN

Phụ huynh tranh cãi cho con đi học giữa dịch nCoV

Trước câu hỏi "có nên cho con đi học lại vào 17/2 không?", một số phụ huynh khẳng định "dốt không chết người, nhỡ có ...

Muôn vàn cách ứng phó của phụ huynh khi con nghỉ thêm 1 tuần vì nCoV

Nhận được thông báo nhà trường cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần để tránh virus corona, các phụ huynh đã không còn lo ...

101 cách phụ huynh khắc phục khó khăn khi con nhỏ nghỉ học đột xuất phòng virus corona

Ngay khi cha mẹ học sinh trên tại Hà Nội nhận được thông báo nghỉ học 1 tuần để phòng chống virus corona, nhiều phụ ...

Ngày đăng: 22:15 | 15/02/2020

/ laodong.vn