Những tín ngưỡng mang tính “cuồng tín” không chỉ tạo ra một không gian thiếu tính tổ chức mà còn làm sai lệch đi bản chất của tín ngưỡng.

Ba tháng trước, tôi bước vào một nhà thờ ở thủ đô Brussels, Bỉ.

Ở đó, người ta đặt nến trong những chiếc cốc nhỏ trên một chiếc bàn ở sảnh chính. Những cây nến được phân thành hai loại, một to, một nhỏ. Phía dưới mỗi loại có một tấm bảng đề, 2e và 5e, bên cạnh chiếc bàn thì là một thùng gỗ nhỏ đựng tiền. Những du khách tới thăm, nếu muốn cầu mong một điều gì có thể thắp một ngọn nến rồi bỏ tiền vào chiếc hòm gỗ bên cạnh. Đó là những ngày cận kề dịp lễ Noel, tuy vậy, nhà thờ cũng chỉ lác đác vài người. Trong kỳ nghỉ lễ dài ấy, tôi đã qua Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan. Ở bến tàu, bến xe, nhà thờ hay đường phố… mọi thứ đều khá vắng vẻ, nếu không muốn nói là hơi buồn chán.

Ở Việt Nam thì khác, trước Tết, không khí đã bắt đầu rộn ràng. Người người đổ ra đường, vào các trung tâm thương mại mua sắm, nào đào quất, nào bánh kẹo. Trong Tết và sau Tết, mọi người sẽ đi chúc tụng nhau, rồi đi lễ chùa, hội hè cũng tưng bừng trong tháng Giêng, là tháng “ăn chơi”.

Kể thế để nói rằng, việc vui chơi trong những kỳ nghỉ lễ dài ở mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa là khó có thể so sánh. Không thể nói là “Ta hay Tây” thì tốt hơn. Mỗi nơi, mang một phong cách riêng bắt nguồn từ các đặc tính về lịch sử và văn hóa, nơi trầm lặng, nơi nhộn nhịp.

Chẳng hạn như ở Hà Lan, khi năm mới tới, mọi người thường tụ tập tại các bãi biển hay các hồ nước, rồi nhảy xuống. Người ta cho rằng đấy là cách để gột rửa những điều xấu của năm cũ và thể hiện sự mạnh mẽ để bắt đầu một năm mới. Hay là vào mỗi dịp cuối năm, bắt đầu từ khoảng giữa tháng 11, người Hà Lan sẽ tổ chức lễ hội Thánh Sinterklaas. Theo tục lệ, Sinterklaas đến Hà Lan từ Tây Ban Nha trên chiếc tàu thủy cùng với những người giúp việc của mình là Zwart Piet. Những người này là những người da đen ăn mặc những bộ quần áo rất sặc sỡ, sẽ giúp Sintterklass trong việc vác những bao tải quà để tặng cho trẻ em.

niem tin dau nam

Đêm giao thừa ở thành phố Geneva, đông vui nhưng không hỗn loạn.

Nhìn lại lịch sử Hà Lan, ta có thể hiểu được những phong tục kiểu như vậy. Từ xa xưa, Hà Lan vốn là một vùng đất thấp, trũng, với nhiều kênh rạch, sông ngòi, diện tích đất liền chỉ bằng một nửa bây giờ. Bằng việc bồi đắp, cải tạo những vùng đất trũng cũng như thiết lập một hệ thống quản lý nước hết sức khoa học, người Hà Lan dần dần đã chế ngự tự nhiên. Bởi vậy mà các truyền thuyết, lễ hội, đều ít nhiều liên quan tới nước, tới tàu biển và sự mạnh mẽ của người dân nước này.

Ở Việt Nam, nhìn chung, chúng ta có kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, không mưa quá nhiều và cũng không quá lạnh. Người Việt vì thế thường có quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, có thể không giàu nhưng chết vì đói, vì rét, vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên thì không. Vì vậy, những lễ hội của người Việt thường mang màu sắc cầu xin, xin tiền bạc, xin danh vọng, xin quan lộ. Khi xin, vì ai cũng muốn xin nhiều và vì ta cũng không biết người cho có thể cho bao nhiêu nên ta có nhu cầu lấy được càng nhiều, càng tốt. Vì vậy mà cảnh chen chúc, nhiều khi là hỗn loạn, diễn ra thường xuyên ở những nơi như đền chùa, lễ hội.

Việc xin, về bản chất, thể hiện rằng ta đặt niềm tin vào một người khác, một thứ khác mà không phải bản thân mình. Lễ lạt nói chung, là một dạng thức mà khi đó niềm tin đã rất phổ biến tới mức trở thành tín ngưỡng. Tín ngưỡng, tất nhiên không có gì xấu, chúng tự nhiên, sinh ra do nhu cầu tinh thần của xã hội. Nhưng khi mà những ngôi chùa đông nghịt, khi mà những bức tượng phật bị người dân “mài” đến đổi màu, khi mà những tờ polyme được dâng, cài khắp nơi trên “người” thánh thần thì tín ngưỡng ấy cần được xem xét lại để điều chỉnh.

Những tín ngưỡng mang tính “cuồng tín” như thế không chỉ tạo ra một không gian thiếu tính tổ chức mà còn làm sai lệch đi bản chất của tín ngưỡng.

Lễ chùa, lễ hội đầu năm là một phong tục đẹp, đó là lúc mà mỗi người tìm thấy niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn cho một năm mới. Nhưng đó cũng là lúc để tự vấn rằng, ta có đang “cuồng hóa” một phong tục, có đang thiếu niềm tin vào bản thân, hay là có đang xin những thứ mà ta chưa bao giờ cố gắng để đạt được hay không?

niem tin dau nam Người dân thì thầm với đá trong ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Sài Gòn

Những người dân đến với ngôi chùa Mariamman có niềm tin, khi úp mặt vào tường đá cầu nguyện thì những khó khăn, bệnh tật ...

niem tin dau nam Vì sao ngày càng có nhiều người mê tín?

Mỗi dịp Tết, tệ nạn mê tín dị đoan lại bùng phát dữ dội, và có chiều hướng ngày càng tăng. Những chuyện bi hài ...

niem tin dau nam Xin phép “mót” hoa

Cảnh nhặt nhạnh những chậu hoa, cây cảnh còn tươi, đẹp sau khi bế mạc lễ hội, đường hoa không phải chuyện hiếm, nó chỉ ...

niem tin dau nam Niềm tin về lòng dân

Cả nước trọng thể kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968 - 2018) khi không khí của chiến ...

Ngày đăng: 06:00 | 25/02/2018

/ http://www.nguoiduatin.vn