“Có bệnh thì vái tứ phương” nhưng lại có thông tin mắc ung thư không cần điều trị. Một số trang mạng không chính thống đang lan truyền nhau cách điều trị ung thư. Điều đáng nói, trong các thông tin đưa ra lại khuyên người bệnh: “Đừng điều trị nếu bị ung thư”; “Ung thư đừng vội phẫu thuật”… khiến người bệnh hoang mang.
Bệnh nhi bị ung thư điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Phác đồ điều trị ung thư… lỗi thời!
Các thông tin truyền nhau “phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều; hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong”. Lại có bài viết đăng tải thông tin của giáo sư người Nhật du học và lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ khẳng định: “Không cần cắt bỏ ung thư vú mà tự khỏi” cùng nhiều thông tin trái ngược hoàn toàn với các biện pháp điều trị ung thư mà Việt Nam đang áp dụng điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, mạng xã hội đang lan truyền phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư; dùng sodium bircarbonate vì rẻ tiền và dễ uống. Tuy nhiên, PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K Trung ương khẳng định: Đây là những phát biểu không có cơ sở khoa học, đi ngược lại nền tri thức khoa học y học đã được nghiên cứu, tổng kết và kiểm chứng qua hàng trăm năm. “Trong y học thực chứng thì những ý kiến cá nhân theo kinh nghiệm chủ quan của các bác sĩ, chuyên gia là có giá trị thấp nhất trong khoa học, vì không cung cấp một bằng chứng khách quan nào, mà chỉ là những ý kiến cá nhân.
Ý kiến cá nhân không dựa trên dữ liệu khoa học thì thường mang tính chủ quan, cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa. Đó là chưa kể một số chuyên gia phát ngôn nhằm mục đích phục vụ, mưu cầu lợi ích cá nhân chứ không vì khoa học. Khi có chẩn đoán ung thư, người bệnh cần thông minh và sáng suốt, đến các cơ sở khám chữa bệnh ung thư chính thống và chuyên khoa. Chúng ta cũng cần kiểm tra xem đúng nguồn thông tin đó từ bác sĩ điều trị ung thư hay không?” - PGS-TS Thuấn cho hay.
Trên thực tế, tại Việt Nam đã có không ít trường hợp nghe rỉ tai nhau bỏ điều trị ung thư theo phương pháp khoa học, tìm đến thầy lang dùng thuốc lá. Đến khi bệnh quá nặng mới tới bệnh viện thì đã quá muộn. GS-TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc BV K Trung ương - lo lắng: “Hiện nay có quá nhiều suy nghĩ sai lầm về căn bệnh ung thư khiến cho người bệnh bỏ lỡ mất “thời gian vàng” để điều trị”.
“Một số bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư, được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị làm phẫu thuật là từ chối vì quan niệm “không được đụng dao kéo”, rồi không được làm hoá trị, xạ trị. Có thể thấy đây là một quan niệm rất tai hại cho bản thân người bệnh. Một số người chữa bệnh bằng thần thoại, bằng lá, bằng đủ các việc… Chính điều này đã tước đi cơ hội vàng chữa bệnh ở giai đoạn sớm, đến khi không chữa được mới quay lại bệnh viện thì bệnh đã di căn, cơ hội chữa bệnh đã không còn.
Bệnh nhi bị K điều trị tại bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Chưa khỏi ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Tại Việt Nam, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư. Phụ thuộc vào tình hình bệnh cảnh của mỗi người bác sĩ có hướng điều trị khác nhau. Hiện có 4 nhóm chính trong điều trị ung thư tại Việt Nam. Đó là điều trị phẫu thuật, điều trị xạ trị, điều trị hóa chất và điều trị nhắm đích sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư.
PGS-TS Trần Văn Thuấn khẳng định: Tỉ lệ chữa khỏi ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh giai đoạn bệnh là yếu tố then chốt phải kể tới loại ung thư, độ ác tính của từng trường hợp, thể trạng người bệnh, bệnh phối hợp… Người bệnh khi tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu về bệnh...
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm ước tính Việt Nam có 100.000-150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ có gần 200.000 ca ung thư mắc mới. Tốc độ tăng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới với sau 15 năm số ca mắc mới tăng gấp hơn 2 lần.
Tại BV K Trung ương, tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ngày càng tăng lên, nhiều loại ung thư tỉ lệ chữa khỏi ngang các nước như với ung thư vú, tỉ lệ chữa khỏi chung là từ 70-75% (tương đương ở Singapore); ung thư vú giai đoạn sớm tại chỗ, tỉ lệ chữa khỏi 95%; Bệnh ở giai đoạn 2 tỉ lệ khỏi là 75%, giai đoạn 3 tỉ lệ khỏi giảm xuống còn 65%, giai đoạn cuối tỉ lệ chữa khỏi do K vú dưới 5%.
Mỗi năm Việt Nam có 17.000 người chết vì bệnh lao Việt Nam đứng thứ 15 trong số các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu. |
Cặp uyên ương hoãn tiệc cưới để quyên tiền giúp người ung thư Biết tin một người thân mắc ung thư, cô dâu và chú rể người Anh đã rời lịch cưới qua năm sau để quyên tiền ... |
Cưới gấp vì tưởng ung thư, chú rể nhận tin vui bất ngờ Chú rể người Anh đợi đến đúng đám cưới để thông báo anh không bị ung thư và mọi chẩn đoán trước đó không chính ... |
https://laodong.vn/y-te/phac-do-dieu-tri-ung-thu-o-viet-nam-da-loi-thoi-579114.ldo
Ngày đăng: 08:30 | 01/12/2017
/ Lao động