Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng nông sản Việt thụ động, không biết ra chợ bán hàng mà chỉ ngồi nhà chờ được hỏi mua.
Không phải diễn giả chính nhưng phần chia sẻ chỉ kéo dài 5 phút của bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico, gây ấn tượng mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - chuyên đề Nông nghiệp sáng 5/6.
|
|
Bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu ý kiến về cách tiêu thụ của nông sản Việt trên kinh nghiệm 20 năm làm thương lái. |
"Tôi là một thương lái", nữ doanh nhân này tự nhận như vậy ngay ở đầu phần chia sẻ. Bà cho biết mình từng bán được 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên (Hà Nội), từng xắn tay đi mua cả nông trường những năm 2000. Năm 2002, có ngày bà cũng xuất khẩu 200-300 tấn vải thiều.
Thế nhưng, bà Thực cho biết, lực lượng thương lái như bà không còn nhiều khi không tham gia vào khâu thu mua tận gốc như trước. Thay vào đó là những thương lái Trung Quốc. "Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta là Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch, có gì ngon nhất để thu mua", bà nói.
Theo bà, nông sản Việt Nam muốn bán hàng cần phải đi ra chợ và một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc. "Nhưng có thể nói rằng, chúng ta không có gian hàng nào ở đó, chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang", bà Thành Thực phát biểu.
Tại Diễn đàn, khá nhiều lần ông Trương Gia Bình - người điều phối phần thảo luận - đề cập tới đâu là con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam để vươn ra quốc tế. Chia sẻ về điều này, với kinh nghiệm của một thương lái, một doanh nghiệp nông nghiệp, bà Thành Thực cho rằng, người quyết định giá trị thương mại là người sản xuất và với sự phát triển của công nghệ thông tin thì chợ thương mại điện tử vô cùng quan trọng.
Theo bà, Việt Nam mới chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu và nếu muốn dẫn dắt thị trường thì người Việt cần dẫn dắt cả khâu sản xuất. Điển hình như, Trung Quốc - thị trường lớn về tiêu dùng, họ biết cách chế biến và xuất đi khắp các nước và họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam quan tâm cung ứng thì bỏ lỡ các khâu khác.
Phần chia sẻ thẳng thắn của nữ doanh nhân này đã nhận được tràng vỗ tay lớn từ cả hội trường sau khi kết thúc.
Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp – Giải pháp phát triển cho nông sản Việt diễn ra sáng 5/6 do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp thực hiện cùng Báo điện tử VnExpress. Diễn đàn này nằm trong chuỗi chuyên đề thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, là nơi các cơ quan quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn thảo cách mở rộng thị trường cho nông sản Việt, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
Nông sản Việt phải “giải cứu” triền miên do thiếu thông tin thị trường
Thông tin thị trường tiêu thụ nông sản luôn phải được theo dõi, cập nhật cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. |
Giang hồ bảo kê nông sản: Đã biết, đang điều tra...
Trong khi cơ quan chức năng Đắk Nông chưa tìm được ra kẻ phá hoại nông sản, người dân hàng ngày vẫn nơm nớp lo ... |
Đã sẵn sàng... kêu cứu
Không cần phải là Trạng Trình hay nhà tiên tri Vanga, ngay từ hôm nay, chúng ta đã nhìn thấy trong tương lai gần những ... |
Ngày đăng: 14:10 | 07/06/2018
/ https://kinhdoanh.vnexpress.net