Fatmata, cô gái 28 tuổi đến từ Sierra Leone, bật khóc khi nhớ lại 6 tháng làm "nô lệ tình dục" cho gã du mục ở Sahara. 

"Họ gọi ông ta là Ahmed. Ông ta rất to lớn và độc ác", Fatmata, cô gái 28 tuổi sống ở thủ đô Freetown của Sierra Leone, kể lại. "Ông ta nói 'Cô là nô lệ, cô là người da đen, những người như cô chỉ đến từ địa ngục'".

Ahmed, một gã du mục ở sa mạc Sahara, đã bắt Fatmata làm nô lệ dưới danh nghĩa "vợ". Gã nói với Fatmata rằng gã có quyền làm bất cứ điều gì với một nô lệ như cô, thậm chí còn mời bạn bè tới nhà "thưởng thức" cô. "Chúng tra tấn tôi mỗi ngày", Fatmata nói.

nhung nguoi di cu quay dau khong la bo
Fatmata đến từ thủ đô Freetown của Sierra Leone. Ảnh: BBC.

Đó là những gì cô gái 28 tuổi phải trải qua khi tìm cách vượt biên khỏi Tây Phi để đến Địa Trung Hải. Cuối cùng, cô cũng trốn thoát khỏi Ahmed, nhưng lại lọt vào tay của những kẻ buôn người, chúng giam cô trong một "nhà tù" ở Algeria.

Sau khi thoát khỏi khu nhà giam đó, Fatmata từ bỏ hoàn toàn giấc mơ đến châu Âu. Cô đã nộp đơn lên Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), nơi giúp đỡ những người di cư muốn trở về nhà.

Tháng 12 năm ngoái, Fatmata trở lại Freetown bằng xe buýt từ Mali. Nhưng chào đón cô không phải là một cuộc đoàn tụ tình cảm, không một lời chào hỏi, cũng không có những cái ôm. Gần một năm trôi qua, Fatmata không được gặp mẹ đẻ hay con gái 8 tuổi của mình.

"Tôi đã rất vui khi trở lại. Nhưng giờ tôi ước gì đã không làm vậy", Fatmata nói. Khi quay lại quê hương, Fatmata đã gọi cho anh trai, nhưng phản ứng của anh làm cô thất vọng.

"Anh ấy nói với tôi, mày đừng nên quay về nhà nữa. Mày nên chết ở nơi mày đã đến ấy, bởi vì mày không đem bất cứ thứ gì về". Trái tim người phụ nữ 28 tuổi bỗng dưng tan nát, cô không còn đủ dũng khí để đi gặp mẹ.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà gia đình Fatmata không chào đón cô. Cô đã ăn cắp 25 triệu leones (2.600 USD) của người dì để làm vốn liếng vượt biên sang châu Âu. Đây là số tiền mà dì, vốn tin tưởng Fatmata hết mực, giao cho cô để đi mua quần áo về bán lại.

"Lúc ấy tôi chỉ nghĩ làm thế nào để lấy được tiền và đi", Fatmata nói, giải thích rằng cô không phải là một kẻ ích kỷ. "Nếu đến được châu Âu, tôi có thể kiếm lại được gấp ba số tiền đó, tôi sẽ chăm sóc tốt cho dì và mẹ tôi".

Nhưng Fatmata không đến được châu Âu, còn việc kinh doanh của người dì đổ vỡ kể từ khi cô lấy số tiền vốn đó, chưa kể mối quan hệ giữa dì và mẹ cô cũng sứt mẻ. "Tôi đau lòng, rất đau", mẹ của Fatmata nói. "Ngày gặp lại nó, tôi sẽ đưa nó tới đồn cảnh sát, còn tôi sẽ chết".

Đó không chỉ là câu chuyện của riêng nhà Fatmata, mà của nhiều gia đình trong số hơn 3.000 người Sierra Leone hơn hai năm qua, những người đã trở lại quê hương sau khi "giấc mơ châu Âu" tan vỡ.

Người thân của họ từng góp tiền để giúp họ thực hiện giấc mơ đổi đời ở trời Âu, nhưng giờ họ không sẵn sàng làm điều đó nữa, khi những câu chuyện về tù đày hay cái chết dọc tuyến đường di cư tăng lên. Bây giờ, những người có ý định di cư sang châu Âu sẽ phải âm thầm thực hiện kế hoạch, thậm chí "giật gấu vá vai" bất cứ khoản tiền nào họ có thể, kể cả cầm cố sổ đỏ.

Tại trụ sở của Mạng lưới vận động chống di cư bất thường, một nhóm tình nguyện viên giúp đỡ những người di cư trở về xây dựng lại cuộc sống của họ. Tất cả những người tới đây đều là "con nợ" của người thân trong gia đình.

nhung nguoi di cu quay dau khong la bo
Jamilatu, một trong những người trở về Sierra Leone sau khi di cư sang châu Âu không thành công. Ảnh: BBC.

Jamilatu, 21 tuổi, trốn thoát cùng với Fatmata khỏi nhà giam của những kẻ buôn người ở Algeria, đã cầm 3.500 USD của mẹ trước khi rời nhà, những mong hiện thực hóa giấc mơ châu Âu.

Đây không phải là tiền của mẹ cô, mà là tiền "đóng họ" của hàng xóm. Sau khi Jamilatu ra đi, các chủ nợ giận dữ bao vây nhà mẹ cô, đe dọa sẽ giết bà nếu không trả lại tiền. Mẹ của Jamilatu phải trốn đến Bo, cách nhà khoảng 3 giờ ở miền nam, bỏ lại chồng và 3 đứa con.

"Mẹ không muốn nói chuyện với tôi, vì tiền", Jamilatu nói. "Bởi vậy khi trở về, tôi không gặp bà ấy suốt hơn hai năm nay, dù rất muốn gặp mẹ".

Nhưng Maryatu, mẹ của Jamilatu, cho hay bà rất muốn gặp lại con gái, bất chấp những đau khổ mà cô đã gây ra. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi của hai mẹ con diễn ra trong im lặng. Jamilatu quỳ trước mặt mẹ, cầu xin tha thứ, rồi cô trở về Freetown.

Cô gái 21 tuổi nói rằng cô là người hạnh phúc nhất trên Trái đất hôm ấy vì đã được nhìn thấy mẹ, nhưng mẹ trông không vui. Mẹ cô nói rằng họ không thể sống cùng nhau cho đến khi Jamilatu góp đủ số tiền để trả cho các chủ nợ.

Nhưng trả nợ không đơn giản, bởi Jamilatu và Fatmata đều không có việc làm. Cả hai hiện phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Mạng lưới vận động chống di cư bất thường, được sáng lập bởi Sheku Bangura, bản thân cũng là một người di cư trở về nước.

Tổ chức này hiện nhận được rất ít sự hỗ trợ từ chính quyền, chủ yếu tìm chỗ ở cho những người vô gia cư và nhờ cảnh sát can thiệp khi có rắc rối về pháp lý, đồng thời tư vấn tâm lý cơ bản cho những người di cư thất bại.

"Tôi đã gặp rất nhiều người di cư có vấn đề về tâm lý. Những người trẻ sống trên đường phố, họ không có chỗ để ngủ, chẳng dễ dàng gì", Bangura nói.

Alimamy, 31 tuổi hiện là thành viên của Mạng lưới vận động chống di cư bất thường. Thanh niên này từng ăn cắp một chiếc máy chiết rót tự động của chú mình rồi lang thang khắp Sahara ba năm trước để tìm đường sang châu Âu.

Một trong hai người bạn đồng hành của Alimamy đã chết đói trên sa mạc, người thứ hai chết đuối khi cố vượt Địa Trung Hải bằng xuồng nhỏ. Alimamy bị tống giam ở Libya và được giải cứu vào tháng 11/2017, khi IOM tổ chức các chuyến hồi hương từ Tripoli đến Tây Phi cho những người di cư muốn trở về.

Vì quá kiệt sức, Alimamy chấp nhận trở về, nhưng anh lo sợ không được chào đón. "Tôi đã nghĩ rằng tôi không nên quay lại Sierra Leone vì chú tôi rất nghiêm khắc", Alimamy nói. Từ khi về nước, Alimamy sống cùng những người bạn. Anh trai của Alimamy, Sheik Umar, một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, cho hay gia đình đã biết tin em trai đang ở Freetown, nhưng không dám đối diện với người thân.

Umar còn nói anh từng thân thiết với em trai, nhưng nếu cậu xuất hiện bây giờ, anh ta đảm bảo em mình sẽ "bị bắt, bị truy tố và kết án". "Nếu nó chết trong tù, tôi sẽ không hối tiếc. Tôi chắc chắn không ai trong nhà tôi sẽ hối tiếc vì nỗi hổ thẹn mà nó đã gây ra cho tất cả chúng tôi".

nhung nguoi di cu quay dau khong la bo
Umar, anh trai của Alimamy. Ảnh: BBC.

Umar cho hay việc kinh doanh mà người chú đã giao cho Alimamy có thể nuôi sống cả nhà. "Nhưng nó đã phung phí cơ hội đó và giờ tất cả chúng tôi đang ở trong mớ hỗn độn này. Bây giờ tôi đi đâu cũng bị chế giễu. Mẹ tôi bị bệnh và phải chuyển về quê. Đó là nguồn kiếm cơm của chúng tôi. Nhưng Alimamy đã phá nát mọi thứ".

Bản thân Alimamy cũng tức giận và thất vọng. Anh nói đã trở về nhà nhưng mọi người coi anh như "kẻ vô hình". "Nơi tôi sống giống như một địa ngục vậy. Cách mọi người nhìn tôi khiến tôi không vui. Họ coi tôi như thể không phải con người."

IOM trao cho những người di cư gốc Phi tự nguyện về nước một khoản "trợ cấp tái hòa nhập" khoảng 1.500 euro, được trích từ quỹ trị giá 349 triệu euro do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Song các khoản phụ cấp này không được trả bằng tiền mặt, bởi nếu có, hầu hết những người di cư sẽ dùng để trả nợ cho người thân. Bởi vậy, IOM trả tiền cho hàng hóa hoặc dịch vụ mà người di cư cần để kiếm sống, sau khi họ chứng minh được nhu cầu.

Alimamy có khoản trợ cấp để có thể mua một chiếc xe máy cho thuê. Nhưng chỉ sau 4 tháng, người thuê chiếc xe của anh đã "một đi không trở lại". Còn Fatmata và Jamilatu không nhận được trợ cấp, vì có nhiều người Sierra Leon khác giả danh làm người di cư trở về từ Sahara để được nhận trợ cấp. Do vậy, tất cả những người trở về từ Mali đợt đó bị cắt khoản tiền này.

Bây giờ, cả ba người, Alimamy, Fatmata và Jamilatu đều tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức trong Mạng lưới vận động chống di cư bất thường. Họ xuống phố, mang theo những tấm biểu ngữ và loa phóng thanh, cảnh báo những người trẻ tuổi về những nguy cơ của di cư bất hợp pháp, kêu gọi ở lại "Sierra Leone ngọt ngào". Nhưng với riêng họ, quê hương giờ đây không còn ngọt ngào nữa.

Mai Lâm (Theo BBC)

nhung nguoi di cu quay dau khong la bo [Ảnh] Paris triệt xóa trại di cư trái phép nơi nhiều người đang tìm đường sang Anh

Có tới 1.500 người di cư vừa bị đưa ra khỏi khu trại bất hợp pháp ở Paris. Trong số này, ước tính có hàng ...

nhung nguoi di cu quay dau khong la bo Lại phát hiện xe tải chở 16 người nhập cư trái phép vào Anh

Cảnh sát Hà Lan hôm 6/11 phát hiện một xe tải chở theo 16 người di cư chuẩn bị lên phà ở Hà Lan khi ...

Ngày đăng: 21:42 | 20/11/2019

/ vnexpress.net