Dù không đạt thỏa thuận, hội nghị giúp hai bên hiểu rõ mong muốn của đối phương, tạo nền tảng vững chắc cho đối thoại sau này.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP. |
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27-28/2 kết thúc sớm hơn so với lịch trình và không đưa ra được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh và quốc phòng Mỹ cho rằng dù không được như kỳ vọng, hội nghị này vẫn cho thấy những điểm sáng đầy hứa hẹn trong quan hệ Mỹ - Triều, theo SCMP.
"Cả hai lãnh đạo đều đầu tư rất nhiều công sức vào quá trình này, đặc biệt là ông Kim Jong-un", Joel Wit, giám đốc trang web chuyên nghiên cứu Triều Tiên 38 North, nói.
"Ông ấy không đến đó chỉ để gây sự chú ý từ truyền thông quốc tế như nhiều người nói. Đây là sự thay đổi thực sự trong chính sách của Triều Tiên, ông ấy đang cố gắng đi theo một con đường khác", Wit nói. "Hội nghị thượng đỉnh đã đạt được tiến bộ trong một loạt vấn đề, chỉ là không đủ để đạt được thỏa thuận cuối cùng".
Wit không nêu cụ thể những tiến bộ đạt được tại cuộc gặp Trump - Kim lần này, nhưng bình luận của ông tương đồng với nhận xét của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông này nói vào ngày 1/3 rằng: "Chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận vào thời điểm này, nhưng chúng tôi đã bàn bạc rất chi tiết - điều chúng tôi đã không làm được trong một thời gian dài kể từ tuyên bố chung Singapore, bao gồm việc làm rõ về tổ hợp hạt nhân Yongbyon".
"Đây là vấn đề rất quan trọng đối với chúng tôi khi tìm cách giải giáp toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Triều Tiên", ông nhấn mạnh.
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon được quân đội Triều Tiên xây dựng từ những năm 1990, được coi là "trái tim" hay "viên ngọc quý" trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong các cuộc đàm phán tiền hội nghị, Triều Tiên đã đề xuất sẽ phá hủy cơ sở này để đổi lấy việc Mỹ gỡ bỏ một loạt biện pháp trừng phạt do Liên Hợp Quốc áp đặt.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ nói rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng đóng băng hoàn toàn chương trình hạt nhân. "Điều đó có nghĩa là nếu chúng tôi nới lỏng trừng phạt, chúng tôi sẽ vô tình trở thành kẻ cấp tiền cho chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Triều Tiên", ông nói, nhưng nhấn mạnh hai nước còn nhiều cơ hội để tiếp tục đàm phán.
Chuyên gia an ninh Scott Snyder từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng hội nghị ở Hà Nội "đã làm rõ những ngăn cách giữa Bình Nhưỡng và Washington, về lòng tin với nhau, quy mô phi hạt nhân hóa và nới lỏng trừng phạt theo định nghĩa của mỗi bên".
Snyder nói rằng dù không đưa ra được thỏa thuận, hội nghị có thể tạo ra nền tảng vững chắc hơn cho các cuộc đối thoại trong tương lai. Chúng sẽ hiệu quả hơn những cuộc đối thoại lâm vào bế tắc sau hội nghị đầu tiên được coi là "thành công" tại Singapore.
Việc không đạt được thỏa thuận "cho Mỹ và Triều Tiên cơ hội để hiểu rõ hơn đối phương muốn gì", ông bình luận và bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán ở cấp thấp hơn giữa quan chức hai nước sẽ sớm được nối lại.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun, người dẫn đầu các cuộc thảo luận ở cấp quan chức, đã vắng mặt trong cuộc họp thượng đỉnh tại Hà Nội. Trong khi đó, những người ngồi cùng ông Trump trong cuộc họp mở rộng với Triều Tiên là Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney - người có kinh nghiệm đối ngoại hạn chế. Bên phía Triều Tiên, đặc phái viên Kim Hyok-chol cũng không có mặt.
Giới chuyên gia cho rằng các đặc phái viên nên tham gia thảo luận để có sự liên kết giữa cuộc họp cấp quan chức với hội nghị thượng đỉnh. "Đúng là một số khía cạnh của hội nghị lẽ ra nên được tổ chức tốt hơn để củng cố tầm quan trọng của vai trò đặc phái viên", Snyder nhận xét.
Joseph Bosco, bình luận viên của The Hill, cho rằng việc Kim Jong-un không cam kết tháo dỡ toàn bộ cơ sở hạt nhân của Triều Tiên trong lần đàm phán này chứng tỏ ông thực sự nghiêm túc với cam kết của mình, hơn hẳn những lời hứa mơ hồ trong tuyên bố chung ở hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất.
Ngoài ra, việc Trump từ chối ký vào một thỏa thuận với Triều Tiên vào thời điểm ông rất cần một kết quả để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi phiên điều trần của cựu luật sư Michael Cohen cho thấy Tổng thống Mỹ là người có bản lĩnh và trách nhiệm thực sự.
Những lý do đó khiến Bosco tin rằng trong những vòng đàm phán tiếp theo, Triều Tiên sẽ hiểu rõ về Trump hơn, từ bỏ ý định "dẫn dụ hoặc bắt nạt" Tổng thống Mỹ và sẽ thảo luận một thỏa thuận mang tính thực chất hơn, điều người dân hai nước và cả thế giới đã trông chờ suốt hàng thập kỷ qua.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Những dấu ấn đặc biệt chưa từng có ở Việt Nam
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội ghi dấu những điều chưa từng có tiền lệ như cuộc họp báo vào lúc ... |
Sóng gió chính trị chờ TT Trump sau hội nghị thượng đỉnh
Trở về sau khi gặp lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump sẽ phải đối mặt với sức ép mới từ những cáo buộc chống lại ... |
Ngày đăng: 14:18 | 05/03/2019
/ VnExpress