Mới 18 tuổi nhưng Xuân Thành đã có thâm niên 5 năm liền viết thư pháp trên phố ông đồ trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP HCM.
Từ ngày 2/2, phố ông đồ trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP HCM) khai trương, thu hút nhiều người dân tham quan. Đây là năm thứ 12 liên tiếp thành phố tổ chức hoạt động này.
Suốt năm năm nay, cứ vào dịp cuối năm, Võ Tuấn Xuân Thành (18 tuổi, ĐH Mỹ Thuật TP HCM) lại ra vỉa hè bày mực tàu giấy đỏ, làm nghề đồ. Trong 32 thầy đồ trên phố thì Thành là người trẻ tuổi nhất.
"Từ bé em đã đam mê hội họa, thích vẽ vời đủ thứ. Năm 2007, khi ra phố ông đồ chơi thì em mê mẩn nghệ thuật thư pháp nên tự học hỏi qua sách vở, trên mạng...", Thành chia sẻ.
"Em theo đuổi lối thư pháp mang phong cách cuồng thư, không quá chỉn chu tỉ mỉ mà nét chữ có tính ngẫu nhiên, phóng khoáng", ông đồ Xuân Thành cho biết.
Từ năm 2013, khi còn là học sinh, Thành tự mở quầy thư pháp ở phố ông đồ. "Những lúc rảnh em có bán thư pháp trên mạng hoặc vẽ thuê. Thu nhập em kiếm được từ nghề \'múa chữ\' chẳng bao nhiêu, chủ yếu là thỏa mãn đam mê. Công việc này chỉ là nghề tay trái, sau này em muốn làm chuyên về thiết kế đồ họa", ông đồ 18 tuổi nói.
Nhiều ông đồ khác cũng tất bật bày biện gian hàng, diện trang phục truyền thống áo dài, khăn đóng. Hầu hết ông đồ đều ở tuổi đời khá trẻ. Trong đó đa số là các bạn trẻ làm nhiều ngành nghề khác nhau như giáo viên, kiến trúc sư, thiết kế...
Bên cạnh đó, cũng có một số "bà đồ" bày mực tàu, giấy đỏ viết câu đối, thơ chúc Tết cho mọi người. "Mình ra phố ông đồ viết chữ nhiều năm nay rồi nhưng đây là năm đầu được làm chính, quản lý hẳn một gian hàng. Còn công việc thường ngày của mình là làm biên kịch", Hoàng Thị Thủy Tiên (27 tuổi) chia sẻ.
"Thâm niên" nhất trong số các "bà đồ" là Ngô Nguyễn Xuân Phương (27 tuổi, TP HCM). Phương đã tham gia phố ông đồ tám năm liên tục.
"Công việc chính của mình làm nhân sự trong công ty. Tết đến mình sắp xếp việc để ra đây viết thư pháp như một sở thích, những ngày phải đi làm thì giao gian hàng cho bạn khác", Phương chia sẻ.
Từ ngày đầu khai trương, phố ông đồ luôn nhôn nhịp với nhiều khách trong và ngoài nước tham quan, mua câu đối, lời chúc Tết.
Năm nay, những chiếc tô có vẽ tranh cá 3D cùng câu đối hấp dẫn người mua. "Để làm ra sản phẩm này mình phải mất khoảng ba ngày mới vẽ xong bức tranh cá trong cái tô, thêm phần thư pháp nữa thì bán với giá một triệu đồng một tranh", bạn Hoàng Thân (26 tuổi) cho biết.
Phố ông đồ được trang trí thêm những cành hoa mai vàng rực, thu hút nhiều người dân, bạn trẻ tới tham quan chụp hình từ sáng đến tối.
Theo các thầy đồ, hiện khách chủ yếu tham quan và chụp hình là chính, phải sau ngày cúng ông Táo mới có nhiều người xin chữ.
Phố ông đồ Tết Mậu Tuất 2018 diễn ra đến ngày 15/2 (tức 30 tháng chạp).
42 ông đồ trượt phần thi sát hạch: “Ông đồ” hay thợ vẽ?
Không phải “ông đồ” nào mặc áo the, đầu đội khăn xếp, ngồi cạnh bút nghiên, xung quanh xúm đen xúm đỏ đều có học ... |
Ông Đồ trong hội chữ xuân Văn Miếu được thi sát hạch
Những ông đồ tham gia hội chữ Xuân phải qua thi tuyển để tránh viết sai, viết nhầm như trước đây. |
Ngày đăng: 07:00 | 06/02/2018
/ VnExpress