Sau nửa tháng dừng, gạo Việt Nam được nối lại xuất khẩu nhưng phát sinh bất thường từ cả cách hành xử của cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. 

Ngày 24/3, hải quan dừng thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu, sau chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch. Nửa tháng sau, Chính phủ cho phép nối lại xuất khẩu với hạn ngạch 400.000 tấn gạo trong tháng 4 từ 11/4. Tuy nhiên, sáng 11/4, nhiều doanh nghiệp phản ứng khi Tổng cục Hải quan mở hệ thống đăng ký tờ khai giữa đêm mà không báo trước, khiến họ không kịp trở tay để đăng ký.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi không kịp mở tờ khai dù đã tồn số hàng lớn nằm tại các cảng khá lâu. Mỗi ngày doanh nghiệp phải mất thêm nhiều chi phí như lưu kho bãi, lãi suất ngân hàng, phạt đền bù hợp đồng cho các đối tác nước ngoài...

Giải thích sau đó, Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã khẳng định hệ thống thông quan điện tử hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp chủ quan của con người. Hệ thống thông quan điện tử của Hải quan mở cho các doanh nghiệp đăng ký tờ khai từ 0h ngày 12/4. Đến 6h15, hệ thống tự dừng lại sau khi trừ lùi đủ hạn ngạch. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa giải thích rõ tại sao mở hệ thống khai thông tin "mà không thông báo công khai cho các doanh nghiệp".

 

Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3/2020. Ảnh: Thanh Trần.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đề nghị huỷ toàn bộ tờ khai từ 11/4 đến nay. Ông đề xuất cho các doanh nghiệp khai tiếp những lô đang khai dở và thông quan hết số gạo đã nằm trên cảng, dự kiến không vượt 250.000 tấn. Đồng thời, hải quan cho khai mới với số lượng không hạn chế, chứ không dừng ở 400.000 tấn rồi "đóng cổng thông tin".

"Ví dụ cho khai tự do đến 2 triệu tấn. Tờ nào khai trước thì xuất trước, đến khi thông quan đạt mốc 400.000 tấn thì dừng xuất khẩu", ông nói.

Đồng quan điểm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị trước mắt, cho giải toả toàn bộ lượng gạo đã sẵn sàng tại cảng, cho khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở và thông quan số lượng gạo tại cảng sớm nhất có thể. Hiệp hội kiến nghị Tổng cục Hải quan tạo điều kiện phân luồng xanh và luồng vàng để thông quan nhanh chóng, thay vì luồng đỏ.

Về hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn, VFA cũng yêu huỷ toàn bộ tờ khai nếu phát hiện khai khống số lượng, số container, số seal, không xuất trình được hàng hoá khi kiểm tra. VFA cũng yêu cầu hải quan phải công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống, có văn bản cụ thể để các Cục hải quan địa phương, Chi cục hải quan cửa khẩu và thương nhân biết.

 

Ngược lại, Tổng cục Hải quan phản ánh nhiều doanh nghiệp "xù" hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia vốn sau khi giá xuất khẩu tăng cao. 

 

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết có dấu hiệu bất thường sau khi rà soát danh sách các doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng này. Theo đó, 4 đơn vị đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký. Đến khi hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đăng ký đến hàng nghìn tấn gạo. "Điều này gây nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, hiện tại chưa ký hợp đồng, nhưng lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng 17.940 tấn, đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu hơn 13.000 tấn. Hai công ty Mỹ Tường và Thuận Minh trúng thầu, chưa ký hợp đồng với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng cũng đều đăng ký xuất hơn 10.000 tấn gạo.

Dẫn Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, đại diện hải quan cho rằng các doanh nghiệp trên chưa đảm bảo quy định này. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài buộc phải ký hợp đồng đã trúng thầu với dự trữ quốc gia mới được xuất khẩu.

Sau những bất đồng, đại diện cơ quan hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn cũng nói đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo đấu thầu hạn ngạch. Nói thêm về phương án này, ông Âu Anh Tuấn cho biết, thay vì phân bổ hạn ngạch hàng tháng, có thể đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường mà Bộ Công Thương đang thực hiện.

Theo ông Tuấn, việc đấu giá dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tham gia đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107. Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và phải ký hợp đồng với một siêu thị để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu trong 6 tháng trước.

"Đáp ứng các quy định này, doanh nghiệp mới được tham gia vào đấu giá hạn ngạch. Như vậy, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn. Sau khi có hạn ngạch, sẽ ký hợp đồng và đăng ký tờ khai xuất khẩu", ông Tuấn nói.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo rõ việc thực hiện điều hành xuất khẩu gạo tháng 4, còn Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu và mua dự trữ 190.000 tấn gạo, 80.000 tấn thóc theo kế hoạch Thủ tướng giao.

Anh Tú

Khi “hạt ngọc trời” vượt biên xuyên đêm vì “sợ” ánh sáng trời?

Vài tuần qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề có nên xuất hay không xuất khẩu gạo vào lúc mà ...

Hai kịch bản về an ninh lương thực, xuất khẩu gạo trong dịch Covid-19

Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu, khi nguồn cung giảm mà nhu cầu lương thực trên thế giới đang tăng ...

Thủ tướng vẫn quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo

Ngày 25.3.2020, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng đã ký công văn số 2280/VPCP-NN truyền đạt chỉ ...

Ngày đăng: 08:38 | 16/04/2020

/ vnexpress.net