Dưới ánh đèn trường quay, Lee So-jeong nhìn thẳng vào máy nhắc chữ và đọc lời dẫn cho bản tin thời sự  21h của đài KBS. 

Lee xuất hiện 5 lần mỗi tuần trên bản tin "News 9" của KBS, đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc, sau khi trở thành người phụ nữ đầu tiên dẫn chương trình thời sự ở quốc gia có kinh tế và công nghệ phát triển nhưng còn nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" này.

Các bản tin truyền hình của Hàn Quốc từ lâu đều theo một khuôn mẫu chung: người dẫn chính là một nam MC lớn tuổi, dáng vẻ đạo mạo sẽ thông báo những sự kiện quan trọng diễn ra trong ngày, sau đó người phụ nữ trẻ hơn dẫn cùng sẽ nói tiếp phần thông tin nhẹ nhàng còn lại. Không ít biên tập viên nữ lựa chọn kết hôn với con của gia đình tỷ phú, chủ tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, thay vì tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của họ.

nu mc thoi su han quoc pha vo khuon mau
Lee So-jeong dẫn bản tin thời sự lúc 9h tối của đài KBS hôm 6/2. Ảnh: AFP.

Việc Lee trở thành người dẫn chương trình chính của đài KBS đã thay đổi hoàn toàn khuôn mẫu này. Ở tuổi 43, cô thậm chí vẫn trẻ hơn nam MC dẫn cùng bản tin của cô.

Lee cho biết người dẫn chương trình nữ ở Hàn Quốc thường được ví như "bình hoa di động". Nhưng Lee không muốn là một "bình hoa" như vậy, cô muốn thay đổi phong cách bảo thủ của KBS và thu hút khán giả trẻ bằng các chương trình cập nhật theo xu hướng, thay vì giống "giảng bài cho người xem" như trước.

Lượng người xem chương trình của Lee, bản tin thời sự được xem nhiều nhất cả nước, tăng từ 9,6% lên 11% kể từ khi cô bắt đầu tham gia hồi tháng 11 năm ngoái.

Lee thấy áp lực khi là người tiên phong và hiểu rằng cô không thể phạm bất kỳ sai lầm nào. "Nếu tôi thất bại, điều đó có thể khiến tất cả phóng viên nữ cảm thấy thất vọng. Tôi phải làm thật tốt để giúp họ có nhiều cơ hội hơn. Trách nhiệm và gánh nặng đó còn khiến tôi áp lực hơn bản tin thời sự chính của đài", Lee chia sẻ.

Sau chiến tranh, Hàn Quốc vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới và là một cường quốc về thương mại và công nghiệp. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội nước này.

Bất bình đẳng thu nhập theo giới của Hàn Quốc cao nhất trong các quốc gia phát triển, với thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 66% của đàn ông, trong khi họ phải chịu đồng thời áp lực công việc và nuôi dạy con.

Nhiều người cũng gặp rào cản về con đường thăng tiến trong công việc khi mang gánh nặng chăm sóc con cái. Không ít phụ nữ có trình độ thậm chí phải từ bỏ sự nghiệp của mình.

Những áp lực đã khiến ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc không muốn lấy chồng sinh con. Do đó, tỷ lệ sinh của quốc gia này giảm còn 0,98 năm 2018, quá thấp so với mức 2,1% để duy trì dân số ổn định.

Xu hướng này không xa lạ với Lee, người bước chân vào truyền hình năm 2003 và hiện có một đứa con trai 6 tuổi. "Tôi từng thấy rất nhiều nhà báo nữ phải bỏ nghề. Tôi thấy vừa buồn vừa khó chịu", Lee nói.

Thách thức trên đã trở thành chủ đề trong một bộ phim mới đây có tên "Kim Ji-young, sinh năm 1982". Dựa trên cuốn tiểu thuyết về nữ quyền từng khiến nam giới phản ứng dữ dội, bộ phim nói về người phụ nữ Hàn Quốc đã kết hôn, phải từ bỏ công việc và gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc con.

Lee cho biết cô từng đối mặt nhiều khó khăn khi trở lại làm việc sau một năm nghỉ thai sản. "Tôi cảm thấy mình không làm tốt vai trò người mẹ cũng như nhà báo. Sau đó một chị cấp trên gọi tôi vào và khuyên rằng đừng quá khắt khe với bản thân. Tôi mong phụ nữ trẻ cố gắng hết sức trong công việc nhưng đừng đổ lỗi cho bản thân vì những chuyện ngoài tầm kiểm soát", cô nói.

nu mc thoi su han quoc pha vo khuon mau
Lee So-jeong đọc lại lời dẫn cho bản tin thời sự 9h tối tại trường quay đài KBS ở Seoul hôm 6/2. Ảnh: AFP.

Văn hóa Hàn Quốc bắt đầu thay đổi với phong trào #MeToo năm 2018 và giám đốc phụ trách mảng tin tức của đài KBS Kim Jong-myong quyết định bổ nhiệm nữ biên tập viên bản tin thời sự chính đầu tiên để bắt kịp xu hướng của thời đại, điều "không thể nghĩ tới" ở thập niên 1980.

Nhà hoạt động nữ quyền Bae Bok-ju cho biết vai trò của Lee đã "đảo ngược" những chuẩn mực về giới tính trong xã hội Hàn Quốc và là "dấu hiệu đáng khích lệ" cho thấy đất nước đang đi đúng hướng.

"Truyền tải tin tức xã hội và chính trị quan trọng từ lâu được xem là công việc của đàn ông trong khi phụ nữ phải đứng ngoài cuộc. Việc chúng tôi có người dẫn bản tin chính là nữ cho thấy Hàn Quốc đang tiến lên để thay đổi những định kiến về giới tính tồn tại trong thời gian dài", bà Bae nói.

Thanh Tâm (Theo AFP)

nu mc thoi su han quoc pha vo khuon mau BTV Thu Hà: \'Không thể vừa làm thời sự, vừa chụp ảnh bikini\'

Là MC trẻ nhất của bản tin Thời sự 19h, Thu Hà chia sẻ cô đang cố gắng từng ngày để khán giả quên đi ...

Ngày đăng: 08:00 | 20/02/2020

/ vnexpress.net