Đã đến lúc, không thể để thực trạng hàng chục ha rừng bị hủy hoại mà chính quyền không biết, không chịu trách nhiệm.
Khởi tố 25 vụ phá rừng, không khởi tố bị can nào là một trong thực trạng được một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu lên tại phiên họp của QH ngày 6/11/2017. Trớ trêu là, chính trong những ngày này, cả vùng Nam Trung Bộ đang chịu sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 12 – một trong những hậu quả của việc rừng vẫn tiếp tục bị biến mất.
Cả vùng Nam Trung Bộ đang chịu sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 12 – một trong những hậu quả của việc phá rừng. Ảnh minh họa.
Bàn về công tác phòng chống tham nhũng, một số ĐBQH nêu thực trạng nhức nhối quanh nạn phá rừng. Về vấn nạn này, không thể nói khó phát hiện, bởi rừng chứ đâu phải còn kiến. Nhưng vì sao rừng vẫn bị phá một cách tàn bạo? Thậm chí, kể cả sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng, rừng vẫn bị phát quang.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng một trong số đó đã được một số ĐBQH nêu thẳng tại nghị trường hôm 6/11. Theo Tuổi trẻ, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu: "Thời gian qua Thủ tướng và Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt, nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Đặc biệt, các cơ quan tư pháp dường như bất lực trước tình trạng phá rừng. Có nơi khởi tố được 25 vụ nhưng dường như không tìm ra được bị can".
Nhiều ĐBQH nêu câu hỏi: Những vụ phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật như vậy xảy ra trong thời gian dài, xin hỏi có sự bảo kê, bao che không?
Đây đồng thời cũng là câu hỏi bức xúc bấy lâu của dư luận. Tất nhiên, những địa phương có xảy ra những vụ việc như vậy không ít lời biện minh nghe có vẻ như rất gan ruột, rất đắng cay, chẳng hạn, vì lâm tặc liều lĩnh, lắm thủ đoạn, mà lực lượng chức năng thì mỏng… Nhưng với dư luận, đó là điều không thể nghe lọt lỗ tai. Thế nên, câu chuyện khởi tố 25 vụ án mà không khởi tố bị can, tự nó đã nói nhiều điều.
Cũng tại phiên họp này, một số nội dung khác cũng được các ĐBQH đưa ra những câu hỏi, nhận xét rất thẳng và cũng rất nhức nhối. Theo Dân trí, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nhận xét: "Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm"”.
Sợi dây rút kinh nghiệm kéo dài đến bao giờ là câu hỏi được công luận nêu ra từ lâu, nhưng nó như vẫn cứ dài dài như giỡn đùa dư luận. Không chỉ thế, bà Nga còn đánh giá: “Có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước” hoặc “ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng việc điều động, điều chuyển công tác để trù dập cán bộ…”.
Để hạn chế dần những câu chuyện bi hài này, rất cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đây cũng là giải pháp được nhiều vị lãnh đạo và công luận nêu nhiều lần lên tiếng. Nói như ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) sáng 7/11 tại diễn đàn QH: Rừng bị phá thì lãnh đạo chính quyền phải biết, không biết thì phải bị kỷ luật.
Và cũng không thể tiếp tục diễn ra giai thoại, mỗi khi có sai phạm, lại là “lỗi tại thằng đánh máy”. Đã đến lúc, không thể cho phép những lời ngụy biện đó tiếp tục giỡn đùa dư luận. Cũng như, không thể để thực trạng hàng chục ha rừng bị hủy hoại mà chính quyền không biết, không chịu trách nhiệm. Bởi những cơn lũ ngày càng tàn khốc hơn…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Gỗ rừng "chạy" đi đâu?
Nhìn dòng nước lũ ầm ầm đổ về nhấn chìm làng mạc, phố xá, ruộng vườn… ở miền Trung mà không khỏi nhói lòng khi ... |
Rừng bị phá, kiểm lâm không biết?
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đóng cửa rừng, xử lý trách nhiệm những nơi để xảy ra ... |
http://www.nguoiduatin.vn/pha-rung-lu-quet-cuong-no-va-loi-thang-danh-may--a345714.html
Ngày đăng: 18:00 | 08/11/2017
/ Vương Hà/nguoiduatin.vn