Dự án nút giao thông 2 tầng ở cửa ngõ Nha Trang dự kiến hoàn thành cuối năm nay, nhưng hiện mới xong một nhánh rẽ, do không có mặt bằng. 

Một nhánh của nút giao thông. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ông Đặng Hữu Tài (Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa) cho hay, dự án nút giao thông Ngọc Hội ở cửa ngõ phía Tây Nha Trang đang chậm tiến độ, do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm.

Đây là công trình được UBND Khánh Hòa giao Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) thực hiện, hồi năm 2017, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, bằng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Kinh phí không sử dụng ngân sách nhà nước, mà UBND tỉnh để doanh nghiệp thực hiện, sau đó giao lại một phần đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho công ty.

Nút giao thông Ngọc Hội là điểm giao giữa đường sắt với tuyến 23 Tháng 10 tại xã Vĩnh Hiệp, tổng diện tích hơn 5,4 hecta. Dự án được với hệ thống cầu vượt bêtông trên không, băng qua đường sắt và cầu vượt cho người đi bộ.

Tổng chiều dài các nhánh 1,66 km. Trong đó, nhánh N1 và N3 nối đường 23 Tháng 10 có bề rộng cầu là 15,5 m; còn nhánh N2, N4 nối đường vành đai rộng 21 m. Phía dưới đường tạo thành vòng xuyến với 4 làn xe cùng nhánh đường dẫn, được thiết kế chạy với tốc độ 50 km/h.

Công trình được kỳ vọng giải tỏa ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm cho đường 23 Tháng 10, 19 Tháng 5, Gò Cây Sung và khu vực có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Ngoài ra, nút giao thông giúp kết nối thị trấn Diên Khánh, giảm tải giao thông cho các khu vực khác.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào cuối năm nay, nếu đúng tiến độ bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay công trình mới hoàn thiện 30% khối lượng với 90 cọc khoan nhồi, 12 móng trụ và 10 nhịp dầm tại nhánh N2. 

Nút giao thông sẽ băng qua tuyến đường sắt. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ông Nguyễn Thế Lưu - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đang gặp khó khăn, nhiều vị trí chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư.

Theo ông Lưu, có 240 thửa đất bị ảnh hưởng, nhưng đến nay mới phê duyệt phương án đền bù được 48 trường hợp và có 34 trường hợp bàn giao mặt bằng. "Thời gian qua, đơn vị cùng lãnh đạo địa phương liên tục họp để tìm giải pháp nhưng vẫn chưa hiệu quả", ông Lưu nói.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng giáo đốc Công ty Phúc Sơn khẳng định, dự án hoàn thành chậm tiến độ so với kế hoạch do không có mặt bằng thi công, chứ không phải doanh nghiệp thiếu vốn hay chậm thi công.

Ông Cương cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong khu vực dự án thuộc trách nhiệm của Nhà nước, chứ không phải của chủ đầu tư. "Công ty đã kiến nghị gia hạn thêm 18 tháng để thực hiện, song không biết khi hoàn thành dự án vì mặt bằng được giao đến đâu, doanh nghiệp hoàn thành đến đó", ông Cương nói.

Phối cảnh nút giao thông cửa ngõ phía Tây Nha Trang. Ảnh: Sở GTVT Khánh Hòa.

Xuân Ngọc

Hàng loạt dự án chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện cận kề
Chậm giải phóng mặt bằng 11km, cao tốc nối Huế - Đà Nẵng trả lãi 132 triệu USD
Thu phí tự động chậm tiến độ: Chỉ mặt nhiều 'ông lớn' BOT chây ỳ
Kiểm toán dự án giao thông đô thị Hải Phòng: 100% gói thầu xây lắp chậm tiến độ
Gần 1.800 dự án đầu tư công chậm tiến độ năm 2018

Ngày đăng: 09:14 | 31/08/2019

/ vnexpress.net