Sau khi thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) xuất hiện dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới vào cuối tháng trước, hơn 500.000 nhân viên y tế của tỉnh Hồ Bắc đã phải bỏ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán,...

Tại Vũ Hán, các đội cấp cứu ở tuyến đầu của cuộc chiến chống virus Corona đã làm việc không ngừng nghỉ để cứu sống những bệnh nhân mới. Hôm mùng 2 Tết, y tá Zhang Jing và một lái xe cấp cứu đã làm việc 12 tiếng không nghỉ từ sáng đến tối. Bất cứ khi nào có điện thoại báo, họ nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tờ Chinadaily mô tả, Zhang Jing có 2 chiếc điện thoại di động hoạt động liên tục với ít nhất 300 cuộc gọi mỗi ngày để nhận bệnh nhân. Cô hầu như không có thời gian để trả lời tin nhắn con gái vào đêm Giao thừa, chỉ gọi điện nói đơn giản là cô vẫn ổn và cực kỳ bận.

Tuần trước, trên mạng xã hội Trung Quốc có lan truyền một số cảnh quay gây sốc về thực trạng công việc của các nhân viên y tế ở Vũ Hán. Đó là cảnh một nữ nhân viên khóc và hét lên “Tôi không thể chịu đựng được nữa” sau những ngày làm việc triền miên để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona. Đó còn là hình ảnh một bác sĩ kiệt sức đổ gục trong văn phòng hay một nam bác sỹ gọi điện thoại nổi cáu với cán bộ quản lý vì không bố trí người thay thế khiến anh phải làm việc không ngừng nghỉ trong Tết Nguyên đán. Chỉ một vài ví dụ đó đã cho thấy áp lực công việc của đội ngũ nhân viên y tế, những “chiến binh” đứng đầu trên mặt trận chống virus chết người nặng nề đến chừng nào.

 

Nhân viên y tế không nằm ngoài nguy cơ lây nhiễm

Theo SCMP, vụ dịch này được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 31-12 và chỉ đến ngày 12-1, người ta mới xác định được chính xác nguyên nhân do chủng virus Corona mới. Trong phần lớn thời gian đó, đội ngũ nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện Vũ Hán không hề biết căn bệnh này lây truyền từ người sang người. Dù số liệu không được công khai, nhưng chắc chắn đã có một bộ phận bác sỹ, nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm vì virus có độc lực cao và siêu lây lan.

“Nhiều người ban đầu không được thông báo về khả năng lây truyền từ người sang người. Khi dịch bùng phát thì họ không có đủ dụng cụ bảo hộ, dụng cụ kiểm tra và các vật tư khác. Chúng tôi lo lắng cho các đồng nghiệp bị nhiễm bệnh, nhưng đối với phần còn lại, không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục”, bác sỹ Yuen Kwok-yung - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông trích lời đồng nghiệp ở Vũ Hán chia sẻ.

“Nhiều nhân viên y tế ban đầu không được thông báo về khả năng lây truyền từ người sang người. Sau đó, khi dịch bùng phát thì họ không có đủ dụng cụ bảo hộ, dụng cụ kiểm tra và các vật tư khác. Chúng tôi lo lắng cho các đồng nghiệp bị nhiễm bệnh, nhưng đối với phần còn lại, không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục”, một bác sỹ ở Vũ Hán chia sẻ.

 

Một bác sĩ khác, người đã giúp điều trị bệnh nhân Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) ở Vũ Hán 17 năm trước cho biết, nhiều đồng nghiệp cũ và bạn học của anh ở trường y đã bị ốm. “Bạn có thể tìm thấy các bác sĩ bị nhiễm bệnh ở hầu hết các bệnh viện lớn ở Vũ Hán”, người này nói. Zhong Nanshan - chuyên gia chống dịch SARS hàng đầu của Trung Quốc từng tiết lộ trong một cuộc họp báo tuần trước rằng, chỉ riêng 1 bệnh nhân điều trị ở Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Vũ Hán nhưng đã lây nhiễm cho 14 nhân viên y tế. Bên cạnh đó, do chưa lập khu cách ly nên bệnh nhân viêm phổi nằm lẫn ở các khoa khác nhau, do đó nhiễm trùng chéo cũng là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm ở nhân viên y tế.

Cán bộ y tế bị sa thải nếu lơ là

Cũng trong tình hình “nước sôi lửa bỏng”, công tác chống dịch đòi hỏi chính xác, nhanh nhạy, kịp thời cũng như tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành y tế. Kênh Channel News Asia đưa tin, ngày 30-1, Giám đốc Sở Y tế của một thành phố gần tâm dịch Vũ Hán đã bị sa thải sau khi xuất hiện trên truyền hình mà không thể trả lời các câu hỏi cơ bản khiến cộng đồng phẫn nộ.

 

Dù làm việc liên tục dưới áp lực nhưng đội ngũ y bác sỹ ở Vũ Hán mang tinh thần “chiến binh”, quyết tâm ngăn chặn đại dịch

Bà Tang Zhihong, người đứng đầu ngành y tế thành phố Hoàng Cương, nơi đã xác nhận 500 trường hợp nhiễm virus mới cùng 12 ca tử vong hôm đó đã được đoàn thanh tra chính phủ và phóng viên hỏi về số lượng bệnh nhân đang điều trị. Tuy nhiên, bà này trả lời: “Tôi không biết, tôi không rõ. Tôi chỉ biết có bao nhiêu giường. Đừng hỏi tôi có bao nhiêu người đang được điều trị”.

Trước câu trả lời đó, dư luận phẫn nộ bởi số ca mắc virus Corona mới ở Hoàng Cương chỉ đứng thứ 2 sau Vũ Hán lân cận. Thành phố này cũng đã bị đóng cửa, ngừng liên thông với các địa phương khác. Chỉ vài giờ sau, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hoàng Cương đã bị cách chức qua một thông báo ngắn gọn. Chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ điều tra và trừng phạt các quan chức nếu lơ là công tác chống dịch.

Cổ vũ những “chiến binh” nơi tuyến đầu

17 năm sau khi xảy ra đại dịch SARS, Trung Quốc chưa có một bệnh viện lớn nào là nơi chuyên điều trị cho bệnh nhân dịch bệnh lớn. Chính vì thế, thành phố Vũ Hán, nơi tâm dịch bùng phát đang khẩn trương hoàn thành để đưa vào hoạt động 2 bệnh viện chuyên điều trị virus mới vào ngày 3 và 5-2. Với công suất 2.600 giường và tiến độ xây dựng thần tốc trong 10-12 ngày, các cơ sở này sẽ giúp chẩn đoán và điều trị cách ly cho bệnh nhân một cách hiệu quả, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế.

 

 

Tính đến hết ngày 31-1, Trung Quốc đã ghi nhận tổng số 11.791 trường hợp nhiễm virus Corona mới, với 259 người chết và 243 người đã khỏi bệnh. Tỉnh Hồ Bắc đã báo cáo 1.347 ca nhiễm mới và 45 trường hợp tử vong, trong khi toàn quốc có 2.102 trường hợp mới và 46 ca tử vong.

 

Cùng với đó, để hỗ trợ công tác chống đại dịch, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã điều ngay 450 bác sĩ quân y đến Vũ Hán vào đêm Giao thừa năm Canh Tý 2020. Tính đến ngày 28-1, Trung Quốc đã cử gần 6.000 nhân viên y tế từ khắp đất nước đến tỉnh Hồ Bắc trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của virus Corona mới. Những vất vả, cố gắng của nhân viên y tế - đội ngũ “chiến binh” ở tuyến đầu chống dịch đã được chính phủ và nhân dân ghi nhận, chia sẻ.

Trang tin CGTN của Trung Quốc ngày 31-1 đã đăng tải một câu chuyện cảm động về một cặp vợ chồng sẵn sàng phục vụ đồ ăn cho đội ngũ nhân viên y tế ở Vũ Hán 24/7 trong suốt thời gian qua. Thời điểm này, hầu hết các cửa hàng, nhà hàng ở trung tâm thành phố Vũ Hán đã đóng cửa. Đó là một khó khăn đối với những người phải làm việc qua đêm trong bệnh viện. Bán đồ ăn là một chuyện, nhưng giao hàng tới bệnh viện giữa thời điểm dịch này lại là câu chuyện khác. Nhưng với cô Qiu Beiwen, chủ một cửa hàng đồ nướng ở quận Panlongcheng (Vũ Hán) lại có quan điểm riêng: “Bạn không thể để những người chiến đấu ở tiền tuyến cảm thấy đói và thất vọng”. Qiu thông báo mở dịch vụ giao đồ ăn 24/7 cho nhân viên y tế tuyến đầu từ 4h sáng 25-1, đúng sáng mùng 1 Tết.

Khoảng 3 tiếng sau, điện thoại của Qiu và chồng là anh Wan Lu liên tục nhận được điện thoại từ bạn bè và người lạ. Được Qiu khích lệ, các anh chị em trong nhà cũng tham gia. Họ thay phiên nhau nấu cơm, rửa rau, cắt thịt để nấu nướng, gói và giao hàng. Giá của một suất cơm gồm 2 món thịt và 1 món rau vẫn như những ngày trước khi có dịch: 15 Nhân dân tệ (2,16 USD).

Khoảng 12h30 ngày 26-1, một y tá gọi từ Trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng nói rằng, không ai nhận đơn đặt hàng và hỏi liệu Qiu có thể gửi cho cô một suất cơm hộp không? Mặc dù trung tâm đó cách nhà hàng của Qiu khoảng 20km nhưng cô vẫn quyết định gửi cho người y tá 2 suất ăn miễn phí. “Tôi đưa cô ấy thêm 1 suất để ăn đêm. Cô ấy đang chiến đấu ở tiền tuyến và cần nhiều năng lượng hơn”, bà chủ cửa hàng nói.

Tiếng lành đồn xa, Qiu nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng từ các bệnh viện. Hơn 430 bữa ăn đã được chuyển đến Bệnh viện Hankou, Bệnh viện Union và các bệnh viện ở quận Huangpi trong 2 ngày đầu tiên. Qiu và các thành viên gia đình cô đã lái xe hơn 500km mỗi ngày. “Chồng tôi và tôi đã nhận được nhiều tin nhắn và cuộc gọi điện thoại của cư dân mạng. Họ khuyến khích chúng tôi và động viên Vũ Hán. Điều đó làm chúng tôi vô cùng xúc động”.

Yến Chi 

Ca nhiễm virus Corona thứ 7 tại Việt Nam

Sáng ngày 2.2, Bộ Y tế thông tin, một bệnh nhân quốc tịch Mỹ  xét nghiệm dương tính với bệnh viêm đường hô hấp do ...

Dân Trung Quốc đổ xô mua thảo dược ngừa nCoV sau công bố của Viện Vũ Hán

Sau khi các viện dược liệu công bố loại  thuốc có thể ức chế virus Corona , dân Trung Quốc đổ xô mua thảo dược Shuang ...

Những người Việt trở về từ Vũ Hán

Khi Châu An nhập viện vì sốt rét cũng là lúc cô liên tục bị các số điện thoại lạ gọi đến mắng chửi, thậm ...

Ngày đăng: 11:23 | 02/02/2020

/ anninhthudo.vn