Học hành trắc trở, bấp bênh việc làm, thuê nhà khó khăn, bệnh đau không bảo hiểm y tế, báo tử cần người bảo lãnh... Vẫn ăn, ngủ, sống và làm việc nhưng họ - những người không có giấy tờ tùy thân - trở nên “vô hình” trong xã hội.
Lôi ra mấy chồng đơn dày cộp, người đàn bà bị suy tim giai đoạn cuối nức nở: “Bệnh tật có thể khiến tôi chết ngay bây giờ cũng không sợ bằng cảnh con tôi mãi là người vô thừa nhận. Nếu có ai bảo tôi thế mạng để con có giấy tờ, tôi cũng sẵn sàng!”.
Đó là bà Phùng Thị Hợi, 58 tuổi, hiện tạm trú tại P.9, Q.3, TP.HCM cùng hai đứa con. Gia đình bà đang trong cảnh tuyệt vọng bởi hơn 5 năm qua, dù đã nỗ lực chạy chứng khắp nơi nhưng con bà vẫn chưa có giấy tờ tùy thân.
Học hành trắc trở, việc làm bấp bênh
Trong căn phòng trọ chật hẹp, sàn nhà đây đó bị võng xuống vì ván mục, bà Hợi gầy yếu, xanh như tàu lá, hết nằm lại ngồi. Chốc chốc, bà lại thở dốc, ôm ngực ho khan. Gần 22 giờ, đứa con lớn của bà là Nguyễn Thanh Trọng (26 tuổi) mới trở về trong bộ dạng phờ phạc.
Công việc hiện tại của anh là bán dàn áo xe máy ở Q.Bình Tân. Anh thường làm từ 8 giờ sáng đến tối mịt mới về, không nghỉ ngày nào, với mức lương 2 triệu đồng/tháng và ăn theo sản phẩm (10.000 - 20.000 đồng/bộ).
Trọng cho hay anh từng học ngành đầu bếp tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO. Ra trường, anh được một số nhà hàng lớn tuyển dụng. Có những nơi anh đảm nhận vị trí trưởng bộ phận bếp Âu, rồi bếp phó, với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhưng do Trọng không có chứng minh nhân dân (CMND) để bổ túc hồ sơ, nên cuối cùng anh đành ngậm ngùi ra đi.
Từ giã nghề đầu bếp đầy đam mê, Trọng ra ngoài đời bươn chải, ai thuê gì làm nấy.
Thu nhập ít ỏi nhưng Trọng phải cáng đáng các khoản tiền nhà trọ, ăn uống, thuốc thang cho mẹ, phụ đóng tiền học cho em... nên thường xuyên mượn nợ.
“Không có giấy tờ tùy thân, chúng tôi bị thiệt thòi và gò bó đủ thứ. Tôi từng bị công an tạm giữ mấy lần do đi làm về khuya, không có CMND...”, Trọng trầm giọng.
Thủy, em gái của Trọng (20 tuổi, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM) vừa học vừa làm thêm kiếm sống. Nỗi lo lắng thường trực của Thủy là ra trường cũng bấp bênh tìm việc như anh mình.
|
Chị Trần Thị Tuyết Mai, Điều phối hoạt động Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn - nơi anh em Trọng sinh hoạt từ nhỏ, chia sẻ: “Dạo Thủy đậu cao đẳng, Thủy khóc và nói với chúng tôi là chắc con không đi học được. Thủy kể khi vô trường làm thủ tục nhập học, các cô hỏi CMND của em đâu? Thủy trả lời em không có CMND, thế là các cô phá lên cười khiến nó tủi thân và hoang mang. Rất may, thầy hiệu trưởng từng sang đây gửi sinh viên thực tập nên chúng tôi đã nhờ thầy can thiệp”.
Một nhân viên công tác xã hội khác tâm sự con đường học tập của Thủy nhiều phen gập ghềnh do gia đình em không có giấy tờ. Sau đó, nhờ Công an P.9, Q.3 xác nhận tạm trú và Cơ sở Thảo Đàn bảo lãnh, nên Thủy được tiếp tục việc học. Dù vậy, có những giai đoạn Thủy bị khủng hoảng tâm lý, muốn buông xuôi cuộc đời.
Chứng giấy tờ 5 năm chưa xong
Bà Phùng Thị Hợi quê ở tỉnh Hải Dương, đi thanh niên xung phong rồi ở lại miền Nam. Có thời gian bà sống ở khu Mã Lạng, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Năm 1996, lo sợ con sống trong điểm nóng ma túy sẽ bị “dính” xì ke, bà đã đưa con sang trọ ở khu vực P.9, Q.3. Nhưng khi ấy bà bị mất các loại giấy tờ (chỉ còn giấy khai sinh của con) nên không đăng ký tạm trú được.
Suốt 20 năm, bà Hợi mưu sinh bằng nghề bơm vá, sửa xe ở vỉa hè để nuôi con ăn học. Từ năm 2016, bà đành nghỉ việc sau khi phát bệnh suy tim giai đoạn 4.
Bà Hợi nhìn nhận: “Trước đây, tôi đâu nghĩ CMND và giấy tờ quan trọng đến thế. Quanh năm đầu tắt mặt tối, con cái đang học hành dang dở trong này, nên tôi không thể trở ra bắc sống mấy tháng trời để làm lại CMND. Đến khi khổ sở chạy chứng tạm trú cho con đi học đi làm, tôi mới thấm thía...”. Vì vậy, bà quyết định dốc sức cùng làm giấy tờ cho con, đặc biệt là khi chị ruột của bà ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12 đồng ý cho Trọng nhập hộ khẩu.
Trọng kể, sau một thời gian đăng ký tạm trú tại KP.3A, P.Đông Hưng Thuận, đến tháng 5.2012, Trọng đã được công an phường này cấp sổ tạm trú dài hạn (KT3). Và theo hướng dẫn của công an khu vực (mỗi lần hướng dẫn lại phát sinh những nội dung mới), suốt nhiều năm sau đó, anh tập trung công sức để hoàn thiện hồ sơ xin nhập hộ khẩu. Anh đã nhiều lần đến Công an P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1; Công an P.9, Q.3; tổ trưởng dân phố, những chủ nhà trọ... để xác nhận các giai đoạn lưu trú từ lúc sinh ra (1991) cho đến thời điểm kê khai.
Bên cạnh đó, người dì của Trọng đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu làm phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu và xác nhận bảo lãnh nhập khẩu cho Trọng. Phần bà Hợi cũng đã liên hệ chính quyền địa phương nơi bà cư trú ngày xưa ở tỉnh Hải Dương (xã Nguyên Giáp, H.Tứ Kỳ) để xác nhận bà và người chị nói trên có quan hệ huyết thống...
Theo Trọng, quá trình làm các giấy tờ của anh kéo dài qua ba “nhiệm kỳ” công an khu vực, nhưng vẫn không có kết quả.
Anh kể: “Từ năm 2014, khi tôi đã bổ sung tất cả hồ sơ như yêu cầu nhưng vẫn không được giải quyết... Bế tắc, tôi mang hồ sơ lên Công an Q.12 trình bày thì được hướng dẫn về phường gia hạn KT3 để nhập hộ khẩu. Nhưng sau khi hẹn tới hẹn lui, đến năm 2016, công an khu vực bảo tôi phải đăng ký tạm trú lại từ đầu, vì ít thấy tôi sống ở đây. Tôi giải thích là mẹ tôi dạo này đổ bệnh nặng, nên tôi chạy lên chạy xuống”.
Hình ảnh bà Hợi xác xơ như ngọn đèn mong manh trước gió và những lời ướt nặng nước mắt tủi hờn của Trọng cứ ám ảnh tôi: “Nhiều khi buồn quá, tôi nghĩ thà họ đuổi tôi đi luôn cho rồi. Đi đâu cũng được, miễn là chỗ đó không cần có giấy tờ. Chứ bây giờ tôi đã cố gắng hết sức, muốn có CMND để phấn đấu lên nhưng không ai chứng cho”. (còn tiếp)
Đã đáp ứng mọi điều kiện để được nhập hộ khẩu Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ pháp lý về trường hợp xin nhập hộ khẩu của Nguyễn Thanh Trọng, tôi thấy rằng hồ sơ này đã đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện để được nhập hộ khẩu thường trú tại P.Đông Hưng Thuận, Q.12. Cụ thể, Công an P.Đông Hưng Thuận sau khi tiếp nhận đăng ký tạm trú đã cấp sổ tạm trú dài hạn (KT3) cho Trọng. Theo luật Cư trú, mỗi cá nhân khi sinh sống tại một địa điểm có đăng ký tạm trú thường xuyên, được chủ nhà (trong trường hợp này là dì ruột của Trọng) bảo lãnh cho phép nhập hộ khẩu thì công an địa phương thực hiện việc nhập hộ khẩu cho cá nhân đó. Luật sư Phạm Hoài Nam (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM), Giám đốc Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn |
Hàng nghìn sản phẩm dán mác Zara không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc
Hàng nghìn sản phẩm quần áo, giày dép, phụ kiện nam nữ dán nhãn hiệu lớn Zara không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, ... |
"Bóc" đường dây nhận làm "thập cẩm" giấy tờ giả
Quá trình thực hiện lệnh khám xét đối với các đối tượng, cơ quan Công an thu giữ các loại bản chính, bản sao bằng ... |
Ngày đăng: 10:31 | 26/12/2017
/ Thanh niên