Tình hình thực tế lúc này đặt ra cho Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ và các địa phương có trạm BOT sai trái 3 sứ mệnh: Giải quyết ngay những bất cập, xử lý cán bộ và xin lỗi người dân.
Trưởng công an xã đá thau cá: Xử lý cái sai bằng hành vi sai! |
Trưởng Công an xã tung cước: Năng nổ đến nóng nảy! |
Sau lần tung cước đá văng thau cá của những người buôn bán ở khu vực chợ Điện Bàn, ông Lê Tấn Thịnh - Trưởng Công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk - đã trực tiếp đứng ra xin lỗi người dân.
Buổi xin lỗi được UBND xã Quảng Điền tổ chức sáng 5-10 với sự tham dự của gần 100 người dân, tiểu thương khu vực chợ Điện Bàn. Tại đây, hai bên đã tìm được tiếng nói chung.
Việc tổ chức buổi xin lỗi là đáng hoan nghênh song cũng sòng phẳng mà nói rằng nếu như trận lôi đình tại chợ Điện Bàn cách đó hai hôm với nhân vật chính là trưởng Công an xã Lê Tấn Thịnh không được ai đó ghi hình và đăng lên mạng xã hội - trở thành bằng chứng tố cáo - thì chưa chắc những "dân chi phụ mẫu" (民之父母) đã chịu hạ mình trước những người nghèo thấp cổ bé miệng, trước áp lực dư luận.
Vì thế, hãy khoan tụng ca cán bộ, để khỏi bị hớ nếu họ nói lời xin lỗi chỉ vì cái ghế của mình. Nhưng chắc chắn, phải cảm ơn mạng xã hội trong chuyện này!
Ông Thịnh là công chức cấp xã, sau vụ này có thể sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Công chức. Không riêng ông Thịnh quá sai vì hành động đá thúng - đụng nia, quát tháo hết sức phản cảm mà những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường cũng sai.
Do vậy, chẳng phải vì một lần bị cho "lên sóng" là tởn, ông Thịnh phải tiếp tục nhiệm vụ lập lại trật tự nơi công cộng của mình. Phải làm cho hết trách nhiệm để chứng minh ông "ra tay" hôm 3-10 ở chợ Điện Bàn là vì cái chung; để chứng tỏ lời xin lỗi hôm 5-10 của ông là thực sự cầu thị.
Nếu không hoàn thành nhiệm vụ như đã hứa tại buổi xin lỗi đó thì trưởng Công an xã Quảng Điền có lẽ sẽ phải... xin lỗi công chúng một lần nữa!
Câu chuyện được kể ở xã Quảng Điền là không lớn nhưng thông điệp mà nó để lại là quá rõ ràng. Đã là cán bộ thì dù trong hoàn cảnh nào cũng phải mực thước, tử tế. Người dân dù có sai nhưng cán bộ không được ác với họ. Thời chiến cũng như thời bình, dân chưa bao giờ xa cán bộ tốt mà ngược lại họ luôn bao bọc, chở che. Hãy đọc và thấm lời bà Lê Thị Đay (66 tuổi, ngụ xã Quảng Điền) tại buổi xin lỗi của ông Thịnh: "Tôi sẵn sàng bỏ qua vì chú ấy cũng như con cháu trong nhà".
Nói sang chuyện khác, là BOT giao thông, đang "nóng" tại Đồng Nai do tài xế lần thứ 8 phản đối trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa bằng cách trả tiền lẻ, gây tê liệt giao thông, phải xả trạm vào ngày 5-10, chưa biết khi nào thu phí lại.
Trước đó, trạm BOT Cai Lậy cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phương án "chữa cháy": Giảm phí 20% giá vé qua trạm Biên Hòa; rà soát và xem xét miễn giảm phí cho người dân gần khu vực trạm.
Làm như thế là "tát bùn sang ao" bởi bản chất vấn đề đâu phải vậy. Người dân không đòi anh giảm giá mà yêu cầu anh dời trạm BOT về đúng vị trí của nó. Anh cho phép chủ đầu tư làm đường trên tuyến tránh nhưng đặt trạm trên Quốc lộ để gom tất cả các xe vào một rọ. Không đi mà bắt họ phải trả tiền, sự vô lý này phải bị xóa sổ. Người dân chỉ yêu cầu thế thôi!
Đó là chưa nói anh giảm giá nhưng cho phép kéo dài thời hạn thu phí, cũng như không.
Là nhà quản lý, các anh biết cả nhưng bịt tai, để sự việc kéo dài. Mà đâu chỉ chuyện cho đặt trạm sai vị trí, tình trạng để nhà đầu tư BOT mặc sức thu bộn, thu thừa tiền cũng đã diễn ra nhiều năm nay rồi.
Nếu chiếu theo tinh thần "Chính phủ kiến tạo và liêm chính" thì câu chuyện BOT là một làn gió thổi ngược. Tình hình thực tế lúc này đặt ra cho Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ và các địa phương có trạm BOT sai trái sứ mệnh: Không chỉ là giải quyết ngay những bất cập mà còn phải xử lý cán bộ và đứng ra xin lỗi người dân.
Làm sai thì phải xin lỗi. Phải tập xin lỗi cho quen dù đó là một phần tất hữu trong lương tâm chức nghiệp của người cán bộ. Xin lỗi là văn hóa chứ chẳng có gì nhục nhã, nhất là khi xin lỗi người dân.
Phát biểu trên Báo Người Lao Động số ra ngày 2-10, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhìn nhận: "Dân đang kêu ca nhiều lắm. Cán bộ có chức, có quyền chỉ lo thu vén mà bỏ qua, không xử lý là rất nguy hiểm. Làm thế nào mà để dân mất lòng tin, dân thờ ơ thì rất nguy hiểm".
Và, đừng hô hào suông "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong khi dân hỏi "nhưng ai hưởng?" thì ngậm hột thị, không nói được!
http://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-tap-xin-loi-dan-cho-quen-20171006091039657.htm
Ngày đăng: 15:42 | 06/10/2017
/ Dương Quang/nld.com.vn