Khi các nước áp hạn chế ngăn Covid-19, một giao ước ngầm giữa chính phủ và người dân là "Chúng ta cùng trên một con thuyền".
Khi các nước áp hạn chế ngăn Covid-19, một giao ước ngầm giữa chính phủ và người dân là "Chúng ta cùng trên một con thuyền".
Vì vậy, khi những người có quyền lực hay có tầm ảnh hưởng lớn phá vỡ các quy tắc chống dịch, hành động của họ gây phản ứng dữ dội trong công chúng, đồng thời làm bật lên tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan hôm 26/8 phải từ chức vì vi phạm các biện pháp hạn chế chống Covid-19 của Ireland sau khi dự một sự kiện của hội chơi golf gồm toàn các chính trị gia. Ông chỉ là trường hợp mới nhất về hành vi vi phạm các quy tắc phòng dịch trong giới tinh hoa chính trị thế giới.
Dominic Cummings rời nhà ở London ngày 23/5. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland Dara Calleary trước đó cũng từ chức vì liên quan đến bê bối hội chơi golf. Bữa tiệc của hội được tổ chức một ngày sau khi chính phủ Ireland áp dụng các biện pháp hạn chế mới, có hiệu lực ngay lập tức, hạn chế số người tham gia những buổi tụ tập trong nhà từ 50 xuống còn 6.
Bộ trưởng Y tế New Zealand David Clark cũng buộc phải từ chức hồi tháng trước vì đưa gia đình tới bãi biển, không tuân thủ lệnh ở nhà của chính phủ.
Tại Mỹ, quy tắc giãn cách gần như bị bỏ qua hoàn toàn tại các sự kiện của Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa tuần qua. Trong đó, hơn 1.000 người đã tập trung tại bãi cỏ Nhà Trắng, rất ít người đeo khẩu trang, ngồi cùng nhau, chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu chấp nhận đề cử ứng viên tổng thống của đảng tối 27/8.
Tại Anh, hành vi của Dominic Cummings, cố vấn thân cận bên cạnh Thủ tướng Boris Johnson, đã trở thành minh chứng về tiêu chuẩn kép trong cái nhìn của công chúng, nơi người dân phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt, trong khi giới tinh hoa có thể vi phạm mà không bị trừng phạt.
Cummings từ chối xin lỗi khi hồi cuối tháng ba, ông sử dụng xe riêng đưa vợ đang có triệu chứng Covid-19 cùng con trai 4 tuổi vượt qua quãng đường hơn 400 km từ London tới trang trại của bố mẹ tại Durham, vi phạm lệnh phong tỏa nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Bất chấp sự phẫn nộ từ công chúng, Cummings không từ chức và cũng không bị sa thải. Cảnh sát đang điều tra những hành động của Cummings, song ông chưa phải đối mặt bất kỳ hình phạt nào.
Những trường hợp vi phạm như vậy trong giới tinh hoa có ảnh hưởng lâu dài đến thái độ sẵn sàng tuân thủ các biện pháp hạn chế của công chúng, Susan Michie, giáo sư về tâm lý sức khỏe tại Đại học College London (UCL), nhận xét.
"Chúng ta đều biết rằng niềm tin và công bằng là hai yếu tố tối quan trọng trong nỗ lực thuyết phục người khác tuân thủ một quy định nào đó", Michie nói. "Chúng ta cũng biết được từ dữ liệu thu thập hàng tuần rằng niềm tin đã giảm đáng kể cùng với thái độ tuân thủ quy định sau sự việc của Dominic Cummings. Rất khó xây dựng lại niềm tin. Nó dễ mất nhưng khó tìm".
Theo Michie, quyết định vẫn bảo vệ Cummings của chính quyền Thủ tướng Johnson chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn.
Hồi tháng 5, giáo sư Neil Ferguson, nhà dịch tễ học hàng đầu giữ vai trò tư vấn cho chính phủ Anh về phản ứng với Covid-19 đã từ chức sau khi phá vỡ lệnh phong tỏa, để một phụ nữ, được cho là người tình của ông, đến nhà.
Hành động này của những người có ảnh hưởng "làm trầm trọng thêm cảm giác bị tước đoạt quyền của người dân, vì chúng làm bật lên thông điệp rằng giữa họ và các quan chức đang tồn tại hai hệ thống quy định khác nhau. Một bộ quy định nghiêm khắc cho dân thường, còn một hệ thống đặc quyền cho giới tinh hoa", Linda Bauld, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Edinburgh, nhận xét.
Các ngôi sao thể thao và thành viên của giới tinh hoa văn hóa cũng phá vỡ những quy tắc chống dịch.
Nhà văn Neil Gaiman hồi tháng 5 từng gây phẫn nộ khi viết blog kể về chuyến đi từ New Zealand trở về quê nhà ông trên hòn đảo Skye xa xôi của Scotland, trong khi các biện pháp hạn chế đi lại vẫn còn hiệu lực.
Trong một bài đăng sau đó, Gaiman cho biết ông đã không suy nghĩ thấu đáo vì bị phân tâm bởi rắc rối trong hôn nhân. "Tôi muốn xin lỗi tất cả mọi người trên đảo vì đã tạo ra sự hỗn loạn", ông nói.
Vận động viên cricket người Anh Jofra Archer đã bị loại khỏi một trận thi đấu vì phá vỡ các giao thức an toàn của đội sau khi về thăm nhà mà chưa được cho phép giữa đại dịch.
Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan tại một sự kiện ở Brussels, Bỉ, ngày 30/9/2019. Ảnh: AP.
Một số cầu thủ ở giải bóng đá Ngoại hạng Anh và cả huấn luyện viên Jose Mourinho của đội Tottenham cũng đều từng vi phạm lệnh phong tỏa. Cầu thủ Kyle Walker từ đội Manchester City phải lên tiếng xin lỗi sau khi tổ chức một bữa tiệc với hai gái mại dâm. Tiền đạo Moise Kean của đội Everton bị khiển trách vì tham gia một buổi tiệc.
Các ví dụ như vậy đều mang đến tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với nam thanh niên, những người ít có tinh thần sẵn sàng tuân thủ quy tắc, theo Michie. Bà từng kêu gọi chính phủ Anh tận dụng tối đa hình ảnh của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên, lấy họ như hình mẫu trong chiến dịch truyên truyền về tuân thủ quy tắc phòng dịch, nhằm tiếp cận nhiều nhóm khác nhau trong xã hội.
Việc những người giàu có và quyền lực coi thường các quy tắc phòng chống Covid-19 chỉ làm tăng thêm bất bình trong công chúng, chuyên gia đánh giá.
Covid-19 khiến xã hội Anh thậm chí trở nên bất bình đẳng hơn trước, với những hạn chế trong tiếp cận không gian bên ngoài và tình trạng mất việc đang ảnh hưởng tới những người nghèo khó nhất, theo Michie. "Cái gọi là 'một quy tắc cho họ, một quy tắc cho ta' làm suy yếu hoàn toàn tầm quan trọng của trách nhiệm tập thể", bà nhấn mạnh. "Thật khó chịu khi nhìn thấy những người có nhiều thứ trong xã hội luôn muốn thêm, còn những người có rất ít lại không được cho thêm".
Giáo sư Stephen Reicher, nhà khoa học hành vi tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cảnh báo việc truyền thông tập trung quá nhiều vào hành vi phá luật của giới tinh hoa sẽ mang đến nhiều rủi ro.
"Nếu chúng ta quan tâm quá nhiều tới những hành vi vi phạm, nó không chỉ làm lệch lạc suy nghĩ của mọi người mà còn làm suy yếu mức độ tuân thủ quy tắc khi tạo ra các chuẩn mực sai lầm. Người ta sẽ tự hỏi 'nếu tất cả mọi người đều ra ngoài, những người khác đều vi phạm thì tại sao chúng ta không thể?", ông cho hay.
Một mối nguy hiểm khác nằm ở việc chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhưng không cung cấp đủ hỗ trợ vật chất cho những thành viên nghèo khó và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
"Nếu muốn mọi người tuân thủ, bạn cần tạo ra cảm giác 'chúng ta cùng làm', tất cả mọi người cùng chung tay. Bạn phải hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện điều mà họ muốn làm", Reicher lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Ngày đăng: 15:35 | 31/08/2020
/ vnexpress.net