Truy thu thuế các ông lớn Sabeco, Unilever, chủ trương xóa nợ thuế không thể thu hồi, giá nước… là những vấn đề gây tranh cãi nhiều trong năm 2019.
Truy thu thuế các ông lớn Sabeco, Unilever, chủ trương xóa nợ thuế không thể thu hồi, giá nước,... là những vấn đề gây tranh cãi nhiều trong năm 2019.
Rối bời truy thu thuế Sabeco
Ngày 28/12/2018, Sabeco nhận được 5 quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco để thi hành Thông báo số 20080/TB-CT ngày 24/12/2018 của Cục Thuế TP.HCM.
Theo Cục Thuế TP.HCM, đây là việc cưỡng chế liên quan đến số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp của Sabeco. Cơ quan này trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỷ đồng.
Cụ thể, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Sabeco; trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007-2015 là hơn 2.645 tỷ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỷ đồng.
Truy thu thuế Sabeco, Unilever gây xôn xao. |
Ngay sau đó, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có văn bản gửi Cục thuế TP.HCM phản hồi về việc bị truy thu và phạt về thuế số tiền hơn 3.140 tỷ đồng. Theo đó, Sabeco không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TP.HCM.
Cuối cùng, ngày 2/1/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hoả tốc gửi Bộ Tài chính và UBND TP.HCM, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ liên quan đến vấn đề này thì Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.
Đau đầu khoản truy thu thuế Unilever
Khi kiểm toán ngân sách TP.HCM năm 2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu Unilever hơn 800 tỷ đồng. Sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng.
Từ đó, Unilever liên tục phản ứng với các quyết định truy thu thuế. Cuối năm 2018, Cục Thuế TP.HCM một lần nữa ra văn bản yêu cầu Unilever cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế thi hành việc truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ngay lập tức, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để phản ứng. Unilever cho rằng, điều này đặt họ vào tình thế vô cùng khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động và uy tín của Unilever tại Việt Nam.
Vì thế, Unilever đề nghị Thủ tướng khẩn cấp chỉ đạo các bộ ngành liên quan không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để thống nhất chờ kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Tranh cãi xóa nợ thuế không thu hồi được
Ngày 26/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xoá tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với người không còn khả năng nộp ngân sách.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị được khoanh và không hồi tố với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 và xoá số nợ thuế gần 16.400 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp.
Việc xóa các khoản nợ thuế không thể thu hồi gây tranh cãi. |
Đây là các khoản nợ không có khả năng thu hồi, của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, các DN đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã giải thể, phá sản, đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vì vậy cũng không thể thu cho Ngân sách nhà nước.
Nghị quyết này chỉ khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, chưa xử lý tiền nợ thuế gốc. Khoản nợ gốc sẽ được cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi, xử lý theo quy định.
Điều kiện tiên quyết để được xoá nợ là người nộp thuế đã chết, mất tích hoặc không còn khả năng nộp ngân sách.
Về thẩm quyền, Thủ tướng được quyết định xoá khoản nợ thuế từ 15 tỷ đồng trở lên. Khoản nợ thuế 10-15 tỷ đồng do Bộ trưởng Tài chính quyết định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được quyền xoá nợ thuế với khoản tiền 5-10 tỷ đồng.
Còn khoản nợ thuế dưới 5 tỷ đồng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định xoá nợ.
Tranh cãi giá nước Sông Đuống
Tháng 7/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.
Đáng chú ý, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Mức giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà. Vì vậy, mức giá Hà Nội tạm tính cho Sông Đuống lên đến hơn 10.000/m3 là điều gây tranh cãi trong những tháng cuối năm 2019.
Nhiều ý kiến thắc mắc vì sao Hà Nội chấp nhận mức giá cao như vậy cho nhà máy nước sông Đuống trong khi giá nước là mặt hàng liên quan đến hàng triệu người dân? Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý khác vào cuộc làm rõ mức giá này có hợp lý hay không, tránh tình trạng người dân phải mua nước giá đắt, nhà nước bù lỗ còn DN lại lãi lớn.
Ban Kinh doanh 13/12/2019 03:00 GMT+7
Gian lận điểm thi Sơn La: Phơi bày những khoản tiền "đi đêm" của các bị can
Theo kết luận điều tra bổ sung, nhiều khoản tiền "đi đêm" giữa các bị cáo và những người được nhờ nâng điểm cho các thí sinh được ... |
Học sinh phải đóng những khoản tiền nào đầu năm học mới?
Năm học 2019-2020, ngoài tiền học phí, học sinh tại Hà Nội sẽ phải đóng thêm một số khoản như bảo hiểm y tế, tiền ... |
Bất ngờ những khoản tiền ngoài lương của HLV Park Hang Seo
Lương HLV Park Hang Seo 22.000 USD/tháng, nhưng ông còn bỏ túi những khoản thu không nhỏ khác nhờ U23 Việt Nam. Dự báo con ... |
Ngày đăng: 08:07 | 13/12/2019
/ vietnamnet.vn